Tiểu đường: Phức tạp khi “bị kèm” cả rối loạn cương dương

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường là tuổi tác của người bệnh. Bệnh nhân càng lớn tuổi, tình trạng rối loạn cương dương càng nặng nề.

Theo BS. Lâm Đình Phúc (Nguyên Trưởng khoa Nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết TW, Chủ nhiệm CLB Hà Nội): Ngoài những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy thận, mù lòa, hoại tử… Bệnh đái tháo đường còn gây một biến chứng hết sức tế nhị đó là rối loạn cương dương. Bệnh gây tổn thương hệ thống dây thần kinh bao gồm cả hệ thống dây thần kinh tại bộ phận sinh dục, dẫn đến việc dẫn truyền thông tin “ham muốn” từ não tới cơ quan sinh dục bị chậm hoặc mất hẳn. Đái tháo đường cũng gây xơ vữa mạch, làm mạch máu hẹp lại, cản trở việc huy động máu trở về dương vật từ đó khả năng cương cứng bị giảm đi.

Không dễ chẩn đoán

Người bị đái tháo đường dù trẻ hay lớn tuổi, đều có thể mắc rối loạn cương dương: Hiện nay, trên thế giới có khoảng 35-75% nam giới bị tiểu đường có rối loạn cương đi kèm. Người càng trẻ tuổi bị đái tháo đường thì khả năng rối loạn cương càng cao. Ngoài ra, 10-15% bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên là cương yếu, đến bác sỹ nam khoa để khám, bác sỹ cho làm xét nghiệm đường huyết thì phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường.

Bác sĩ Phúc cho biết, rối loạn cương dương hoàn toàn không dễ một chút nào, vì khi bệnh nhân đến khám tại các phòng khám và bệnh viện, do môi trường tiếp xúc quá đông đúc nên bệnh nhân cũng rất ngại nói ra điều mà họ coi như là “sức mạnh và niềm tự hào của người đàn ông”. Và người bệnh cũng nên nói với vợ, vợ đóng một vai trò rất lớn giúp chồng.

Khi nghi ngờ bị bệnh, bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ để được khám kỹ càng, ngoài các xét nghiệm về đường máu và đường niệu, bác sĩ cần biết tiền sử bệnh một cách rõ ràng. Vì tình trạng rối loạn cương dương này xảy ra ở những bệnh nhân đái tháo đường một cách từ từ theo thời gian; trong khi tình trạng rối loạn cương dương có nguyên nhân chính từ hệ thống thần kinh và lại xảy ra đột ngột, có khi chỉ xảy ra đối với một số đối tượng nhất định.

Các khám nghiệm chuyên biệt về rối loạn cương dương cần phải được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa như siêu âm Doppler để khảo sát tình trạng mạch máu của dương vật. Với một số trường hợp khó khăn trong chẩn đoán, bệnh nhân phải được chụp động mạch vùng chậu và dương vật với thuốc cản quang, đo kích thước dương vật lúc ngủ... Tuy nhiên, các xét nghiệm này khá đắt tiền và phức tạp.

Lý do bị rối loạn cương dương

Theo bác sĩ Phúc thì một số lý do cơ bản sau gây ra rối loạn cương dương:

- Rối loạn cương dương có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, tổn thương tổ chức cương và mạch máu ở dương vật cũng giống như tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể.

- Vì tổn thương thần kinh nên dương vật ít nhận cảm được cảm giác hơn, xung động xúc giác ít được truyền về não hơn. Do vậy, khó đạt được sự cương, cũng như duy trì được sự cương cứng.

- Vì tổn thương tổ chức cương sẽ dẫn tới hệ quả các sợi cơ trong tổ chức cương đó không giãn đầy đủ, khiến cho dương vật không thể đổ đầy máu trong quá trình cương.

- Tổn thương mạch máu cũng dẫn đến khó đổ đầy máu vào trong tổ chức cương.

- Đàn ông mắc đái tháo đường cũng thường hay mắc cả cao huyết áp. Nhiều loại thuốc điều trị cao huyết áp gây ra chuyện giảm cương dương vật.

- Hút thuốc lá, đường máu tăng cao dẫn đến biến chứng mạch máu và biến chứng cương ở người đái tháo đường thêm trầm trọng.

roi loan cuong duong

Điều trị khá phức tạp

Một số phương pháp sau điều trị rối loạn cương dương:

1. Tiêm thuốc

Nếu việc dùng thuốc uống không có tác dụng, các bác sỹ có thể chuyển qua việc tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc tiêm thẳng vào thể cương của dương vật (bệnh nhân sẽ phải học cách tự tiêm lấy thuốc). Với phương pháp này hiệu quả có thể đạt được 60-80% sự cương đủ để “yêu”. Các thuốc thường được dùng để tiêm là: Alprostadil (Caverject), Papaverine hydrochloride, Phentolamine mesylate.

Một số trường hợp bi rối loạn cương dương phải dùng phối hợp cả 3 loại thuốc trên mới đủ tác dụng. Tuy nhiên, việc phải tự tiêm thuốc rất gây phiền nhiễu nên 50% bệnh nhân bỏ dùng thuốc này sau vài năm sử dụng.

2. Dùng thiết bị hút chân không

Thiết bị này bao gồm một ống trụ chụp bao ngoài dương vật, chất bôi trơn có tác dụng làm khít kẽ hở giữa dương vật và ống trụ. Một chiếc bơm cơ khí hút tạo chân không trong ống trụ và giúp cho dương vật cương lên. Khi dương vật đã đạt được sự cương cần thiết, một vòng chun tròn được đặt vào gốc dương vật có tác dụng giữ không cho máu thoát ra khỏi dương vật.

Mặc dù khá đơn giản và hiệu quả đạt được có thể tới trên 80% bệnh nhân, nhưng nhiều người cũng bỏ không tiếp tục dùng sau vài năm sử dụng (có lẽ do không có cảm giác tự nhiên, không xuất tinh được vì có vòng chun siết chặt?).

3. Đặt thuốc vào niệu đạo

Nhiều bệnh nhân bi rối loạn cương dương không muốn tiêm thuốc vào dương vật vì đau và bất tiện có thể lựa chọn phương pháp đưa thuốc kích thích cương dương vật (Alprostadil) được tẩm vào viên đặt để đưa vào trong niệu đạo. Chế phẩm này còn có tên thương mại là Muse và có hiệu quả cho khoảng 65% bệnh nhân. Tác dụng phụ gặp nhiều nhất là đau dương vật trong khoảng 11% số trường hợp sử dụng.

4. Phẫu thuật

Điều trị rối loạn cương dương bằng phẫu thuật đặt thiết bị hỗ trợ cương nhân tạo. Nếu như bệnh nhân không đáp ứng với bất cứ phương pháp nào kể trên, có thể dùng đến biện pháp cấy vào trong dương vật một thiết bị tạo cương (gọi là dương vật giả). Bệnh nhân cần được biết rằng cảm giác cương không giống như bình thường, sau khi cấy dương vật giả phải kiêng chuyện “yêu” 4-6 tuần. Thiết bị cấy vào có thể không đạt hiệu quả như ý muốn và có thể nhiễm khuẩn bắt buộc phải phẫu thuật tháo bỏ.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG