Thực phẩm chức năng có thực sự tốt cho bệnh nhân ung thư?

BS Phạm Đình Tuần và bệnh nhân Doong bị ung thư phổi giai đoạn 3 điều trị kết hợp trúng đích và nâng cao miễn dịch hiệu quả
BS Phạm Đình Tuần và bệnh nhân Doong bị ung thư phổi giai đoạn 3 điều trị kết hợp trúng đích và nâng cao miễn dịch hiệu quả
TPO - Chỉ cần gõ cụm từ “thực phẩm chức năng cho bệnh nhân ung thư” trên Google, sẽ có tới hơn 1.700.000 kết quả. Điều đáng báo động là trong “mê hồn trận” này, các BS cảnh báo người bệnh nếu không có chỉ định của BS mà tự dùng, chẳng những mất tiền oan mà có khi còn làm bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong nhanh hơn.

Trên thực tế đã có không ít bệnh nhân bị ung thư sau khi sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) đã khiến bệnh tình nặng lên rất nhiều, có bệnh nhân còn nổi mẩn, nhiễm trùng toàn thân vì dị ứng với thành phần của TPCN, quá trình điều trị ung thư bị ảnh hưởng, thậm chí rút ngắn hơn thời gian sống vì cơ thể “quá tải” với các liệu trình, thuốc điều trị và TPCN "choảng" nhau.

Rất nhiều bệnh nhân ung thư sử dụng TPCN như một liệu pháp bổ sung mỗi ngày, trong đó bao gồm: dầu cá hoặc các acid béo omega-3, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, việc dùng như thế nào để tránh tương tác bất lợi và an toàn đối với người bệnh lại là điều không mấy bệnh nhân quan tâm bởi quan niệm TPCN từ thảo dược nên hoàn toàn lành tính.

Bệnh nhân ung thư nguy cơ cao sụt cân, suy dinh dưỡng và không ăn uống đủ chất. Tình trạng này được xem như là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị và phẫu thuật.

Do tình trạng dinh dưỡng ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh, khả năng theo đuổi điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh nên sự can thiệp dinh dưỡng luôn được các chuyên gia y tế coi trọng. Nếu việc bổ sung chế độ ăn không giải quyết được tình trạng trên, các sản phẩm TPCN bổ sung có thể được khuyến cáo.

Theo các BS, những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy một số hợp chất trong TPCN có thể giúp hạn chế các tác dụng phụ của tiến trình điều trị ung thư, giúp làm giảm khó chịu gây ra bởi các loại thuốc hóa trị liệu nhất định và bức xạ.

Tuy nhiên, bệnh nhân điều trị ung thư thường uống cùng lúc rất nhiều loại thuốc. Việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc tiềm ẩn.

Không nên cho rằng TPCN là vô hại, dùng tùy tiện mà nên có cân nhắc: tìm hiểu kỹ thành phần tính năng có phù hợp với việc hỗ trợ chữa bệnh cho mình không, chứ không nên dùng theo quảng cáo hay dùng theo lời khen của người khác. Người tiêu dùng có quyền tự mua TPCN chứ không bắt buộc mua theo đơn như dược phẩm, nhưng nếu chưa hiểu kỹ thì nên hỏi ý kiến bác sĩ, lương y, dược sĩ.

Theo BS chuyên khoa ung thư Phạm Đình Tuần, BV Đa khoa Bộ Nông nghiệp cho biết, đối với điều trị ung thư ngày nay phối hợp đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, trúng đích và miễn dịch đã mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, còn tùy loại ung thư, giai đoạn bệnh, kết quả giải phẫu bệnh mà BS đưa ra phương pháp điều trị triệt căn, bổ trợ hay tân bổ trợ cho phù hợp. Ông gặp không ít những trường hợp khi bệnh nhân đến khám đã để lỡ mất "giai đoạn vàng” do họ quá tin tưởng vào 1 phương pháp, 1 thầy lang, hay 1 số TPCN, thảo dược nào đó.

Thực phẩm chức năng có thực sự tốt cho bệnh nhân ung thư? ảnh 1

Kết quả xét nghiệm và chụp CT. Scanner của bệnh nhân Doong bị ung thư phổi giai đoạn 3 điều trị kết hợp trúng đích và nâng cao miễn dịch hiệu quả.

Theo BS Tuần đối với những bệnh ung thư như: ung thư dạ dày, đại - trực tràng, ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp ... nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và phẫu thuật được triệt căn, sau đó có thể tiếp tục điều trị bổ trợ mang lại kết quả sống trên 5 năm rất cao. Thời gian gần đây, trên thị trường có không ít công thức chế phẩm từ thiên nhiên thuộc dòng TPCN cũng ghi nhận mang lại những hiệu quả nhất định cho bệnh nhân về mặt sức khoẻ, tăng cường miễn dịch, cải thiện chất lượng sống…

Tuy nhiên, không phải 1 loại TPCN hay 1 loại thảo dược nào đó, dù tốt đến mấy cũng không thể thổi phồng nó như "thần dược" trị bách bệnh và thay thế cho các phương pháp điều trị khác. Tôi cũng biết, nguyên nhân khiến một số người bệnh tìm đến phương pháp điều trị khác, thậm chí tốn kém tiền bạc đi nước ngoài chữa trị bởi tâm lý khát khao tìm hy vọng sống.

Vì thực tế điều trị ung thư dù ngày càng phát triển nhưng rõ ràng tỷ lệ thành công chung chưa được như mong đợi, hơn nữa phương pháp hóa - xạ trị cũng có nhiều tác dụng phụ khiến người bệnh không chịu đựng nổi nên tự tìm đến những phương pháp điều trị thay thế. Và còn một thực tế là không ít bác sỹ được đào tạo xuất sắc về mặt chuyên môn, nhưng lại không biết làm thế nào nói cho người bệnh nan y biết sự thật về bệnh tình ở giai đoạn cuối của họ. Một số khác lại dựa tâm lý khao khát sống và những hy vọng hão huyền về khả năng cứu chữa người bệnh, rồi đưa ra các biện pháp chữa trị có thể chỉ thêm hao mòn sức khỏe mà không hề mang lại lợi ích gì cho họ cả thể xác và tinh thần.

Lời khuyên cho người bệnh thay vì việc tự ý dùng quá bừa bãi cần nghe ngóng phản ứng của cơ thể. Và nhất là nên dựa vào lời khuyên đáng tin cậy từ những người có chuyên môn để sử dụng phù hợp với liều lượng, giai đoạn, loại bệnh ung thư sẽ cho kết quả tốt hơn và nhất là không để bỏ lỡ giai đoạn vàng quý giá.

"Ngay cả khi 1 người bệnh ung thư có trong tay những loại thảo dược được cho là tốt nhất, thì ý kiến cá nhân tôi tuy chưa vội phản bác khi chưa hiểu về nó. Nhưng tôi nghĩ nếu họ tự ý sử dụng chúng cũng gần giống như việc có 11 cầu thủ xếp hạng siêu sao quốc tế mà để cầu thủ tự thi đấu hoặc giao vào tay 1 HLV bình thường thì kết quả cũng không thể nào khả quan như ý được. Là thầy thuốc cần phải có hai phẩm chất cơ bản đó là sự trung thực và tử tế. Mục đích cuối cùng của y học không phải kéo dài sự tồn tại đau khổ của con người, mà chính là cần giúp người bệnh có được chất lượng sống ít phải chịu đau khổ cho đến phút lâm chung ngay cả khi không còn khả năng chữa trị thành công", BS Tuần thẳng thắn bày tỏ.


MỚI - NÓNG