Tết mất ngon vì tim mạch

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Tết năm ngoái, Bệnh viện 354 liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị tai biến tim mạch.

Tết thường rơi vào mùa lạnh, nhất là ở Miền Bắc. Tết, nhiều người thường ăn uống thiếu kiểm soát, ít vận động, và quên uống thuốc. Các yếu tố đó có thể liên quan đến các tai biến tim mạch gia tăng dịp tết.

Sau dịp Tết Giáp Ngọ, Bệnh viện 354 cấp cứu cho ông H., 57 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nói khó, bại nửa người bên trái.

Ông H. có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao và đang dùng thuốc điều trị.

Cho rằng “uống thuốc đầu năm sẽ bệnh cả năm”, ông tự ý ngừng uống thuốc điều trị tim mạch trong mấy ngày tết.

Qua khai thác tiền sử được biết, trong mấy ngày tết, ông ăn nhiều nhưng lại ít vận động và sử dụng nhiều các chất kích thích như rượu, bia, chè, cafe (cà phê). Ðặc biệt, cho rằng “uống thuốc đầu năm sẽ bệnh cả năm”, ông tự ý ngừng uống thuốc điều trị tim mạch. Vài ngày sau Tết, khi vừa ngủ dậy, ông H. tự nhiên thấy người mệt mỏi, nói khó, bại nửa người bên trái.

Sau khi làm các xét nghiệm cấp cứu, các bác sĩ phát hiện ông bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gan nhiễm mỡ, lượng Cholesterol và Triglyceride trong máu tăng 2-3 lần so với bình thường.

Tết mất ngon vì tim mạch ảnh 1

Chế độ ăn uống Tết mất cân đối dễ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa.

Tiếp tục chụp quét cắt lớp điện toán (còn gọi là chụp CT (computed tomography) hay CT scanner) sọ não, các bác sỹ phát hiện một ổ nhồi máu ở vùng bán cầu não bên phải gây tắc mạch máu não dẫn đến xơ vữa động mạch. Các bác sĩ nhận định, tình trạng bệnh của ông H. rất nguy kịch.

Tương tự, Tết vừa qua, bà D., 71 tuổi (Hà Nội) nhập viện Bệnh viện 354 trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi lại không vững.

Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp tết và đo huyết áp thường xuyên. 

Qua các xét nghiệm cấp cứu và nội soi, bà bị phát hiện thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch vành, lượng đường trong máu tăng cao, Cholesterol trong máu tăng gấp hai lần, Triglyceride tăng bốn lần so với bình thường.

Bà được chẩn đoán bị thiếu máu não gây rối loạn tiền đình. May mắn chụp CT sọ não không phát hiện thấy tổn thương của tế bào não. Sau hơn ba tuần điều trị tích cực, sức khỏe bà D. tạm ổn. Tuy nhiên, bà vẫn phải điều trị ngoại trú với các thuốc hạ mỡ máu, thuốc tăng cường tuần hoàn não, xơ vữa động mạch…

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do, trong dịp Tết, bà ít vận động, ăn uống mất cân bằng, sinh hoạt bị xáo trộn, uống thuốc điều trị bệnh tim không đều.

Bàn luận

Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do tai biến tim mạch là khá cao trong danh sách các bệnh gây tử vong. Các tai biến tim mạch bao gồm: tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ não.

Tai biến tim mạch thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh huyết áp cao và tiểu đường.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai biến tim mạch thường xảy ra với người mắc bệnh tim mạch dịp Tết là do chế độ ăn uống mất cân đối dẫn đến các rối loạn chuyển hóa.

Các rối loạn chuyển hóa bao gồm bệnh tiểu đường, các bệnh về tuyến giáp, rối loạn mỡ trong máu (tăng Triglyceride hay Cholesterol trong máu), thừa acid uric trong máu (bệnh thống phong) hay bệnh béo phì.

Các bữa ăn phong phú với nhiều thịt, mỡ cùng chế độ ăn uống không điều độ là khó tránh trong ngày Tết. Ðiều này là hết sức nguy hiểm với bệnh nhân có tiền sử mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tiền sử có bệnh mạch vành.

Do đó, bệnh nhân tim mạch cần cân nhắc và hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thịt và phủ tạng động vật để không tránh nguy cơ nhập viện vì những tai biến của bệnh tim mạch.

Với người tăng huyết áp, suy tim, nên hạn chế ăn mặn và các món ăn nhiều muối như dưa muối, kiệu muối, các thức ăn chế biến sẵn như giò chả, pate, lạp xưởng. Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh vì đây là nguồn thực phẩm giàu potassium (kalium) tốt cho bệnh nhân tim mạch.

Dịp Tết, thời tiết thường rét. Với bệnh nhân tim mạch, đây là yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến tai biến tim mạch. Thời tiết lạnh làm các mạch máu co lại, máu lưu thông khó khăn, nhất là các mạch máu nhỏ và ở xa tim. Máu lưu thông chậm sẽ làm tăng nguy cơ đông máu, từ đó dẫn đến bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não (đột quỵ não).

Thói quen uống rượu, bia trong ngày Tết cũng được coi là kẻ thù nguy hiểm của tim mạch vì gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim co bóp mạnh hơn bình thường và tăng áp lực mạch máu não, có thể gây xuất huyết mạch não (vỡ mạch máu não). Ngoài ra, thói quen uống thuốc điều trị không đều, ít vận động cũng làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch.

Biểu hiện tai biến tim mạch

- Mệt mỏi

- Ðau đầu, chóng mặt, buồn nôn

- Ðau tức vùng ngực

- Cảm giác ngạt thở, khó thở

- Nói khó

Phòng tránh

- Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau quả

- Tuân thủ chế độ điều trị tim mạch, thường xuyên kiểm tra huyết áp

- Uống thuốc đều đặn, đúng và đủ liều lượng, tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ.

- Giữ ấm cơ thể

- Tăng cường vận động

- Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá

Ðể ngày Tết luôn vui vẻ và hạnh phúc, người bị bệnh tim mạch cần có chế độ sinh hoạt điều độ, tránh xa các nguy cơ tiềm tàng gây hại cho tim. Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp tết và đo huyết áp thường xuyên.

Khi có các triệu chứng bất thường cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Vũ Ðức Chung, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Bệnh viện 354

MỚI - NÓNG