Thêm 6 mảnh đời hồi sinh nhờ hiến tạng

Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép thận.
Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép thận.
TP - Nam tài xế GrabBike 30 tuổi bất ngờ gặp tai nạn trên đường trở về sau một cuốc xe chở khách, cụ ông 68 tuổi đột quỵ trong lúc đang đánh cờ tại nhà bạn. Hai cuộc đời, hai độ tuổi, hai công việc… tưởng chừng không liên quan nhau, nhưng cuối đời, hai người đàn ông lại gặp nhau tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cùng thực hiện một nghĩa cử thiêng liêng: hiến tạng sau khi đột ngột qua đời.

BV Chợ Rẫy vừa tổ chức họp báo thông tin về 2 trường hợp đặc biệt hiến tạng từ người cho tim ngừng đập. Đây là trường hợp hiến tạng từ người cho tim ngừng đập thứ 3 và thứ 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sống là cho và chết cũng là cho

Tên ông Phùng Văn Hinh (68 tuổi) có lẽ đã không còn xa lạ với người dân tại Định Quán, Đồng Nai. Ông Hinh từng cùng bạn bè cứu giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc không may gặp tai nạn. Ông còn tham gia hiến máu và vận động hiến máu cứu người. Những người nghèo, neo đơn tại địa phương khi qua đời không có điều kiện ma chay, chôn cất, chính ông là người đứng ra  vận động hỗ trợ áo quan, chi phí. Cả cuộc đời ông đều dành cho những hoạt động thiện nguyện.

Nhắc về cha mình, nhà báo Phùng Hiệu (báo Nhà báo & Công luận) con trai ông Phùng Văn Hinh, tự hào cho biết khi còn sống, cha anh nhắc đi nhắc lại với các con: nếu không may qua đời, hãy hiến tạng của ông để hồi sinh sự sống cho người khác.

Tháng 5/2018, trong một lần sang nhà bạn đánh cờ, ông Hinh bất ngờ bị đột quỵ. “Gia đình nhanh chóng đưa ba tôi vào viện vì hôn mê sau đột quỵ. Các bác sĩ cho biết với tình trạng sức  khỏe của ông khó cứu chữa được vì đã quá nặng. Lúc này gia đình chúng tôi bàn với nhau sẽ đưa ba lên Bệnh viện Chợ Rẫy để hiến tạng,  thỏa ý nguyện lúc còn sống của ông”, nhà báo Phùng Hiệu kể lại.  

Người hiến tạng thứ 2 là một thanh niên còn rất trẻ - anh Nguyễn Hy Na (30 tuổi, quê Đồng Tháp) - một tài xế GrabBike tại TPHCM. Cuối tháng 5/2018, sau khi chở khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bình Dương, quay xe trở về anh Na không may gặp tai nạn.

“Nghe người ta kể lại là em tôi tự té xe. Lúc ngã xuống, đầu nó đập xuống đường, phần kính chắn ở mũ bảo hiểm bị vỡ đâm vào gây nên vết thương nặng ở đầu. Sau khi xảy ra tai nạn, Na được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ cho biết em tôi bị chấn thương sọ não và chảy máu não, dường như không còn khả năng cứu chữa”, chị Nguyễn Thị Hồng Nga, chị gái anh Na thuật lại.

Lúc này trong đầu chị Nga chợt lóe lên ý nghĩ sẽ hiến tạng của em trai cho Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu sống những người khác.

Lúc đầu ý định của chị Nga bị mọi người phản đối vì họ muốn tập trung cứu em trai chị trước, nếu không cứu được nữa mới tính đến việc hiến tạng. Chị Nga tiếp tục thuyết phục mọi người trong gia đình hiến tạng em trai và sau đó được chấp thuận.

6 mảnh đời hồi sinh

Theo các bác sĩ, do  tim  của 2 người hiến ngừng đập đột ngột trong quá trình hồi sức, nên số cơ quan hiến tặng bị giảm đi so với sự tình nguyện hiến tặng trước đó. Nhờ vào tấm lòng cao cả của hai người đàn ông và gia đình, họ đã cứu sống được 6 người bệnh, trong đó có 4 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối và 2 người bệnh mù được sáng mắt.

“Trong 4 người bị bệnh thận mãn tính, có người đã phải chạy thận suốt 13 năm, có người tuổi đời còn rất trẻ. Ngay sau khi được ghép tạng, các bệnh nhân đều hồi phục rất tốt và đã được xuất viện. Không chỉ có người được nhận tạng mà ngay cả bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của anh Na và ông Hinh. Chính tấm lòng của họ đã hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo ”, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.

“Các bác sĩ nghiêng mình tri ân trước những nghĩa cao đẹp này".

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Ðơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.