Tôi vô sinh, vợ có bầu với anh trai tật nguyền

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Trái tim tôi càng tan nát, vỡ vụn khi thấy ba má tôi nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào xin tôi tha thứ để giữ danh dự gia đình, để thằng bé có tên cha trong giấy khai sinh một cách đàng hoàng nhất, bởi dù gì đó cũng là giọt máu của dòng giống nhà tôi.

Quan điểm của bạn đọc về vấn đề này, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@baotienphong.com.vn

Ba má nghèo, sanh được hai anh em tôi, dù cách nhau tới 8 năm nhưng chúng tôi giống nhau như hai giọt nước. Anh Hai tôi không may bị dị tật từ lúc lọt lòng, tay chân bình thường còn bên trái thì lại chỉ là hai mẩu thịt mềm oặt, cụt ngủn.

Từ nhỏ tới gờ anh chỉ có lết mà không đi lại được. Thế nhưng anh trai khéo lắm, anh làm mọi việc chỉ bằng tay phải và chân phải, nhiều việc anh làm còn tốt hơn cả người bình thường.

Tính tình anh Hai hiền lành, chăm chỉ lại tật nguyền nên cả nhà dồn hết tình yêu thương cho anh. Khi tôi 25 tuổi thì tôi lập gia đình với em, cô gái quê cách làng tôi hơn 30 cây số, lành hiền, ngoan ngoãn.

Có em về, không khí gia đình tôi vui hẳn lên, anh Hai lớn hơn vợ tôi tới 13 tuổi nên anh coi vợ tôi như một đứa em gái nhỏ. Anh sẵn lòng bỏ ra cả buổi để sửa cho vợ tôi đôi dép đứt quai, tra giùm cái cán cuốc bị long khi tôi bận việc ngoài đồng chưa sửa cho em được.

Còn vợ tôi, em cũng thương anh Hai dị tật nên việc gì làm được giúp anh, em chẳng nề hà.

Ba má tôi thấy vợ tôi ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên cưng em lắm. Thế nhưng có chuyện buồn là dù vợ chồng tôi yêu thương nhau vô cùng, cả hai lại hoàn toàn khỏe mạnh nhưng cưới nhau đã hơn 2 năm mà chúng tôi chẳng hề có tin vui.

Sốt ruột, vợ chồng tôi gom hết tiền bạc dành dụm được đưa nhau lên Sài Gòn khám. Kết quả là vợ tôi hoàn toàn bình thường, còn tôi mắc chứng teo tinh hoàn hai bên nên không có khả năng cho em hạnh phúc làm mẹ.

Buồn, vô vọng và cũng thương vợ, tôi thông báo cho ba má biết sự thật đau lòng này. Cả nhà thống nhất giải phóng cho em để em có thể tìm được hạnh phúc mới, thực hiện được mong ước làm mẹ.

Nhưng cả nhà nói thế nào em cũng khăng khăng một mực không đồng ý, dứt khoát ở lại cùng tôi. Nhiều đêm ôm em vào lòng, hai vợ chồng tôi cùng chan hòa nước mắt.

Nửa năm sau bỗng vợ báo tin em có bầu, ba má tôi như trẻ lại cả chục tuổi, còn tôi không khỏi nghi ngờ nên dò hỏi vợ ráo riết, em vẫn một mực nói đó là con tôi.

Đến ngày khai hoa nở nhụy, em sinh một bé trai khỏe mạnh, giống anh em tôi như đúc khuôn. Anh Hai mặc dù tật nguyền nhưng vẫn ngày đêm phụ má tôi chăm sóc vợ, con tôi để tôi yên tâm làm lụng kiếm tiền.

Thứ 7 tuần trước cả nhà tập trung chuẩn bị làm thôi nôi cho thằng cu. Ăn uống xong, bỗng vợ tôi bế con cùng anh Hai quỳ xuống giữa nhà, anh Hai rưng rưng nhận là ba đứa nhỏ.

Vợ và anh Hai tôi đều giành nhau nhận phần lỗi về mình, còn tôi chết lặng.

Trái tim tôi càng tan nát, vỡ vụn khi thấy ba má tôi nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào xin tôi tha thứ để giữ danh dự gia đình, để thằng bé có tên cha trong giấy khai sinh một cách đàng hoàng nhất, bởi dù gì đó cũng là giọt máu của dòng giống nhà tôi.

Trời ơi, ông Trời có bất công không khi bắt gia đình tôi phải chịu cảnh như thế này? Ba má tôi nhân từ, phúc đức, anh Hai tôi từ nhỏ đã tật nguyền, tôi lại vô sinh. Giấy tờ là con của tôi, nhưng cha thật sự của bé lại là anh Hai tôi. Tôi phải làm thế nào bây giờ?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.