Thuốc quý trong vườn trị bệnh ngày Tết

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Vườn nhà thường có nhiều loại cây cỏ vừa là thực phẩm, gia vị vừa là dược liệu quý. Nếu biết tận dụng nguồn dược liệu quý này, những chứng đầy bụng khó tiêu, ngộ độc thực phẩm, cảm sốt, thậm chí cả bị rắn cắn, cũng không còn đáng lo ngại.

Những món ăn bài thuốc dân gian dưới đây đều có nguyên liệu từ những cây cỏ quen thuộc trong vườn nhà. Chúng đơn giản, dễ thực hiện, có thể áp dụng khi quá chén, khi bị nôn, cảm cúm hoặc ngộ độc thực phẩm.

Chữa đầy bụng khó tiêu, ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Khi bị đầy bụng khó tiêu, ngộ độc thực phẩm, có thể áp dụng các bài thuốc sau:

- Nước nụ vối có thể chữa được tiêu chảy. Cách làm: nụ vối, vỏ lựu, gừng (mỗi loại 5-10g) rửa sạch cho vào nồi, thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống 2-3 ngày.

- Quất tươi chín 100g, 500ml rượu trắng, ngâm khoảng 2 tuần là dùng được. Uống 15-20ml rượu quất trước mỗi bữa ăn có tác dụng chữa đầy hơi chướng bụng, khó tiêu, giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa.

- Pha vài giọt rượu bạc hà hoặc alcool de menthe trong nước ấm, uống ngay, có công dụng trị đau bụng khó tiêu.

- Lá tía tô 100g, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống vài lần trong ngày.

- Uống 3-6 giọt tinh dầu sả chữa đau bụng đầy hơi. Hoặc lấy sả tươi 30-50g đun sôi, uống nóng 2-3 lần trong ngày.

- Nếu bị chướng hơi, nấu vài nụ đinh hương lấy nước uống.

- Ngày Tết nếu bị đau bụng, uống một cốc trà nghệ sẽ thấy dịu ngay.

- Một vài lá húng quế trong các món ăn giúp tăng cường hoạt động của bộ máy tiêu hóa, chống đầy hơi chướng bụng.

- Gừng có thể giúp giải độc nhanh khi ngộ độc thực phẩm. Nếu gấp, chỉ cần giã vài lát gừng hoặc một muỗng bột gừng pha trong một cốc nước ấm rồi uống ngay.

- Một vài lát vỏ quýt sẽ giúp tăng tiết dịch vị, nhờ đó dễ tiêu hóa thức ăn, chống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa.

Chữa ngộ độc rượu ngày Tết

Thuốc quý trong vườn trị bệnh ngày Tết ảnh 1

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng măng tây tươi có thể phá vỡ nồng độ cồn trong cơ thể, giúp giã rượu nhanh hơn.

Một số bài thuốc dưới đây có tác dụng giải rượu, chữa ngộ độc rượu:

- Nhiều nghiên cứu khẳng định măng tây có công dụng làm phá vỡ nồng độ cồn trong cơ thể. Khi uống rượu, đặc biệt vào ngày Tết, nên ăn kèm măng tây tươi để giúp giã rượu nhanh hơn.

- Mua một nắm ngó sen tươi để sẵn, khi cần giã vắt lấy nước uống, có thể giải độc rượu.

- Uống nước nấu từ hoa sắn dây sẽ thấy tỉnh táo hơn.

- Nhai vài ngọn rau muống tươi cũng có tác dụng giải độc rượu.

- Lấy một nắm đậu xanh khô, dùng nước sôi rửa sạch rồi giã nát. Hòa lượng đậu xanh đã giã này vào một ít nước sôi rồi gạn lấy nước để uống giải rượu.

- Nếu bị say kèm theo đau đầu thì dùng rau cần tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước uống.

- Ăn một trái lựu hoặc giã nát, gạn lấy nước để uống.

- Ăn cháo đậu xanh, cháo đậu đen hoặc cháo sắn dây. Ăn khi nóng hay để nguội đều được.

- Uống trà Artichaud để hỗ trợ gan thải độc nhanh hơn.

- Bí quyết khi uống rượu của người Nhật là nên ăn kèm món đậu hũ hoặc giá sống. Đó là vì các thực phẩm này có chứa nhiều vitamin B1 - loại vitamin giải rượu tốt nhất.

Chữa cảm sốt

Nếu bị cảm sốt, bạn có thể:

- Lấy vài nhánh lá hương nhu, giã dập rồi đun trong trà, uống mỗi ngày sẽ chống được các bệnh này. Trong trường hợp sốt cấp tính, lấy nước sắc lá trộn thêm một ít bột thảo quả, hòa trong ½ lít nước. Thêm đường và sữa vào uống sẽ hạ nhiệt ngay lập tức. Người ta dùng dịch chiết lá hương nhu để hạ sốt, cứ 2-3 giờ uống một lần. Đặc biệt nên dùng bài thuốc cho trẻ em.

- Trà sả: Nếu bị cảm sốt do trở trời hoặc trúng nắng, lấy sả đã phơi khô đun sôi trong nước rồi uống nước bỏ xác, ngày uống 2-3 lần.

- Cháo kinh giới, tía tô: nấu cháo thật nóng, bỏ vào một nắm tía tô, kinh giới đã thái thật nhỏ, nêm chút muối cho vừa ăn, ăn lúc nóng.

- Cháo gừng hành ăn lúc nóng cũng có công dụng trị cảm sốt.

- Đun sôi nồi xông bằng các loại lá như sả, ngũ trảo, hương nhu, ngải cứu, tràm… sau đó xông để hạ sốt và giảm đau nhức mình mẩy.

Chữa rắn cắn, côn trùng đốt

Một số bài thuốc chữa rắn cắn, côn trùng đốt là:

- Lá lưỡi cọp với rễ cỏ may: giã rồi đắp ngay vào chỗ rắn độc cắn sau khi đã làm ga-rô.

- Bài thuốc dân gian gồm cây kim vàng và phèn chua: sơ cứu bằng cách buộc ga-rô trên vị trí rắn cắn, trích rạch chỗ rắn cắn, hút bỏ máu bầm. Giã mịn 20g lá kim vàng (lá bánh tẻ) và 5g phèn chua lọc nước cho bệnh nhân uống, cứ 15-30 phút uống một lần, sau đó 2 giờ uống một lần tùy mức độ nặng nhẹ. Ngưng uống khi thấy bệnh trạng đã ổn định, thường là sau 2-3 ngày. Nếu vết thương nhiễm trùng thì phải sử dụng kháng sinh.

- Lá cối xay: giã nát, đắp vào chỗ bị rắn cắn.

- Cây kim vàng: lấy đọt non nhai rồi đắp vào chỗ bị rắn cắn. Cách khác: vắt lấy nước uống, lấy bã đắp vào vết thương, cứ 30 phút làm một lần, 5-6 lần trong ngày.

- Rau om 15g, xuyên tâm liên 25g, giã nát rồi thêm ít rượu nếp, vắt nước uống. Nên lấy phần bã để đắp vết thương.

- Cây trạng nguyên: Lấy vài cành lá của cây, giã đắp lên vết rắn cắn cũng mang lại hiệu quả.

- Rau răm một nắm giã nhỏ vắt lấy nước cho nạn nhân uống. Lấy phần bã đắp vào nơi vết cắn và băng lại (làm sớm để kết quả tốt).

DS. Lê Kim Phụng

Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG