Thay khớp gối nhân tạo thành công cho bệnh nhân có khối u khổng lồ

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Phát hiện u tế bào khổng lồ mâm chày cách đây 6 tháng, đã can thiệp phẫu thuật lấy u, ghép xương tự thân nhưng bệnh nhân vẫn đi lại khó khăn, đau đớn. Đã có phương án phải cắt cụt chân bệnh nhân nhưng các BS Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã phẫu thuật tạo hình lại khớp gối bằng khớp gối nhân tạo để bệnh nhân đi lại gần như hoàn toàn bình thường. 

Bệnh nhân nam, 25 tuổi, phát hiện u tế bào khổng lồ mâm chày cách đây 6 tháng, được can thiệp phẫu thuật lấy u, ghép xương tự thân. Sau 6 tháng, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng đau, khả năng đi lại khó khăn, phim Xquang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cho thấy khối u tế bào khổng lồ mâm chày ngoài, đã phá huỷ hoàn toàn cấu trúc mặt khớp và thành xương phía sau mâm chày ngoài.

Bệnh nhân được làm các thăm dò toàn thân, hội chẩn liên chuyên khoa: ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, chấn thương chỉnh hình và có các phương án điều trị được đặt ra để trao đổi bàn bạc với bệnh nhân và gia đình: 1 là cắt cụt chi trên khớp gối, 2 là tiếp tục lấy khối u rộng rãi và các biện pháp ghép xương, hàn khớp gối và 3 là cắt bỏ xương rộng rãi kết hợp với phục hồi chức năng khớp gối bằng khớp gối nhân tạo.

Theo PGS.TS. Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, giảng viên Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, sau khi thống nhất ý kiến giữa bệnh nhân, gia đình và tập thể các bác sĩ, phương án 3 được lựa chọn. Cuộc mổ kéo dài 2 tiếng rưỡi, cắt bỏ rộng rãi khối u và 1 phần xương mâm chày quanh u, đảm bảo đến phần xương lành của bệnh nhân. Khớp gối nhân tạo được sử dụng để thay cho bệnh nhân là bộ khớp thay lại với phần chuôi nằm sâu trong ống tuỷ 16cm tính từ mặt khớp nhân tạo để đảm bảo độ vững cơ học của khớp nhân tạo. Phần khuyết xương do khối u được sử dụng xi măng sinh học để tạo hình lại hình thể của mâm chày.

Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc tại chỗ, tập phục hồi chức năng và tập đi lại. 2 tuần sau mổ, bệnh nhân có khả năng đi lại không cần dụng cụ trợ đỡ, vết thương liền tốt và đang duy trì tập gấp gối. Ở thời điểm 4 tuần sau mổ, bệnh nhân đi đường bằng gần như bình thường, không đau, biên độ gối tăng dần. Lịch tái khám và theo dõi duy trì dự kiến 2 tháng/lần trong năm đầu tiên, đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu sớm của tái phát khối u tại chỗ.

PGS.TS. Dũng cho biết thêm, kết quả bước đầu về chức năng khớp là khả quan, tuy nhiên, việc theo dõi sát về lâm sàng và phát hiện các bất thường liên quan đến bệnh lý và tuổi thọ của khớp là rất quan trọng. Rất may là bệnh nhân của chúng tôi thực sự tin tưởng vào chúng tôi và ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc theo dõi tiếp theo.

U tế bào khổng lồ của xương là loại thương tổn u khá thường gặp, chiếm khoảng 3-4% các u nguyên phát của xương, thường phát hiện ở người khoẻ mạnh khoảng 30 - 40 tuổi. Vị trí tổn thương của u này thường ở đầu các xương dài (chiếm 80% các trường hợp và trong đó 75% các trường hợp là xuất hiện quang khớp gối). 80% các trường hợp u tế bào khổng lồ có thể coi là lành tính với tỷ lệ tái phát tại chỗ từ 10-50%, khoảng 10% có chuyển dạng ác tính khi tái phát tại chỗ và từ 1-4% có thể có biểu hiện di căn phổi mặc dù có kết quả lành tính tại chỗ về mặt mô học. Sự khó khăn trong điều trị u tế bào khổng lồ liên quan đến vị trí của khối u, đặc biệt là các khối u gần khớp. Những trường hợp khối u phá hủy rộng rãi đầu xương, khả năng bảo tồn chức năng khớp vô cùng khó khăn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.