Thói quen nào giúp hạnh phúc bền lâu?

Ngay từ khi mới cưới, vợ chồng tôi đã cùng nhau thực hiện nếp sinh hoạt mới của một gia đình - Ảnh mang tính minh họa: Internet
Ngay từ khi mới cưới, vợ chồng tôi đã cùng nhau thực hiện nếp sinh hoạt mới của một gia đình - Ảnh mang tính minh họa: Internet
Ngay từ khi mới cưới, vợ chồng tôi đã cùng nhau thực hiện nếp sinh hoạt mới của một gia đình. Nhờ duy trì những thói quen tốt để nó trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống lứa đôi...

Ai cũng có cá tính riêng, thói quen sinh hoạt khác biệt do được thừa hưởng nền giáo dục gia đình khác nhau. Nhưng khi đã là vợ chồng, nếu bạn không thiết lập một số thói quen tốt và cùng nhau duy trì, vun đắp, thì cả hai sẽ chỉ là khách trọ chung nhà.

Ngay từ khi mới cưới, vợ chồng tôi đã cùng nhau thực hiện nếp sinh hoạt mới của một gia đình. Nhờ duy trì những thói quen tốt để nó trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống lứa đôi, chúng tôi đã biến những khoảnh khắc bên nhau thành hạnh phúc suốt 28 năm qua.

Tin tưởng lẫn nhau

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, là chất keo kết dính giúp duy trì hôn nhân hạnh phúc. Bạn biết rõ điều ấy, nhưng có thường xuyên thể hiện với bạn đời? Cuộc sống vốn phức tạp, bất đồng, mâu thuẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhưng sau tất cả, bạn nên biểu lộ cho vợ/ chồng mình hiểu rằng, anh ấy/ cô ấy vẫn luôn là người mình đặt tất cả niềm tin.

Năm ấy, công ty mà vợ chồng tôi góp vốn làm ăn gặp khó khăn. Để giúp giám đốc, cũng là bạn thân, thực hiện một hợp đồng đã ký với đối tác, chồng tôi tự ý lấy giấy chủ quyền nhà đất của gia đình đem đi cầm để vay hơn 800 triệu đồng. Chẳng may hợp đồng kia không mang lại hiệu quả, tiền không thu lại được mà ngày trả nợ đã đến, nếu không thanh toán, gia đình tôi có nguy cơ mất nhà. Hoảng quá, chồng tôi mới thú thật việc mình giấu vợ đem sổ hồng đi cầm cố. Mới nghe, tôi choáng váng, gần như ngã chúi xuống nếu anh ấy không đỡ lại. Rồi tôi ngồi xuống, hít một hơi thật sâu, nắm tay chồng, nhìn thật sâu vào đôi mắt mệt mỏi, hoang mang của anh.

Tôi biết chồng mình cũng rối bời và hối hận lắm. Nếu chì chiết, đay nghiến anh, liệu sổ hồng có tự quay về? Phải tìm cách cùng nhau tháo gỡ thôi, nhủ thầm như thế, tôi cố điềm tĩnh bảo chồng: “Chuyện đã xảy ra rồi. Em tin anh cũng chỉ muốn làm điều tốt nhất cho bạn bè và gia đình. Mình sẽ xoay xở được anh ạ”. Vay mượn của người thân, bạn bè, chúng tôi đã giải quyết xong rắc rối. Cũng từ đó, làm bất cứ việc gì, chồng tôi đều bàn bạc và khi tôi thống nhất, anh mới thực hiện. Tôi nghiệm ra rằng, ta cần để bạn đời biết là mình luôn tin tưởng họ. Và phải thể hiện điều ấy thường xuyên, nhất là khi sóng gió, thất bại đe dọa cuộc sống gia đình.

"Cảm ơn" và "xin lỗi"

“Việc ấy là dành cho người ngoài, để xã giao. Người trong nhà mà khách sáo làm gì?”, tôi đã thốt lên như vậy khi chồng nói “cảm ơn em” lúc tôi bới cơm cho anh. Tôi lớn lên ở miền quê, nói năng có phần bỗ bã, đơn giản. Chồng tôi sinh ra trong gia đình gốc Bắc, gia giáo và lễ nghĩa. Có lần anh hỏi tôi: “Thử hình dung, em nấu cho chồng một tô cháo giải cảm. Dù rất mệt, anh vẫn “cảm ơn em”. Cảm giác của em sẽ thế nào?”.

“Hẳn nhiên em rất vui vì công sức của mình được ghi nhận, hơn thế, tình yêu em dành cho chồng đã được anh đáp lại”. “Vậy sao ta không cảm ơn nhau dù chỉ là một việc rất nhỏ?”, chồng tôi cười. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, tôi được chồng “dạy” mỗi ngày một chút, bằng chính việc anh làm và trở thành thói quen của tôi hồi nào không hay.

Tương tự, khi ai làm điều gì sai, có khi rất đơn giản như tôi vô tình đứng chắn màn hình ti vi lúc chồng đang mê mải với một trận bóng đá, hay anh lỡ đi giày trên nền nhà ướt mà tôi vừa lau xong, câu “xin lỗi anh/em” không chỉ giúp người kia không phát cáu mà chúng tôi còn hài lòng vì thấy vợ/chồng mình rất lịch thiệp.

Hóa ra, chẳng tốn công mất sức gì nhưng chính cách hành xử văn hóa qua việc cảm ơn và xin lỗi đã làm chúng tôi đẹp lên rất nhiều trong mắt nhau. Điều ấy còn khiến cho tình yêu luôn được ủ ấm.

Chớ mang cơn giận vào phòng ngủ

Lúc mới cưới, tôi thỏa thuận với chồng, dù có giận nhau thế nào cũng không được nằm quay lưng lại, hay một người ôm gối ra phòng khách. Đây là “bí quyết” mẹ trao lại cho tôi để “giữ chồng”. Bà bảo, đừng bao giờ mang theo cơn giận lên giường ngủ. Vợ chồng cần thỏa thuận với nhau phải giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn, bất đồng, xoa dịu cơn nóng giận trước khi lên giường.

Thói quen nào giúp hạnh phúc bền lâu? ảnh 1

Vợ chồng cần thỏa thuận với nhau phải giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn, bất đồng, xoa dịu cơn nóng giận trước khi lên giường

“Phòng ngủ là không gian riêng tư, yên ấm nhất của vợ chồng. Con đừng để cơn giận đốt cháy chốn loan phòng. Nếu chưa thật sự “hạ hỏa”, hãy ngồi lại bên nhau, nhắc đến những kỷ niệm vui để thấy điều các con đã cùng nhau trải qua đáng quý hơn ngàn lần những cái tôi vị kỷ”, mẹ tôi, một người đàn bà nông thôn, đã ý nhị khi nhắc con gái như vậy. Bí quyết này vừa được tôi trao lại cho con gái khi cháu lấy chồng bởi nhờ luôn tâm niệm lời mẹ dạy, vợ chồng tôi chưa bao giờ giận nhau quá một buổi.

Ghi nhận và khích lệ

Chồng tôi rất giống… trẻ con. Anh ấy thích được ngợi khen khi làm được một việc tốt nào đó. Ban đầu tôi khen là để chiều chồng, vì nhìn thấy vẻ mặt hớn hở của anh, ai cũng vui lây. Nhưng chính tôi cũng nhận được sự khích lệ từ chồng khi lần đầu chế biến thành công món vịt nấu chao học của mẹ chồng. Anh khen “vị chao không nồng mà lại rất thấm, thịt vịt đậm đà mà không ngấy. Em khéo tay ghê”, cảm giác sung sướng xen lẫn tự hào khiến tôi lâng lâng cả ngày và muốn trổ tài nấu thêm nhiều món ngon nữa.

Từ đó, khi chồng hay các con đạt được một thành công nào đó, dù nhỏ, tôi không quên chúc mừng và bày tỏ niềm tự hào của mình. Điều này cũng trở thành thói quen của mọi thành viên trong gia đình. Chúng tôi luôn ghi nhận sự nỗ lực và thật sự tự hào về thành công của nhau. Các con tôi hay nói đùa là nếu phát hành một loại giấy khen gia đình thì chúng tôi không đủ chỗ để treo.

Khi biết mọi người trong gia đình tôi thường khen ngợi, động viên nhau, nhiều người bạn cho rằng đó là việc phù phiếm. Nhưng tại sao bạn dễ dàng tung hô người ngoài mà lại tiết kiệm lời tưởng thưởng người thân, khi mỗi việc họ làm được, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều mang lại nhiều lợi ích cho gia đình? Quan trọng hơn, khi ghi nhận nỗ lực của bạn đời, bạn đã chắp thêm đôi cánh để họ tiếp tục sống tốt hơn, cho bản thân và gia đình. Hạnh phúc, nhờ vậy, không chỉ là khoảnh khắc.

Theo Theo Phunuonline
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.