Sự thật kinh hoàng đằng sau loại cà phê đắt nhất thế giới

Phân cầy hương chứa những hạt cà phê bị tiêu hoá một nửa.
Phân cầy hương chứa những hạt cà phê bị tiêu hoá một nửa.
TPO - Kopi Luwak được coi là loại cà phê đắt nhất trên thế giới, và nó được làm từ phân, hay nói đúng hơn, là hạt cà phê được tiêu hóa một nửa và được đào thải qua phân cầy hương. Tại Mỹ, một cốc Kopi Luwak có giá lên tới 80 USD.

Cầy hương là loài động vật sống chủ yếu ở Nam Á và khu vực gần Saharan Châu Phi, có đuôi dài như khỉ, nét mặt giống gấu trúc Bắc Mỹ, có vằn và đốm trên người. Cầy hương đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn. Chúng ăn côn trùng, thằn lằn nhỏ, và một số loại quả như xoài, đặc biệt là cà phê. Đó cũng chính là nguồn gốc ra đời của loại cà phê cầy hương, có tên là Kopi Luwak.

Kopi Luwak được coi là loại cà phê đắt nhất trên thế giới, và nó được làm từ phân, hay nói đúng hơn, là hạt cà phê được tiêu hóa một nửa và được đào thải qua phân cầy hương. Enzyme tiêu hóa của loài cầy hương đã làm thay đổi cấu trúc protein của hạt cà phê, loại bỏ một số loại acid để làm cà phê thêm thơm ngon hơn.Tại Mỹ, một cốc Kopi Luwak có giá lên tới 80 USD.

Ở Indonesia, người dân luôn chú ý bảo vệ loại cầy hương. Nhưng do sự nổi tiếng của loại cà phê Kopi Luwak mà một số lượng lớn cầy hương đã bị bắt nhốt trong các nông trường cà phê. Nguyên nhân chủ yếu được cho là để thuận tiện trong việc sản xuất cà phê, nhưng đồng thời cũng để kiếm tiền từ du khách, những người muốn được tiếp xúc với loài cầy hương ngoài đời thực.

Các nghiên cứu sinh từ bộ phận nghiên cứu bảo tồn hoang dã Đại học Oxford và Tổ chức bảo vệ động vật phi lợi nhuận ở London đã đánh giá chất lượng sống của gần 50 con cầy hoang bị giam giữ ở 16 nông trường ở Bali (Indonesia). Kết quả được công bố mới đây trên báo Animal Welfare, vẽ lên một bức tranh u tối về thực trạng môi trường sống đáng báo động của loài cầy hương.

Các chỉ số từ kích cỡ và độ vệ sinh của chuồng, cho tới điều kiện để cầy có thể hoạt động thoải mái như trong môi trường tự nhiên... đều nằm dưới mức cho phép. “Có nhiều chiếc chuồng rất nhỏ. Chúng tôi gọi nó là những chiếc chuồng thỏ. Chúng ướt nhẹp bởi nước tiểu và phân ở khắp nơi” - nghiên cứu sinh Neil D'cruze cho biết

“Nhiều con cầy trông rất gầy do bị bắt ăn với khẩu phần eo hẹp, chỉ gồm quả cà phê. Nhiều con bị béo phì do không được đi lại tự do, nhiều con lại bị say cafein” - D'cruze nói.

Sự thật kinh hoàng đằng sau loại cà phê đắt nhất thế giới ảnh 1

Một con cầy ló mặt nhìn ra từ chiếc lồng sắt nơi nó bị giam giữ và bị bắt sản xuất Kopi Luwak, loại cà phê đắt nhất thế giới.

Tuy nhiên, điều thực sự khiến D'cruze cảm thấy đau lòng là việc những chú cầy hương phải đứng, ngồi và ngủ trên tấm sàn lưới cả ngày. “Nếu bạn phải đứng trên lớp sàn lưới đó cả ngày, bạn sẽ bị sưng tấy và trầy da. Những con cầy hương không thể đi đâu thoát khỏi cái sàn đó", D'cruze nói. “Đó là sự đau đớn thường trực, đau đến tận cùng”.

Ngoài ra, nhiều con cầy hương không hề được tiếp xúc với nước sạch và tiếp xúc với các con cầy khác. Chúng phải sống trong sự ồn ào của các du khách suốt cả ngày. Đây quả thực là sự tra tấn  đối với loài động vật ngủ ngày và sống về đêm như cầy hương.

Mặc dù những con cầy hương phải sống rất khổ sở để có thể cho ra đời một số lượng lớn cà phê Kopi Luwak, nhưng theo một bài viết của hiệp hội Cà phê Mỹ, cà phê Kopi Luwak không thực sự quá ngon. Bởi quá trình tiêu hoá của cầy hương dù làm cà phê dịu hơn, nhưng nó cũng đã làm mất đi những acid tốt và hương vị làm nên sự đặc trưng của cà phê.

Ngoài ra, loài cầy hoang dã vốn biết chọn những quả cà phê ngon nhất để ăn. Việc các hãng cà phê bắt chúng ăn những quả già, quả không chất lượng sẽ tạo ra những sản phẩm cà phê kém thơm.

Sự thật kinh hoàng đằng sau loại cà phê đắt nhất thế giới ảnh 2

Trong các trại nuôi nhốt, những con cầy chỉ được ăn quả cà phê. Trong khi ngoài tự nhiên, chúng còn được ăn cả các loại hoa quả khác cùng côn trùng và thằn lằn.

Một cuộc điều tra bí mật của BBC hồi năm 2013 chỉ ra rằng: nhiều loại cà phê được dán nhãn là cà phê của cầy hoang Châu Âu, nhưng thực chất chỉ là cafe làm từ phân của cầy bị nuôi nhốt. Tony Wild, người đưa cà phê Kopi Luwak đến phương tây đã cảnh báo điều này trong một bài viết trên báo The Guardian. “Nó (ngành sản xuất cà phê cầy hương - PV) ngày càng trở nên giả dối”, anh nói.

UTZ, một tổ chức đánh giá chất lượng cà phê uy tín đã không cấp bằng chứng nhận 100% tự nhiên cho cà phê Kopi Luwak và đồng thời đưa ra cảnh báo cấm giam giữ động vật hoang dã trong nông trại.

Nhà báo Alex Morgan của báo the Rainforest Allience khuyến cáo: “Lời khuyên của tôi là tránh xa nó ra", anh nói, “bởi nó có thể là cà phê được sản xuất từ loài cầy bị nuôi nhốt."

Theo Theo National Geographic
MỚI - NÓNG