Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng

Lãnh đạo Báo Tiền Phong tặng hoa 2 khách mời trong buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Phạm
Lãnh đạo Báo Tiền Phong tặng hoa 2 khách mời trong buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Phạm
TPO - COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. 
Tọa đàm COVID-19 ngày 4/12

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

04/12/2020 10:49

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 1 BSCKII Nguyễn Trung Cấp - PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ 
Nhiều người truyền tai nhau rằng nên uống kháng sinh chống viêm đường hô hấp và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, phòng lây nhiễm COVID-19. Xin bác sĩ cho biết chuyện này đúng hay sai?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp - PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ trả lời:

COVID-19 do virus gây ra và kháng sinh không có tác dụng với virus nên việc uống kháng sinh không giúp phòng COVID-19.

Thứ hai, một số loại vitamin, vi chất có tác dụng tăng đề kháng cơ thể như: vitamin C, các thực phẩm dầu kẽm…

Những sản phẩm này không giúp đặc hiệu với COVID-19 nhưng có thể giúp chúng ta tăng đề kháng để chống đỡ bệnh tật nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định.

04/12/2020 10:59

Chính phủ Anh đã cho phép tiêm vắc xin phòng COVID-19, vậy khi nào thì Việt Nam có loại vắc xin này, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam trả lời: 

 Nếu thuận tiện, trên cơ sở vắc – xin chúng ta có thể nhập khẩu hoặc tự sản xuất được trong nước thì sớm nhất có thể phải vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Ngoài vắc xin phòng COVID-19, có loại thuốc đặc hiệu nào để khi bị mắc COVID-19 thì dùng để điều trị hay không?

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 2 BSCKII Nguyễn Trung Cấp
BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Hiện nay, có rất nhiều các loại thuốc đang được nghiên cứu để điều trị COVID-19 cũng như hỗ trợ điều trị các tình trạng nặng do COVID-19 gây ra. Các thuốc đặc hiệu với COVID-19 đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có loại nào được khẳng định hiệu quả chắc chắn. Một số loại thuốc hỗ trợ đã được ghi nhận có tác dụng làm giảm số ca nặng và tử vong do COVID-19 như corticoid, tocilizumab...

 Miền Bắc đang vào mùa đông, thời tiết khá lạnh. Mấy hôm trước tôi có thấy báo chí đăng Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo dịch có thể diễn biến xấu vào mùa Đông – Xuân và Việt Nam chuẩn bị kịch bản đối phó với diễn biến xấu của dịch. Vì sao khi trời lạnh dịch COVID-19 lại có thể lây lan nhanh như thế?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam: Các bạn biết dịch COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, thường lây lan mạnh trong mùa Đông - Xuân. Trên thực tế, hiện nay vào mùa đông dịch đang bùng phát mạnh tại một số nước Châu Âu, Châu Mỹ, tại Châu Á là Ấn Độ.

Ở Việt Nam, mùa đông cũng là yếu tố thuận lợi để dịch lây lan, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta có để xuất hiện trường hợp nào (nguồn bệnh) trong cộng đồng lây lan hay bùng phát dịch hay không. Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam còn rất cao cũng như những yếu tố thuận lợi vào mùa đông nên chúng ta không được chủ quan, lơ là. Phải tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch một cách quyết liệt hơn, với người dân cần thực khuyến cáo 5K là: Đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

04/12/2020 11:00

Virus gây bệnh COVID-19 có truyền qua muỗi đốt hay vật nuôi bị nhiễm COVID-19 có truyền được sang người hay không?

 BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Virus SARS-CoV2 chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp (hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc). Cho đến giờ, chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm qua muỗi đốt. Thực tế ghi nhận có một số loài vật nuôi bị nhiễm SARS-CoV2 như hổ, sư tử trong vườn thú ở Mỹ hay chồn nuôi trong trang trại tại Hà Lan và một số mèo nuôi trong gia đình có người nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19 qua loài vật này và các chuyên gia nhận định COVID-19 qua súc vật nuôi hầu như khó xảy ra.

04/12/2020 11:03

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 3 PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam
Tôi đọc thấy khuyến cáo của ngành y tế sau khi cách ly 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì sẽ được coi là an toàn. Nhưng có một số ca mắc COVID-19 được phát hiện sau 14 ngày, thậm chí có người tới gần 20 ngày, vậy làm sao để nhận biết sớm dấu hiệu bị mắc bệnh để tự cách ly và phòng chống lây nhiễm cho người thân?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam trả lời: Virus gây nên dịch bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2. Người bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể được phát hiện sớm nhất là 1 -2 ngày sau khi nhiễm, phát hiện được nhiều vào ngày thứ 5, thứ 6 hoặc có thể phải sau 14 ngày, thậm chí có trường hợp tới 20 ngày.

Chính vì vậy, có quy định các trường hợp nghi ngờ COVID-19 cần được cách ly trong vòng 14 ngày và tiến hành xét nghiệm lần cuối vào ngày thứ 14. Những trường hợp nghi ngờ vẫn cần phải xét nghiệm sau ngày thứ 14. Vì vậy, sau ngày thứ 14 mà bạn thấy có nghi ngờ về sức khỏe và có những yếu tố nguy cơ thì bạn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.

04/12/2020 11:04

Dùng máy quét thân nhiệt có phát hiện được người mắc COVID-19 hay không, thưa bác sĩ?

  BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Triệu chứng sốt là một triệu chứng tương đối thường gặp đối với các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Chính vì vậy, máy đo thân nhiệt phát hiện các trường hợp bị sốt. Tuy nhiên, máy quét thân nhiệt không thể xác định được sốt do bệnh lý khác hay do nhiễm COVIP-19.

04/12/2020 11:07

Dùng khẩu trang để phòng chống lây nhiễm COVID-19 là khuyến cáo của ngành y tế, nhưng tôi đeo khẩu trang 1 thời gian ngắn là bị ngứa mũi, hắt hơi, thậm chí nổi mẩn đỏ trên mặt. Có cách nào thay thế khẩu trang hoặc cách dùng khẩu trang thế nào để khỏi bị dị ứng không ạ?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Việc đeo khẩu trang bị dị ứng tuỳ thuộc vào cơ địa và loại khẩu trang cụ thể mà bạn sử dụng. Vì vậy, nếu bạn dị ứng với khẩu trang đó có thể đổi sang các loại khẩu trang khác. Cũng có trường hợp dị ứng do không vệ sinh sạch sẽ đối với khẩu trang vải và dùng lại nhiều lần. Hiện nay, cơ bản không có phương pháp nào khác thay thế cho việc đeo khẩu trang.

04/12/2020 11:10


Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 4  
Tôi nghe nói COVID-19 tấn công vào phổi người mắc bệnh, vậy tiêm vắc xin phòng viêm phổi có chống được COVID-19 không? Hoặc dù không chống được nhưng nếu lỡ mắc COVID-19 thì sẽ không bị virus này tấn công vào phổi?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Tiêm vắc xin phòng chống viêm phổi thì giúp phòng được một số căn nguyên như phế cầu, HI nhưng không giúp ngăn được lây nhiễm COVID-19 hoặc virus SARS-CoV2 tấn công vào phổi.

04/12/2020 11:15

Xét nghiệm PCR mấy lần và mỗi lần cách nhau bao nhiêu ngày thì sẽ chắc chắn là mình không bị nhiễm COVID-19, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Hầu hết người nhiễm virus SARS-CoV2 sẽ phát bệnh trong 14 ngày. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ rất nhỏ phát bệnh muộn hơn. Bởi vậy, việc xét nghiệm sớm trong vòng 14 ngày chỉ nhằm phát hiện ra ca dương tính. Còn để khẳng định chắc chắn trường hợp âm tính ở các đối tượng nguy cơ cần phải đảm bảo cách ly ít nhất 14 ngày và xét nghiệm sau khi hoàn thành thời gian cách ly vẫn âm tính.

04/12/2020 11:22

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 5 PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam 
Virus SARS-CoV-2 lần này có biến đổi, tăng độc lực không thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam trả lời: Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay dịch đã lan rộng ra toàn thế giới, virus SARS-CoV-2 cũng có những biến đổi về gen và làm tăng độ bám dính của virus vào tế bào cảm nhiễm, làm lây lan có thể mạnh hơn. Tuy vậy, chưa phát hiện thấy thay đổi về độc lực.

04/12/2020 11:22

Hiện nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã chuẩn bị cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân CPOVID-19 thế nào trong trường hợp dịch bùng phát trở lại, thưa ông?

 BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là thiết lập trạng thái bình thường mới nên Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư vẫn đảm bảo song song công tác tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 với việc khám, chữa bệnh với các bệnh lý khác theo đúng tiêu chuẩn an toàn bệnh viện của Bộ Y tế ban hành.

Bên cạnh đó, bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cũng có kế hoạch sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bùng phát và số lượng bệnh nhân COVID-19 gia tăng.

04/12/2020 11:26

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 6 BSCKII Nguyễn Trung Cấp
Những bệnh nhân nhập cảnh điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư có trường hợp nào nặng không, thưa bác sĩ? Biểu hiện bệnh có khác gì so với những bệnh nhân ở giai đoạn đầu của đại dịch không?

 BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng chiếm khoảng 20%. Bởi vậy, trong nhóm các bệnh nhân nhập cảnh điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư vẫn có trường hợp diễn biến rất nặng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, các bệnh nhân đều được điều trị tích cực và hồi phục tốt. Nhìn chung, các biểu hiện bệnh của người nhiễm COVID-19 không có nhiều khác biệt so với giai đoạn đầu của dịch.

04/12/2020 11:28

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 7 PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam
TP Hồ Chí Minh cần làm gì để kiểm soát dịch bệnh?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam trả lời: Chúng ta biết rằng, vừa qua, TP. HCM đã phát hiện sớm được ổ dịch bệnh lây lan từ tiếp viên hàng không và đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, về cơ bản dịch đã được khống chế.

Vấn đề cơ bản là đã phát hiện được nguồn lây nhiễm (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1), (F2) để tiến hành cách ly, khoanh vùng và dập dịch.

Theo tôi, trong lúc này, tiếp tục tiến hành truy vết để phát hiện các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nếu còn, xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ nhằm tìm ra những trường hợp có thể bị lây bệnh; đồng thời tiến hành khoanh vùng những địa bàn theo điều tra dịch tễ và tiến hành các biện pháp dập dịch quyết liệt tại những ổ dịch.

Với các biện pháp này có thể dịch sẽ sớm được dập tắt và không bùng phát. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan vì có thể có những ổ dịch khác xâm nhập từ nước ngoài vào trước đó mà chúng ta không biết, vẫn có khả năng lây lan vì người nhiễm COVID-19 có những trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong cộng đồng mà người nhiễm không đến cơ sở y tế để xét nghiệm nên chúng ta không phát hiện được và có khả năng lây lan.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới (trong lúc chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa làm kinh tế vừa phòng chống dịch). Chúng ta phải tiến hành xét nghiệm triệt để những ca nghi ngờ vào các phòng khám, bệnh viện cũng như tại cộng đồng vì có thể đó là những ca chỉ điểm để phát hiện được ổ dịch tại cộng đồng (nếu có).

Đối với người dân, không nên lo lắng quá nhưng không được chủ quan lơ là, phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và tuân thủ các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương.

04/12/2020 11:37

Theo ông có nên cho tiếp tục cách ly tại khách sạn? Trong vụ việc vừa rồi, không chỉ trách nhiệm cá nhân mà còn trách nhiệm của chính quyền và y tế cơ sở trong cách ly tại nhà. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam trả lời: Việt Nam chúng ta đã làm rất tốt việc ngăn chặn dịch từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam thông qua hệ thống cách ly do quân đội quản lý. Việc cách ly tại khách sạn cũng là một nhu cầu cần có trong tình hình hiện nay để đảm bảo được người nhập cảnh về nhiều được cách ly và phù hợp với nhu cầu của người dân, chuyên gia lao động lành nghề...

Bộ Y tế đã có những quy định rất cụ thể và chặt chẽ về việc cách ly tại khách sạn, nơi lưu trú. Vấn đề xảy ra vừa qua tại TP. HCM tôi cho rằng thuộc về ý thức của người quản lý khu cách ly và người được cách ly.

Thời gian tới, cần thực hiện nghiêm hơn trong việc triển khai hình thức cách ly này. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, làm nhiệm vụ cách ly trong khách sạn cũng như ý thức của người được cách ly, tăng cường kiểm tra để đảm bảo việc cách ly được thực hiện nghiêm.

04/12/2020 11:38

Tọa đàm trực tuyến: Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng ảnh 8 BSCKII Nguyễn Trung Cấp
Bác sĩ có thể cho biết gần đây có những ca bệnh rất lạ, như ca tái dương tính ở Hà Nội sau gần 2 tháng ra viện, hay có ca 23 ngày về nước mới phát hiện dương tính là lý do nào?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Những trường hợp tái dương tính kéo dài đã từng được ghi nhận cả ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Những trường hợp này được cho rằng tái dương tính do tồn tại các mảnh xác virus chứ không phải virus còn sống nên không gây lây nhiễm.

Đa số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV2 thường phát bệnh trong vòng 14 ngày nhưng vẫn có những trường hợp rất nhỏ phát bệnh muộn hơn. Bởi vậy, Bộ Y tế đã quy định những trường hợp trở về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người nghi nhiễm đều phải cách ly tập trung 14 ngày và tự cách ly theo dõi tại nhà thêm 14 ngày nữa.

04/12/2020 11:47

Sự việc lây lan dịch trong cộng đồng vừa qua cho thấy sự chủ quan của một bộ phận người dân. Theo ông cần làm gì để hạn chế thấp nhất tình trạng này?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam trả lời: Đúng là như vậy, đặc biệt là sự không có ý thức của BN 1342 và BN 1347. Đồng thời trong thời gian vừa qua, Việt Nam chúng ta đã rất thành công trong việc dập tắt các đợt dịch và 88 ngày không có dịch bệnh trong cộng đồng, bên cạnh đó, chúng ta lại phải thực hiện mục tiêu kép là vừa làm kinh tế vừa phòng chống dịch nên có phần nào người dân chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Theo tôi, nguy cơ dịch bệnh trong lúc này vẫn còn rất cao nếu như chúng ta để xảy ra một trường hợp nào từ nước ngoài xâm nhập vào cộng đồng mà không phát hiện sớm để cách ly, khoanh vùng và dập dịch thì dịch sẽ bùng phát.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng này thì trước tiên là ý thức của mỗi người dân, không được lơ là chủ quan, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch và chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo về phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam. Các cấp, các ngành, các địa phương cần phải quyết liệt hơn trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường kiểm tra giám sát, thực hiện tốt chiến lược: Ngăn chặn – cách ly – phát hiện – khoanh vùng – dập dịch. Cố gắng tốt nhất không để dịch xảy ra, nếu có thì phải phát hiện sớm để dịch được dập tắt ngay, không lây lan ra diện rộng.

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Người mắc bệnh có thể có triệu chứng lâm sàng đa dạng: Sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác và khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi.

Đáng nói là có một tỉ lệ cao người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%) và có thể là nguồn lây bệnh trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch.

Hiện COVID-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và  vắc xin phòng bệnh được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Việc giám sát, phát hiện sớm, truy vết và khoanh vùng, cách ly nguồn lây sớm vẫn là biện pháp chủ yếu trong phòng chống dịch bệnh lây lan tại các ổ dịch.

Trên thế giới, dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp với sự gia tăng khủng khiếp các ca mắc mới và ca tử vong. Tại Việt Nam, tính đến 18h ngày 3/12, có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang cách ly là 16.582 người, tăng gần 1.000 người so với một ngày trước đó. 

Nhằm bổ sung kiến thức cho người dân về cách nhận biết và phòng chống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến mang chủ đề: “Phòng dịch COVID-19 và trách nhiệm của cộng đồng”

  • Khách mời tọa đàm có PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam

  •  Bác sỹ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư

  • Thời gian tọa đàm: 10h30 thứ sáu, 4/12/2020

  • Bạn đọc quan tâm xin gửi câu hỏi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.