Sự thật về 'thần dược' lá sen khô chữa huyết áp, tiểu đường

Lá sen khô không phải là 'thần dược' để chữa bệnh. Ảnh minh họa: Internet
Lá sen khô không phải là 'thần dược' để chữa bệnh. Ảnh minh họa: Internet
TPO - Nhiều bệnh nhân huyết áp, tiểu đường từng bỏ thuốc điều trị, uống thuốc tễ xanh đỏ, uống nước lá sen khô… và phải nhập viện trong tình trạng đường huyết cao vọt, thậm chí hôn mê.

Bệnh nặng thêm vì bỏ thuốc uống nước lá

ThS.BS Tạ Xuân Trường - Phó trưởng khoa Nội BVĐK Nông Nghiệp cho biết, có không ít bệnh nhân mắc các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường không tuân thủ điều trị, tự ý bỏ uống thuốc để chuyển sang chữa theo các phương pháp truyền miệng khiến bệnh trở nặng hơn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.

“Trong gần 7000 bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp bệnh viện đang quản lý ngoại trú, thì có tới 2/3 bệnh nhân mắc cùng lúc hai bệnh này. Vì thế, điều trị quan trọng nhất là kiểm soát soát đường máu, mỡ máu, huyết áp cao, kiểm soát biến chứng tiểu đường. Nhưng nhiều người lại sợ thuốc nên cứ nghe mách bảo dùng loại thuốc nam, thuốc tễ, thực phẩm gì tốt cho bệnh nhân tiểu đường là tin tưởng dùng, bỏ thuốc điều trị rất nguy hiểm”, BS Trường nói.

Sai lầm bệnh nhân hay mắc phải nhất, đó là dùng các loại thuốc tễ xanh đỏ (thực tế nhiều loại do các cơ sở mua thuốc tây tán ra rồi đóng viên bán cho bệnh nhân), rồi ngày ngày uống nước lá sen khô để hạ đường máu nhưng bỏ thuốc rất nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân tiểu đường sợ cơm, coi cơm như nguyên nhân gia tăng đường huyết khiến họ không dám ăn, chỉ ăn nhiều đạm và rau xanh với mong muốn giảm đường huyết. Trong khi đó, việc ăn nhiều đạm, cắt bỏ cơm khiến dinh dưỡng không cân đối, không tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Những người tuyệt đối không được dùng nước lá sen

Từ xưa, tất cả các bộ phận của sen, từ lá sen, hạt sen, tâm sen, củ sen... đều được sử dụng làm món ăn, bài thuốc. Nhất là thời gian gần đây nhiều chị em truyền tai nhau và xem lá sen như một "thần dược" giảm béo tự nhiên mà hiệu quả.

Theo Đông y, lá sen có vị đắng chat, tính bình. Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm.

Tuy nhiên, lá sen cũng như những thực phẩm khác, nếu dùng không đúng sẽ để lại hậu quả khó lường. Dưới đây là những tác dụng phụ cần phải tránh khi dùng lá sen:

 - Phụ nữ khi đang trong thời kỳ hành kinh, phụ nữ khi đang mang thai hoặc cho con bú không nên dùng lá sen.

- Những người có thể nhiệt khi uống vào thì hạ hỏa, trong người sảng khoái, ngủ tốt hơn. Nhưng ngược lại, trường hợp người thể hàn uống vào cũng ngủ được nhưng về lâu dài sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường. Nếu sử dụng lá sen lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý là làm giảm ham muốn tình dục.

- Không dùng nước lá sen thay nước khi đang dùng thực phẩm giảm cân khác.

Lưu ý: Nên uống nước lá sen trước bữa ăn ít nhất 30 phút hoặc sau bữa ăn khoảng 1 giờ để không gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.

MỚI - NÓNG