Tin Internet hơn bác sĩ

Có khi tìm kiếm thông tin về bệnh lại sa đà vào vào cái trang chuyên ngành khiến đầu quay cuồng, không hiểu mình đang ở đâu.
Có khi tìm kiếm thông tin về bệnh lại sa đà vào vào cái trang chuyên ngành khiến đầu quay cuồng, không hiểu mình đang ở đâu.
TP - Có bệnh nhân tin internet đến mức thẳng thắn can thiệp vào phương pháp điều trị của bác sĩ, mạng bảo kê thế này dùng thế kia mới đúng.

Internet phát triển, có hẳn một trào lưu truy cập vào các trang web, diễn đàn y học và sức khỏe để tìm kiếm các thông tin về bệnh tật của bản thân, gia đình hay bạn bè. Cùng với thời gian, sự tích luỹ tư liệu của internet càng nhiều.

Tấp nập kẻ ra người vào

Tiện ích của các trang web sức khoẻ thu hút không chỉ các bệnh nhân. Không ít cán bộ, nhân viên y tế cũng hình thành thói quen nhờ Google tìm kiếm giúp mọi thông tin để giải đáp băn khoăn về sức khoẻ của đủ loại tuổi, từ trăng náu, trăng tròn đến trăng xế. Nhiều trang web chuyên ngành ra đời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, cập nhật những tin tức dạng như thế.

ivftudu.com.vn là trang chuyên nghành của khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ. Chỉ nhìn vào con số truy cập, hẳn nhiều trang web thị trường phải nuốt nước miếng vì thèm. Ðây cũng là tình trạng chung của tất cả các trang web sức khoẻ, lúc nào cũng tấp nập kẻ ra người vào.

Nhưng thay vì có thể nhờ web để hiểu thêm về tình trạng vô sinh của mình, nhiều bệnh nhân sa đà nạp đủ mọi triệu chứng bệnh để rồi cái gì cũng thấy mình trong đó. Tâm lý càng nặng nề hơn, gây khó khăn hơn cho tiến trình điều trị của bác sĩ.

Ykhoanet.com; suckhoedoisong.vn; 02tv.vn; cimsi.org.vn … có điểm chung là cung cấp khá toàn diện các kiến thức bệnh từ phổ thông đến bệnh hiếm và lạ. Lượng thông tin quá nhiều khiến ban quản trị không kiểm soát hết. Kết quả là trên các trang chủ đông đúc khách viếng thăm ấy, có những phương pháp điều trị chồng chéo hoặc thậm chí đối nghịch nhau. Ai đó muốn hệ thống một loại thông tin chuyên biệt thường rất mất thời gian.

Thuoc.net.vn thì mở ra cơ hội cho tất cả mọi người thành dược sĩ. Ðối với nhiều bệnh thông thường, thậm chí chỉ cần gõ tên triệu chứng, tra danh mục thuốc mới nhất, dắt lưng công dụng, khuyến cáo là đàng hoàng ra nhà thuốc mặt lạnh te: “Cho ba liều kháng sinh loại a,b,c”.

Có điều những dạng bệnh loại này phần lớn thường tự khỏi (kể cả khi không dùng thuốc). Bệnh nhân thừa thắng xông lên, tự điều trị trong mọi trường hợp. Cũng có khi đọc tác dụng phụ mới té ngửa. Dị ứng, vô kinh, suy giảm ham muốn dễ như bỡn.

Cũng có khi bệnh nhân và người nhà trong quá trình vào Google, Bing, Yahoo Search tìm kiếm thông tin về bệnh lại sa đà và các trang chuyên nghành với nhiều thuật ngữ chuyên môn rất khó nhằn. Không những không đáp ứng được nhu cầu cơ bản phục vụ mình lại còn bị rối loạn, nhiễu thông tin. Ðầu quay mòng mòng không hiểu mình đang ở đâu.

Tin Internet hơn bác sĩ ảnh 1 Tư vấn trên mạng hay tìm kiếm thông tin cho bệnh tật trên mạng internet chỉ mang tính tham khảo.

Kiểm tra bác sĩ

Ðây là thói quen xấu của nhiều bệnh nhân thường gây ức chế cho bác sĩ. Trong khi thăm khám và kê đơn, bệnh nhân đọc vanh vách những tên thuốc, liều lượng, cách chỉ định.

Tự tin hơn, có người thẳng thắn can thiệp vào phương pháp điều trị của bác sĩ, mạng bảo kê thế này dùng thế kia mới đúng. Bác sĩ vừa mất thời gian giải thích vừa chuốc bực mình.

Không biết cách tra cứu và kiểm soát thông tin sức khỏe trên internet sẽ dễ  bị lạc lối. Ðến khi thoát khỏi mớ bòng bong ấy, bệnh đáng lẽ chỉ dừng ở chân thì đã lan lên yết hầu rồi.

Chẳng hạn khi bác sĩ kê một đơn có 4-5 loại thuốc. Theo thói quen, nhiều người lên mạng tìm kiếm các tờ feuille (tờ phơi) của thuốc. Họ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cả chỉ định, chống chỉ định. Và họ thường gặp câu “Thận trọng khi sử dụng với người có thai và cho con bú” hay một loạt chống chỉ định.

Họ hoang mang không biết mình thuộc loại chống chỉ định nào. Họ không thể chắc chắn giữa chống chỉ định tương đối (cân nhắc giữa lợi và hại, có thể dùng khi lợi lớn hơn hại) và chống chỉ định tuyệt đối (đối tượng không được phép dùng).

Khi kê đơn và ký vào đơn là bác sĩ đã cam kết chịu trách nhiệm về đơn thuốc ấy. Nhưng khi nhìn thấy chữ chống chỉ định hay thận trọng, lập tức thói quen tự tin (vì cho là biết nhiều và cho là ngang cơ bác sĩ) mà internet mang lại khiến bệnh nhân nghi ngờ về đơn thuốc.

Việc đó dẫn đến động thái chần chừ để đi hỏi thông tin, để xem xét có thể ảnh hưởng xấu đến diễn biến bệnh. Càng nạp nhiều thông tin dạng này, bệnh nhân sẽ càng hoài nghi và đánh mất sự hợp tác cần có với bác sĩ trong quá trình điều trị.

Mặt khác, bệnh nhân thường quên mất một điều là, trong quá trình sản xuất thuốc và thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường, chỉ có một số rất nhỏ người đã dùng so với cả cộng đồng rộng lớn.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, cơ địa, và chịu tác động của khí hậu khác nhau. Vì thế thông tin đưa ra chỉ là cơ bản chứ không phải là tất cả. Song, đối với đa số các loại thuốc được phép lưu hành trên thị trường, người sử dụng có thể yên tâm vì các phản ứng có hại, gây nguy hiểm đều đã được loại trừ trong mục chống chỉ định. Còn những phản ứng phụ, không mong muốn thường chỉ sau một thời gian dùng thuốc là sẽ hết.

Dễ đọc, khó bỏ qua

Khi tìm kiếm thông tin bằng các công cụ tìm kiếm về các triệu chứng bệnh, lập tức công cụ sẽ liệt kê một danh sách dài dằng dặc các trang web có chứa thông tin đó. Chỉ việc click chuột là trang web được mở ra. Nhưng thông thường nhiều người bỏ qua dòng chú thích khá quan trọng đại loại đây là thông tin chuyên nghành hoặc đây là thông tin phổ biến kiến thức.

Thông tin chuyên nghành không chỉ là thông tin về bệnh tật, cập nhật cách xử trí mà còn có cả các nghiên cứu, kết quả nghiên cứu thành công cũng như không thành công, những thành tựu của y học, và cả tương lai phát triển, xu hướng phát triển của một số chuyên nghành.

Còn thông tin phổ biến kiến thức là dạng thông tin phổ cập cho đa số. Những thông tin này được viết dưới dạng dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng vào cuộc sống. Ðây là thông tin dành  cho những người không phải trong nghành y dược tham khảo để biết cách phòng tránh hoặc nhận biết để đi khám ngay khi bệnh còn ở giai đoạn sớm để có thể điều trị tốt hơn.

Hỏi bệnh chỉ là một khâu

Ðây là chuyên mục mà các bệnh nhân của các bệnh mạn tính liên quan rất quan tâm. Các câu hỏi thường xoay quanh những khó khăn, khúc mắc thường gặp trong khi theo dõi điều trị bệnh, khi dùng thuốc mà lại không được đề cập trong các thông tin giáo khoa bệnh học hay thông tin của các hãng dược.

Các câu hỏi loại này rất nhiều chủng loại nên đôi khi khó theo dõi một cách hệ thống. Ða số đáp án tập trung vào những thông tin mềm như khám chỗ nào có bác sĩ nào tốt nhất, gần nhà nhất, giá cả hợp lý nhất.

Vì tất cả những câu hỏi này ở dạng mở nên sẽ có rất nhiều trả lời của cả người có chuyên môn và không có chuyên môn. Ðiều bấp bênh nữa, không có một cái tên hay địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm về những lời khuyên loại này.

Tư vấn trên mạng hay tìm kiếm thông tin cho bệnh tật trên mạng internet chỉ mang tính tham khảo. Nó giúp chúng ta phòng tránh và đi khám sớm nhất có thể khi bệnh mới bắt đầu chứ không phải để tự điều trị. Hỏi bệnh chỉ là một khâu trong quá trình khám bệnh chứ không phải là tất cả. Ði khám và tuân thủ chế độ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa là cơ sở để điều trị bệnh hiệu quả nhất.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.