Thú vị khách Tây học làm bánh tráng đập Hội An

Khách Tây học làm bánh đập Hội An.
Khách Tây học làm bánh đập Hội An.
TPO - Một ngày học làm bánh tráng đập Hội An thú vị được khá nhiều khách nước ngoài yêu mến. Cùng trải nghiệm với khách Tây học tráng bánh tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.

Theo chân Hoi An Free Tour, chúng tôi được những sinh viên dẫn một đoàn khách Tây đi học làm bánh tráng đập. Người hướng dẫn lớp học hôm nay là bà Nguyễn Thị Quân, 50 tuổi, xã Cẩm Kim. Bà Quân có trên 20 năm kinh nghiệm làm bánh tráng đập. Cách làm của bà hoàn toàn thủ công do vậy khách du lịch tha hồ được trải nghiệm sức nóng của lò bếp, của làn khói bốc lên từ chiếc bánh ướt.

Bà Quân giới thiệu về bánh tráng đập. Lấy bánh tráng ướt “dán” vào bánh tráng khô đã nướng, rồi dùng tay “đập” một phát trước khi chấm mắm ăn, thành ra cái tên “bánh tráng đập”. “Đầu tiên phải ngâm gạo chừng nửa ngày, sau đó xay thành bột, ủ bột. Khách chỉ cần dùng gáo đổ bột lên khay trong bếp lửa và dùng que tre để vớt bánh”- bà Quân giảng giải bằng tiếng Việt với khách Tây, thông qua phiên dịch viên tình nguyện.

Thú vị khách Tây học làm bánh tráng đập Hội An ảnh 1
Thú vị khách Tây học làm bánh tráng đập Hội An ảnh 2

Claire - 23 tuổi, đến từ Úc, đội chiếc nón lá và ngồi vào ghế để tráng chiếc bánh đầu tiên. “Bếp lửa rất nóng, nhưng rất thú vị. Tôi chưa bao giờ làm điều này ở Úc. Khi tôi đặt chân đến Sài Gòn, tôi thấy và ăn thử loại bánh này nhưng ở đây tôi được tự tay làm và ăn bánh do chính mình tráng”, cô nói. Claire cho biết cô muốn mang một ít nguyên liệu về Úc để “biểu diễn” tráng bánh cho người thân. 

“Mỗi khách được thử tráng bánh 2 lần. Bánh ở Cẩm Kim có điều đặc biệt của nó. Nhà tôi 3 đời làm bánh tráng, bí quyết cũng chẳng có gì, mình có thêm chút tiêu, muối, mắm, tỏi, hành. Đặc biệt là nước mắm, vị mặn giúp bánh đỡ lạt”, bà Quân nói.

“Vui nhất là lúc hơi nóng bốc lên, tay của khách Tây bị bỏng, còn mồ hôi thì cứ túa ra. Nhà tôi phải chuẩn bị vài cái quạt mo cau, vừa đúc bánh vừa quạt”. Nhiều khách đúc quá dày đến nỗi 2-3 phút bánh cũng chưa chín để vớt que tre. Không ít du khách do mải tạo dáng để chụp hình khi đúc bánh, nên vợ chồng bà Quân cứ phải canh lửa để bánh không bị cháy.

Thú vị khách Tây học làm bánh tráng đập Hội An ảnh 3

Trong bếp nhà bà Quân hôm nay có một cặp vợ chồng Việt-Hà Lan, là ông Martin (Hà Lan) và bà Trần Thị Tuyết Hồng, quê Biên Hòa, Đồng Nai. “Dù nhà vợ ở miền Nam nhưng món ăn Việt tôi thường rất ít được thử. Vị của bánh tráng hoàn toàn khác so với các loại bánh khác tôi đã từng ăn”, ông Martin nói.

Sau công đoạn tráng bánh ướt, khách ngồi vào chiếc bàn gỗ tròn của gia đình bà Quân để thưởng thức sản phẩm tự mình làm ra. Ép bánh ướt vào bánh khô, ai nấy xòe tay ra “đập” dẹp cho chúng dính với nhau. Rồi xé từng miếng nhỏ chấm vào chén mắm đặc sản Quảng Nam được pha chế đặc biệt. 

Loại hình du lịch dân dã này đã trở thành nguồn mưu sinh ổn định cho nhiều gia đình làm bánh tráng lâu đời tại Hội An. “Chỉ cần một bếp lửa, không cần rộng lắm, và một nồi bột. Mình chẳng phải làm cho họ ăn, mà họ tự làm tự ăn, rồi trả tiền”, bà Quân cho biết. Mỗi lần hướng dẫn khách, bà Quân cũng được vài trăm nghìn. Cả tháng chỉ cần vài tour là đủ để nuôi sống gia đình.

MỚI - NÓNG