Thực hư bài thuốc trứng gà chữa cao huyết áp

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Nhiều người bị bệnh tăng huyết áp thường không dám ăn trứng gà nói riêng, thậm chí còn kiêng kị một cách tuyệt đối. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn không phải như vậy.

Đông y cho rằng, mọi bộ phận của quả trứng gà đều có tác dụng dược lý khác nhau, chẳng hạn:

Lòng trắng trứng: Tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và bảo vệ niêm mạc; thường dùng điều trị ngộ độc thức ăn và thuốc, các chứng thương tổn hóa mủ…

Lòng đỏ trứng: Tính bình, công hiệu thanh nhiệt, ấm vị, trấn tĩnh, giải độc, tiêu viêm, dầu chế từ lòng đỏ trứng dùng trị ra mồ hôi trộm, lao phổi; thoa ngoài có tác dụng dưỡng da đẹp da, giúp điều trị các chứng như lác sữa và lở loét chi dưới…

Vỏ trứng: Vị ngọt chát, công hiệu chế toan (giảm chua), giảm đau, giúp điều trị loét dạ dày và chứng mềm xương ở trẻ, điều trị các chứng chấn thương dao, kéo và ung nhọt ngoài da

Màng trứng (lớp da mỏng trong vỏ trứng): Vị ngọt tính bình, có tác dụng nhuận phế, trị ho, cầm máu, dùng điều trị các chứng như ho suyễn lâu ngày, mất tiếng…

Nhiều người bị bệnh tăng huyết áp thường không dám ăn trứng nói chung và trứng gà nói riêng, thậm chí còn kiêng kị một cách tuyệt đối. Kỳ thực, quan niệm như vậy là chưa hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, chỉ xét riêng về phương diện y học cổ truyền, trứng vừa là thức ăn vừa là vị thuốc và nó có mặt trong khá nhiều món ăn - bài thuốc được dùng để phòng chống các bệnh lý thuộc hệ tuần hoàn, trong đó có bệnh tăng huyết áp. 

Bài 1: trai 50g, trứng gà muối 1 quả, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ. Các vị rửa sạch, ninh nhừ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: bổ ích can thận, dưỡng tinh huyết, trừ phiền giáng hỏa, dùng cho người bị tăng huyết áp và hội chứng tiền mãn kinh.

Bài 2: côn bố 20g, ý dĩ 20g, trứng gà 2 quả, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Côn bố rửa sạch thái ngắn đem nấu với ý dĩ thành cháo; trứng tráng chín, thái sợi đổ vào nồi cháo, chế đủ gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: cường tim lợi niệu, hoạt huyết, dùng cho người bị tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, thấp khớp cấp...

Bài 3: cải cúc 250g, lòng trắng trứng gà 3 quả. Cải cúc rửa sạch, thái ngắn nấu thành canh, khi được cho lòng trắng trứng vào quấy đều rồi bắc ra, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng tâm nhuận phế, kiện tỳ tiêu thực, dùng cho người bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, ăn uống chậm tiêu.

Bài 4: lá dâu (tang diệp) 6g, trứng gà 1 quả. Hai thứ rửa sạch nấu chín, ăn trứng uống nước, dùng liên tục trong 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: sơ phong thanh nhiệt, mát gan sáng mắt, bổ ích khí huyết, dùng cho người bị tăng huyết áp hay đau đầu chóng mặt.

Bài 5: lá sen 1 cái, trứng gà 1 quả, đường đỏ 20g. Các vị đem nấu chín, bỏ bã lấy nước uống trong ngày, 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: thanh thử giải nhiệt, bổ ích khí huyết, dùng rất tốt cho người bị tăng huyết áp.

Bài 6: giấm chua 60g, trứng gà 1 quả. Trứng đập ra bát, đổ giấm vào quấy đều, nấu chín rồi ăn vào sáng sớm khi chưa ăn sáng, 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: hoạt huyết giáng áp, rất thích hợp cho người bị tăng huyết áp.

Bài 7: vừng 30g, mật ong 30g, giấm ăn 30g, trứng gà 1 quả. Vừng tán mịn trộn đều với giấm, mật ong và lòng trắng trứng, nấu chín chia làm 6 phần, mỗi ngày ăn 3 phần chia 3 lần. Công dụng: bổ can thận, nhuận ngũ tạng, tán ứ chỉ thống, chuyên dùng cho người bị tăng huyết áp.

Bài 8: tang kí sinh 15 - 30g, trứng gà 1 quả. Hai vị rửa sạch nấu kỹ, bỏ bã, ăn trứng uống nước. Công dụng: bổ ích can thận, dưỡng huyết trừ phong, an thai, dùng cho người bị tăng huyết áp, tê liệt tứ chi...

Trứng gà tuy bổ nhưng chỉ nên dùng trứng ở mức độ vừa phải tuỳ theo thể tạng và tính chất bệnh lý, vì nếu dùng quá nhiều có thể gây nên tình trạng tích trệ, chướng mãn, đặc biệt với những người tỳ vị vốn hư yếu. Đối với những người bị cao huyết áp có kèm theo rối loạn lipit máu khi dùng cần có sự theo dõi, hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy thuốc có chuyên khoa.    

MỚI - NÓNG