Tâm thần vì nghiện rượu quốc lủi

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Rượu quốc lủi (rượu đế) là loại thức uống có cồn do người dân tự nấu, được đàn ông Việt Nam ưa chuộng, nhưng lại chứa chất độc là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tâm thần.

Rượu quê có an toàn?

Hiện nay, Việt Nam là nước có tỷ lệ người sử dụng rượu bia đang ở mức đáng báo động. Cụ thể, 11% dân số trưởng thành (từ 16 tuổi trở lên) rơi vào tình trạng lạm dụng loại thức uống có cồn này, trong đó có 3% nghiện rượu. Đặc biệt, nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến rượu bia ở Việt Nam cao hơn các nước khác, bởi 80% số lượng thức uống có cồn lưu hành trên thị trường là do người dân tự sản xuất theo cách thủ công.

Về vấn đề này, bác sĩ Lý Trần Tình (giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) lý giải: “Với công nghệ thấp, loại rượu quốc lủi do nhân dân tự sản xuất không được xử lý khử độc và chứa nhiều chất gây hại cho sức khỏe”.

Điển hình là furfurol xuất hiện ở hầu hết các mẫu rượu sản xuất thủ công được phân tích, thậm chí với nồng độ rất cao. Furfural là tác nhân gây đột biến DNA và nhiễm sắc thể, có thể gây ung thư (gan và dạ dày)

Ngoài ra, hàm lượng aldehyde trong loại rượu này cũng gấp hàng trăm lần quy định cho phép của Bộ Y tế. Chất này làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến rượu như loét dạ dày, huyết áp cao, rối loạn tâm thần, gan nhiễm mỡ và xơ gan, tiểu đường, vô sinh nam, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa như ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày…

Bên cạnh đó, trong rượu lên men thủ công còn có chứa methanol, dù nồng độ thấp không gây chết người nhưng chất này vẫn có tác hại lâu dài làm giảm thị lực. Những trường hợp tử vong do methanol thường là do uống rượu pha từ cồn tổng hợp.

Tâm thần vì rượu: Suy giảm trí nhớ đến loạn thần

Không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể, những chất này còn tác động đến hệ thần kinh trung ương. Đối với những người lạm dụng loại thức uống này, sau một thời gian sẽ có biểu hiện run tay vào buổi sáng, mất dần trí nhớ. Nghiêm trọng hơn, rượu còn khiến người nghiện biến đổi nhân cách, trở nên cục cằn, thô lỗ, dễ xung đột… Đây chính là biểu hiện của các bệnh lý tâm thần.

Bác sĩ Lý Trần Tình (giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) cho biết: “10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần trong cuộc đời. Tại bệnh viện, mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 trường hợp loạn thần vì rượu, chiếm 14% bệnh nhân nội trú".

Là người trực tiếp điều trị những bệnh nhân tâm thần do rượu, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (trưởng khoa H, bệnh viện Tâm thần Hà Nội) nhận định loạn thần là bệnh lý thường gặp ở những người nghiện rượu. Bệnh nhân loạn thần sẽ trở nên lú lẫn, hoang tưởng, gặp những ảo giác rùng rợn như nhìn thấy ma quỷ, rắn bò trên người, có người cầm dao chém mình, hoặc nghe thấy lời đe dọa bản thân, gia đình. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn có thể rơi vào tình trạng trầm cảm và rất dễ dẫn đến tự sát.

Với tính chất phức tạp, loại bệnh lý này cần được điều trị lâu dài, có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội.

Đặc biệt,việc ngừng sử dụng rượu trong suốt giai đoạn điều trị là yêu cầu bắt buộc đầu tiên. Tuy nhiên, nếu điều trị ngoại trú việc bỏ rượu là điều rất khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực của cá nhân người nghiện rượu. Vì vậy, các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đều khuyên rằng người bệnh nên điều trị trong môi trường chuyên khoa để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG