Tại sao cả em họ chồng, tôi cũng phải nuôi?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Tôi rất nản khi vừa “xuất xưởng” được cô em gái chồng thì đến lượt cậu em con chú lại xuống ở nhờ để học đại học, nhưng chẳng dám nói ra vì sợ mang tiếng hẹp hòi.

Quan điểm của bạn đọc về vấn đề này, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Tôi đang bị stress, stress khủng khiếp chỉ vì chuyện liên quan đến nhà chồng, cho dù chúng tôi đang ở riêng tại Hà Nội, còn gia đình anh ấy ở dưới quê. Chúng tôi lấy nhau đã 5 năm, có con gái 4 tuổi và tôi đang rất muốn sinh thêm bé nữa, nhưng cứ tình hình luôn luôn phải chu cấp cho một thanh niên ăn học như thế này, chuyện đó đành phải gác lại thôi.

Vợ chồng tôi sống trong một căn hộ tập thể cũ ở Hà Nội, rộng chưa đầy 40m2, chỉ có một phòng ngủ. Đây là nhà chúng tôi thuê. Hồi mới cưới cho đến cách đây 1 năm, cô em gái chồng đến ở cùng chúng tôi. Cô ấy ngủ trên cái sô pha giường ở cái phòng khách kiêm phòng ăn và phòng sinh hoạt chung. Mọi chi phí ăn học của cô ấy, vợ chồng tôi lo, bố mẹ chỉ mỗi tháng cho vài trăm nghìn đồng tiêu vặt.

Việc nuôi em tôi cũng cho đó là nghĩa vụ của mình giúp đỡ bố mẹ chồng ở quê, nhưng riêng chuyện phải phục vụ cô ấy, tôi khá bất mãn. Tôi thì bầu bí rồi con nhỏ, mà em chồng không chịu mó tay đến bất cứ việc gì trong nhà, kể cả rửa bát hay lau bàn ăn. Dù sao tôi cũng cố chịu đựng, không một lời phàn nàn cho đến khi cô ấy ra trường.

Tưởng có thể nhẹ gánh đôi chút, nhà cửa đỡ chật, sinh hoạt đỡ bất tiện, được tự do, riêng tư hơn thì cậu em con chú của chồng tôi (vừa đỗ đại học) lại xuống ở nhờ, theo lời mời của bố chồng tôi. Bố đã mời mà chúng tôi từ chối thì chẳng khác gì làm nhục bố, nên tôi lại ngậm bồ hòn làm ngọt. 

Thế là tôi lại phải hầu hạ một cậu thanh niên nữa trong khi bản thân đã bận lắm rồi, lại chịu đựng cảnh sinh hoạt bất tiện trong không gian chật chội. Nói là chỉ cho ở nhờ, nhưng thực tế chúng tôi phải bao cậu em tiền ăn và chi phí sinh hoạt, chưa kể thỉnh thoảng lại bị vay tiền mà không trả, trong khi chúng tôi kinh tế khó khăn, vẫn ở nhà thuê. Cậu ấy cũng chỉ ăn với học, không đụng tay vào việc gì, quần áo tôi cũng phải giặt và gấp hộ.

Tại sao đến cả em họ chồng tôi cũng phải nuôi vậy? Tôi làm thế nào để chịu đựng thêm 4 năm nữa cho đến khi cậu ấy ra trường đây?

Chuyên gia tư vấn:

Thực ra trong chuyện này, lỗi một phần là ở vợ chồng bạn. Hai người đã quá cả nể mà không dám nói thẳng ra hoàn cảnh, suy nghĩ thật của mình. Bố mẹ chồng bạn, vì vậy, không nhận thức được rằng quyết định hào phóng và tốt bụng của họ lại ảnh hưởng nhiều đến con cái như vậy.

Bạn có nghĩa vụ giúp đỡ gia đình chồng không có nghĩa là phải bảo bọc, phục vụ cả em họ chồng. Việc có nhận lời hay không tùy thuộc vào việc bạn muốn hay không. Bạn không muốn nhưng chẳng dám nói ra, không dám chấp nhận cơn giận (sẽ qua) của bố chồng để đổi lấy 5 năm nhẹ nhõm cả về tinh thần lẫn vật chất. 

Nhẽ ra ngay cả khi chấp nhận cho ở nhờ, bạn cũng có thể giảm mức độ stress bằng cách thẳng thắn nói rõ với cậu em về giới hạn giúp đỡ, chẳng hạn khoản tiền nào cậu ấy phải đóng, và phân công công việc trong nhà. Nhưng bạn cả nể nên phải chấp nhận vừa mệt thân vừa mệt tâm.

Cậu em họ chồng bạn sắp kết thúc một năm học và về nghỉ hè. Nhân dịp này, bạn có thể nói với cậu ấy, và cả bố chồng, rằng vợ chồng bạn chuẩn bị sinh con thứ hai nên không thể tiếp tục cho cậu ấy ở nhờ nữa. Tôi chắc chắn rằng có lý do chính đáng như vậy thì không ai trách được bạn, thậm chí bị trách một chút vẫn còn hơn chịu thêm 4 năm, phải không?

Mất lòng trước được lòng sau bạn ạ. Bạn có thể giúp cậu em tìm nhà trọ, thậm chí “tài trợ” hẳn tiền thuê nhà tháng đầu, như thế mọi chuyện sẽ “mềm dẻo” dễ chịu hơn.

MỚI - NÓNG