Tìm cách 'né' khói độc như thế nào?

Tìm cách 'né' khói độc như thế nào?
Nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho thấy nhiều tỉnh miền Bắc đang phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Vậy những chất này có thể gây ra tác động gì đối với sức khỏe và làm thế nào để phòng chống:

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm đã được chỉ ra là do ảnh hưởng khói bụi nhiệt điện từ Trung Quốc lan sang, trong đó các chất chủa yếu gây ô nhiễm chủ yếu có trong không khí  là SO2,NO2 và CO.

Các chất gây hại như thế nào?

Carbon Monoxid (CO)

Carbon monoxid là một chất khí độc không màu, không mùi được hình thành khi than đá được đốt không cháy hết. Các nguồn phát thải khí CO bao gồm khí thải từ động cơ xe, sản xuất công nghiệp và đốt cháy năng lượng như lò hơi và lò đốt.

Tác hại đối với sức khỏe: Carbon monoxid xâm nhập vào máu là làm giảm cung cấp ôxy tới các cơ quan và mô của cơ thể. Mối đe dọa sức khỏe do tiếp xúc với CO là nghiêm trọng nhất khi phơi nhiễm ở mức cao hơn. Phơi nhiễm với nồng độ CO tăng có liên quan với giảm thị lực, giảm năng suất lao động, giảm sự khéo léo khi làm việc thủ công, khả năng học tập kém và khó thực hiện những công việc phức tạp.

Sulfur dioxid (SO2)

Sulfur dioxid thuộc một nhóm các khí có tên chung là các sulfur oxid (SOx). Những khí này được hình thành khi đốt nhiên liệu có chứa lưu huỳnh (chủ yếu là than và dầu), trong luyện kim và một số ngành công nghiệp khác.

Tác hại đối với sức khỏe: Những tác hại chính đối với sức khỏe khi phơi nhiễm với nồng độ cao khí SO2 bao gồm tác động đến hô hấp, bệnh đường hô hấp, thay đổi khả năng bảo vệ của phổi và làm nặng thêm bệnh tim mạch đã có. Trẻ em, người già và người bị bệnh hen, bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi mạn tính (như viêm phế quản hoặc khí phế thũng) là những người mẫn cảm nhất với những tác động xấu của SO2 đối với sức khỏe.

SO2 là tiền chất của các sulfat, có liên quan với tình trạng nhiễm a xít ở các ao hồ sông suối, làm tăng tốc độ xói mòn của các công trình xây dựng và kiến trúc, làm giảm thị lực và gây những tác động xấu cho sức khỏe.

Nitơ dioxid (NO2)

Nitơ dioxid thuộc nhóm chất khí có phản ứng mạnh được gọi là các nitơ oxid (NOx). Những khí này hình thành khi nhiên liệu bị đốt ở nhiệt độ cao, chủ yếu có nguồn gốc từ khí thải động cơ xe và từ những nguồn tĩnh như cơ sở nhiệt điện và nồi hơi công nghiệp.

Là một loại khí màu nâu, gây ngạt, nitơ dioxid là chất ô xi hóa mạnh phản ứng trong không khí để tạo thành axít nitric gây xói mòn, cũng như các nitrat hữu cơ gây độc. Nó cũng đóng vai trò chính trong các phản ứng của khí quyến tạo ra khí ozon (khói mù) ở sát mặt đất.

Tác hại đối với sức khỏe: Nitơ dioxid có thể kích ứng phổi và làm giảm sức để kháng với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm. Tác động của phơi nhiễm trong thời gian ngắn còn chưa rõ, nhưng phơi nhiễm liên tục hoặc thường xuyên với nồng độ cao hơn bình thường trong không khí có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.

Nitơ oxid góp phần tạo thành ozon và có thể tác động xấu đến các hệ sinh thái. Nitơ oxid trong không khí có thể góp phần đáng kể vào nhiều hiệu ứng môi trường như mưa a xít và quá trình phì dưỡng. Quá trình phì dưỡng xảy ra khi các nguồn chứa nước bị tăng lượng dinh dưỡng dẫn đến giảm lượng ô xi trong nước, tạo nên môi trường tàn phá đời sống của thủy hải sản và các động vật khác.

Tự bảo vệ trước tình trạng ô nhiễm không khí

Dưới đây là những biện pháp để bạn tự bào vệ mình và người thân khi không khí bị ô nhiễm ở mức độ cao:

1. Theo dõi sát các thông báo của cơ quan chức năng về chất lượng và mức độ ô nhiễm không khí ở nơi đang sống.

2. Đeo khẩu trang bảo vệ khi ra ngoài. Khẩu trang giấy hai lớp N95 được khuyên dùng để đảm bảo che kín quanh mặt và loại khẩu trang này sẽ lọc được 95% khói bụi trong không khí.

3. Tránh tập thể dục ngoài trời khi mức độ ô nhiễm không khí cao, bao gồm các hoạt động như đạp xe, đi bộ và chạy bộ.

4. Giảm các hoạt động thể lực ngay cả ở trong nhà.

5. Trẻ em và người bị bệnh hen hoặc các bệnh hô hấp mạn tính sẽ dễ bị tác động của ô nhiễm không khí hơn. Cần đi khám bác sĩ ngay khi thấy những triệu chứng sau: khó thở, ho, ngứa họng, ngứa mắt.

Ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất khi trời nóng, vì thế hãy dời các hoạt động ngoài trời sang lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.

Tránh đi bộ hoặc đi xe đạp ở những nơi có phương tiện giao thông đông đúc.

Nếu phải đỗ xe ô tô trên đường, hãy đặt chế độ lấy khí trong ở điều hòa không khí trên xe để giảm lượng khí thải lọt vào xe.

Nếu đang ở nơi không có sẵn các phương tiện để ngăn ngừa ô nhiễm không khí,  nên dùng khăn che miệng và mũi để giúp lọc phần nào khói bụi.

Các thực phẩm giàu chất chống ô xi hóa như trái cây và rau có thể giúp bảo vệ cơ thể trước những tác hại của các gốc tự do được hình thành từ không khí ô nhiễm. Việc trồng thêm nhiều cây trên đường đi và quanh nhà cũng sẽ giúp hấp thụ khói bụi và làm sạch không khí.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG