Thuốc giảm cân: Những ai không nên dùng?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không phải ai cũng có thể dùng được thuốc giảm cân và cũng không có một loại thuốc giảm cân nào thích hợp cho tất cả mọi người. Nếu sử dụng loại thuốc này theo cảm tính, chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều “trái đắng”.

Khốn khổ vì làm đẹp

Tỉnh dậy trong bệnh viện, chị Nguyễn Thị Kim (Gia Lâm, Hà Nội) không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình. Chị chỉ mang máng nhớ rằng, tối qua, sau khi uống 2 viên thuốc giảm cân, chị lên giường nằm xem phim như mọi ngày thì bỗng thấy đau bụng, mệt mỏi, chân tay run, mồ hôi vã ra như tắm... Ký ức chỉ có vậy và giờ đây, chị cũng không biết mình bị làm sao và ai đưa mình vào đây.

Ở ngoài phòng bệnh, con gái chị vẫn đang thút thít kể lại sự tình với bác sĩ: “Mẹ cháu uống loại thuốc giảm cân này cũng được nửa tháng rồi. Hôm qua là sự cố lần đầu tiên gặp phải”. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận chị Kim chỉ bị choáng, ngất do đường huyết bị giảm nhanh. Chỉ cần theo dõi và ăn uống đầy đủ là cơ thể sẽ phục hồi. Tuy nhiên, rắc rối là: nguyên nhân của tình trạng này nằm ở những viên thuốc giảm cân kia. Sở dĩ như vậy là vì đây là loại thuốc ức chế cảm giác thèm ăn, trong khi đó, căn bệnh huyết áp thấp của chị lại không cho phép như vậy.

Thuốc giảm cân: Những ai không nên dùng? ảnh 1

Dù không đến mức nhập viện như chị Kim, thế nhưng, chị Huỳnh Thu Hà (Q.7, TP.Hồ Chí Minh) cũng được phen hết hồn khi sử dụng thuốc giảm cân trong khi đang điều trị bệnh gan. Số là, trước đó chị được người quen giới thiệu dùng thuốc giảm cân đã được một thời gian và hiệu quả cũng từ từ nhận thấy.

Đang say sưa lấy lại vóc dáng chuẩn thì chị Hà phát hiện mình bị gan trong lần đi khám tổng hợp. Phần vì nghĩ hai loại thuốc chỉ cần uống cách nhau 30 phút là ổn, phần vì tiếc “thành quả” nỗ lực bấy lâu nay, chị vẫn âm thầm dùng thuốc giảm cân mà không thông báo cho bác sĩ.

Kết quả là, càng điều trị bệnh, cơ thể chị Hà càng có những dấu hiệu bất thường như: đau hạ sườn phải, mẩn ngứa, da vàng... Đi khám lại, bác sĩ cho biết men gan của chị còn cao hơn cả lần khám trước đó. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do tác dụng phụ của loại thuốc giảm cân mà chị đang dùng.

Tự ý dùng thuốc: “Nạp” bệnh vào người

Bước vào tuổi 30, cơ thể người phụ nữ thường không giữ được vẻ săn chắc, nhất là với những người đã trải qua sinh nở. Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định: khả năng đốt cháy chất béo của chị em tầm tuổi này cũng kém hơn hẳn. Đó là lý do vì sao khi khẩu phần ăn dù không thay đổi so với thời tuổi thanh xuân, nhưng trông bạn lại mũm mĩm hơn. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế năm 2014 cũng cho thấy: tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam chiếm 25 %, trong đó, tập trung chủ yếu ở độ tuổi ngoài 30.

Để khắc phục tình trạng tích lũy mỡ quá mức mong đợi này, nhiều người đã cố gắng luyện tập, ăn kiêng, song cũng không ít người tìm đến thuốc giảm cân như một cứu cánh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy (Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế): Thuốc giảm cân dù có nhiều nhãn hiệu được lưu hành, song cũng cũng chỉ có 3 loại chính là: thuốc làm no ống tiêu hóa, thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo và thuốc gây không muốn ăn.

Theo đó, thuốc làm no ống tiêu hóa có chứa sterculia, methylcellulose… Khi vào cơ thể, các chất này sẽ nằm trong lòng ruột, hút nước, trương nở và tạo nên cảm giác đầy bụng, từ đó làm giảm khẩu phần ăn.

Thuốc gây cảm giác không muốn ăn có chứa amphetamin hoặc các dẫn chất tương tự như benzedrine, phenamin, mirapront N, didrex, anorex, tepanil, adifax… Uống loại thuốc này vào, các chất trên sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương làm mất cảm giác đói, ăn mất ngon và làm giảm khẩu phần ăn.

Thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo có chứa nội tiết tố tuyến giáp thyroxin - chất có khả năng làm gia tăng chuyển hóa chất béo bên trong các tế bào, từ đó giảm đi lượng mỡ trong cơ thể. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng với chứng béo phì do cơ thể thiếu thyroxin gây ra.

Trên thực tế, thuốc giảm cân đã và đang giúp nhiều chị em có thể sở hữu vòng eo như ý. Tuy nhiên, cảnh báo được bác sĩ Thúy đưa ra là các loại thuốc này đang bị lạm dụng và sử dụng bừa bãi, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, thuốc tăng cường chuyển hóa chất gây béo chỉ dành cho những người bị béo phì do cơ thể thiếu thyroxin - một loại hormone tuyến giáp có tác dụng chuyển hóa năng lượng. Việc sử dụng không theo chỉ dẫn sẽ gây hại cho tim, làm ức chế chức năng tuyến giáp, gây bướu cổ…

Không chỉ vậy, với những người đang mắc các bệnh về tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, gan, thận, thần kinh, lo âu trầm cảm... nếu dùng thuốc giảm cân cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Đặc biệt, những người đang cho con bú, thời kỳ nội tiết đang có nhiều thay đổi, nếu sử dụng thuốc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cũng như sự an toàn về sức khỏe.

Vẫn theo bác sĩ Thúy, chỉ sử dụng thuốc giảm cân dù có thể mang đến cho bạn thân hình mơ ước trong thời gian ngắn, song nó có chứa nhiều tác dụng phụ. Không ít người còn “tái béo” trở lại sau một thời gian dùng thuốc. Do đó, nếu muốn sở hữu cân nặng như ý, điều cần làm là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, thể dục, thể thao đều đặn. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ cũng như tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn. Có như vậy mới tránh được các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.