Tiêm thuốc trắng da: Coi chừng mất mạng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Làn da trắng muốt, không tì vết như nhiều hoa khôi, người mẫu đã trở thành niềm ao ước của biết bao người. Dù chưa có một loại thuốc làm trắng da nào được chứng nhận, nhưng thực trạng sử dụng tràn lan đã và đang gây ra những hiểm họa khôn lường.

Xôn xao câu chuyện hotboy hóa “dị nhân”

Từng một thời cư dân mạng xôn xao về câu chuyện của Ngô Gia Huy (Tp.HCM), chàng trai hóa “dị nhân” sau khi tiêm thuốc làm trắng da. Chính nạn nhân đã chia sẻ hình ảnh của mình lên Facebook thay cho lời cảnh tỉnh tới những ai đang khát khao một làn da trắng không tì vết.

Từ một chàng trai tự tin và tự hào về làn da trắng đến mức gần như phát sáng của mình, Huy đã thực sự bị sốc, “không muốn tiếp xúc với ai vì bản thân tôi nhìn thấy mình trong gương còn khiếp sợ”, Huy tâm sự.

Vì muốn có làn da sáng đẹp, ban đầu Huy đã mua thuốc làm trắng da để uống. Tuy nhiên hiệu quả không được như mong muốn. Sau đó, Huy tiếp tục mua 1 hộp thuốc có 10 ống (với giá 4 triệu đồng) để tiêm trực tiếp vào cơ thể theo liều mỗi tuần 1 ống.

Hết 10 tuần, thấy làn da thay đổi rõ rệt, Huy rất phấn khởi và tiếp tục trở lại địa chỉ trên. Lúc này người bán tư vấn để anh Huy sử dụng loại thuốc giá cao gấp đôi dạng ống nước pha bột cũng tiêm trực tiếp vào cơ thể.

Huy chia sẻ: “Phải nói là sau thời gian tiêm các loại thuốc đó, làn da của tôi trắng mịn đến mức không ngờ. Khi ra ánh đèn vào ban đêm làn da sáng như phản quang, đi giữa trưa nắng không bị đen da. Nhiều người tỏ vẻ bất ngờ trước sự thay đổi này khiến tôi vô cùng hãnh diện”.

Cảm thấy hài lòng với làn da “trong mơ” nên anh Huy ngưng tiêm thuốc. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, anh bỗng thấy cơ thể nổi mẩn đỏ gây ngứa ngáy khó chịu.  Tình trạng càng tồi tệ khi mẩn đỏ lan ra hết vùng mặt và khắp cơ thể đến mức rỉ nước vàng gây đau buốt. Huy đã phải gác bỏ công việc, trốn tránh mọi người xung quanh và tìm đến bác sĩ để điều trị.

Đừng mạo hiểm với tính mạng

Gần đây, nhiều chị em mê mẩn với công dụng hiệu nghiệm tuyệt vời và “thần tốc” của một số loại thuốc làm trắng da tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ loại thuốc tiêm trắng da nào được chứng nhận. Và họ cất công sang các spa tại Thái Lan để “lột xác”

Một số chị em khác thì tìm trên các trang web chuyên về "làm đẹp" cũng như quảng cáo đăng trên một số tờ báo, thuốc tiêm trắng da được giới thiệu là có xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp... thành phần chính gồm glutathione, collagen, axit alpha lipoic (ALA), axit ascorbique (tức vitamin C), mà tác dụng thì: "Da trắng ngay từ mũi tiêm đầu tiên rồi sau khi tiêm từ 5-10 mũi, da sẽ trắng trong hai năm mà không cần dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào khác (?!)".

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã có khuyến cáo: Tiêm glutathione không an toàn cho mục đích làm trắng da. Việc tiêm chất này chưa được chứng nhận là một phương pháp làm đẹp. Những người lạm dụng hóa chất glutathione để làm trắng da có thể mất mạng.

BS CKII. Lê Anh Thư (Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu Quốc gia) cho biết: Bệnh viện Da liễu Quốc gia chưa từng sử dụng hoặc khuyên bệnh nhân làm trắng da bằng các loại thuốc chích trắng.

Trên thực tế, các thành phần của thuốc như vitamin C, glutathione, collagen, acid alpha lipoic (ALA) đều có tác dụng làm trắng da, giúp da săn chắc:

- Glutathione có tác dụng chống ôxy hóa giúp cơ thể giải độc. Đây là hóa chất thường dùng để điều trị cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mắc bệnh gan.

Tiêm glutathione có thể gây một số tác dụng phụ: rụng tóc, nổi đốm trắng trên móng tay, gây tê hoặc run,trầm cảm, lo âu, dị ứng thuốc mà mức độ nặng nhất có thể gây hội chứng Stevens-Johnson (hội chứng biểu hiện ở ngoài da, niêm mạc, bệnh nhân bị nổi mẩn đỏ toàn thân, có kèm theo những bóng nước dẫn đến lột da như bị phỏng, bị viêm loét niêm mạc miệng, mắt, hậu môn, cơ quan sinh dục và tổn thương viêm mạc đường tiêu hoá, hô hấp tiết niệu, dễ gây tử vong) hoặc hoại tử thượng bì (hội chứng Lyell), suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp...

Ngoài ra, nó có thể làm giảm hiệu lực của thuốc chống ung thư, làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn. Chất này cũng không được sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Đặc biệt, tác dụng phụ “nổi tiếng” nhất của loại hóa chất này là… làm trắng da.

- Còn collagen thực chất là protein (chất đạm) dạng sợi có ở mô liên kết của các động vật có vú. Chức năng của nó là kết nối các mô trong cơ thể với nhau. Collagen giúp da vừa căng mịn vừa đàn hồi tốt.

- ALA là một acid béo có trong cơ thể có nhiệm vụ chuyển hóa đường glucose thành năng lượng và nó cũng là chất chống oxy hóa.

Công dụng chỉ là nhất thời

Nhiều người nghĩ rằng kết hợp vitamin C, glutathione, collagen, ALA giúp vô hiệu hóa các gốc tự do gâylão hóa da, khiến da trắng mịn, săn chắc.

Tuy nhiên, BS CKII. Lê Anh Thư nhấn mạnh: Công dụng này chỉ tồn tại nhất thời chứ không thể duy trì mãi mãi. Điều đáng nói là việc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch có thể có tác dụng nhanh chóng hơn nhưng lại gây ra những hậu quả khôn lường. Người sử dụng có thể bị dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.

Mọi dụng cụ tiêm truyền đều phải được vô trùng. Nếu không, nguy cơ nhiễm trùng, bệnh tật là rất cao. Chưa kể đến việc các chất trong thuốc tiêm trắng da không đạt tiêu chuẩn sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng.

Thông thường collagen được lấy từ da heo hoặc bò, phải thông qua kiểm tra chất lượng hết sức khắt khe. Các loại thuốc trôi nổi, chưa được kiểm định không thể đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người sử dụng.

Theo FDA, nhiều người nghĩ rằng hoá chất glutathione có tác dụng làm trắng da nhờ quá trình ức chế enzyme tyrosinase - chất có tác dụng giúp sản sinh ra melamine tạo sắc tố da.

BS CKII. Lê Anh Thư khẳng định: Màu da do gene quy định. Ăn uống, sinh hoạt điều độ và sử dụng các phương pháp làm đẹp chỉ có thể khiến da sáng lên mà thôi. Hiện chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể làm thay đổi màu da “nguyên bản”.

Do đó, đừng mù quáng tin và sử dụng những loại thuốc chưa được chứng nhận kẻo rước họa vào thân.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG