Trách nhiệm với gia đình chồng?

Trách nhiệm với gia đình chồng?
Sau giờ tan sở, chị không muốn về nhà bởi lúc trưa hai vợ chồng có chút cãi vã. Chị quay ngược xe đi về phía nhà mẹ, ít ra, ở đó chị có thể trút bỏ gánh nặng trong lòng mỗi lần có chuyện ấm ức.

Mẹ luôn là người thương và hiểu chị nhất. Vừa nhìn thấy chị, mẹ đã cười nói: “Sao không về nấu cơm mà còn đến đây làm gì”. Chị biết mẹ đùa nên phụng phịu: “Bực quá, hôm nay con ở lại đây”. Biết vợ chồng chị lại gây gổ nên mẹ không nói gì, lặng lẽ vào bếp làm thức ăn. Chị đi theo mẹ, tiếp tục kể lể về việc lúc trưa…

Chả là, trưa nay, trong lúc ăn cơm, anh nói với chị, bố chồng mới gọi điện lên “xin” 10 triệu vì sửa nhà xong nhưng còn thiếu tiền công thợ, rồi còn kể là anh Hai và chú Út đã cho bao nhiêu nữa. Chị nghe mà không ăn nổi bát cơm. Mỗi lần nghe giọng điệu ấy của bố chồng là chị tức lộn ruột. Từ ngày cưới, vợ chồng chưa hề nhờ vả cái gì bên nội mà toàn thấy bị vòi vĩnh hết cái này đến cái kia. Nhà chồng cũng thừa biết, vợ chồng chị mới mua đất đang nợ ngập đầu, lại ở trọ, mà chuyện sinh nở của chị sắp đến gần. Trăm thứ phải lo toan, nhắc đến tiền là chị đau đầu. Mấy tháng nay, chị cứ phải tiết kiệm từng đồng để sắm sửa cho con, đến chuyện ăn bồi dưỡng còn không dám. Món tiền 10 triệu lúc này là quá sức với vợ chồng chị. Bởi vậy, khi nghe chồng nói, chị dằn bát cơm xuống, lớn giọng bảo: “Ông bà không biết thương con xót cháu à, anh có thì cho còn em thì chịu” rồi bỏ đi nằm. Anh không nói gì, ăn vội bát cơm rồi xách xe đi ngay. Thế là, vợ chồng giận nhau…

Chị cứ nghĩ, kể chuyện ấy ra, mẹ sẽ bênh vực và giải tỏa cho chị nỗi tức giận. Nào ngờ, mẹ phán một câu xanh rờn: “Con sai rồi, cư xử thế là không phải vì đó là trách nhiệm với nhà chồng”. Chị ấm ức chẳng hiểu nỗi, sao lại là trách nhiệm với bổn phận ở đây, đó gọi là đòi hỏi quá đáng. Mặc chị nước mắt ngắn nước mắt dài, mẹ bảo: “Đáng lẽ, biết chuyện ông bà sửa nhà, con phải chủ động cho tiền trước, giờ để chồng nói còn cáu kỉnh nữa”. Rồi mẹ kể, ngày xưa, bố mẹ không đủ gạo ăn nhưng biết ông bà nội thiếu thốn cũng phải đi vay mượn mà cho, làm dâu phải biết đến trách nhiệm với nhà chồng. Chị nghe mẹ nói mà ù cả tai, sẵn bực tức trong lòng, chị lấy xe bỏ về.

Lang thang trên đường, chị miên man nghĩ đến hai từ “trách nhiệm”. Suốt cuộc đời mẹ chị có “trách nhiệm” với nhà chồng nhưng nào đâu có được hạnh phúc. Bố bỏ đi theo người khác, mẹ cặm cụi một mình nuôi con và làm tròn đạo hiếu với ông bà nội. Có lẽ, khoảng cách thế hệ đã làm mẹ và chị không có cùng tiếng nói chung. Sao mẹ lại khuyên bảo chị phải có trách nhiệm với những người chỉ biết nghĩ cho mình. Còn nhớ, ngày cưới, bố mẹ chồng cho hai chỉ vàng rồi lấy lại ngay sau đó, thỉnh thoảng lại gọi điện “xin” hết thứ này đến thứ kia. Trong khi, chị ốm nghén cả tháng, chẳng thấy ai quan tâm hay thăm hỏi gì sất. Từ đó, chị đã tự dựng một bức tường rào với nhà chồng, không muốn liên quan gì cả.

Chị luôn cho mình đã làm đúng, cư xử vậy là công bằng. Thế nhưng hôm nay, nghe mẹ nói, giận thì giận, nhưng chị lại suy nghĩ. Bên tai chị cứ văng vẳng câu nói của mẹ: “Con nghĩ thế nào thì tùy nhưng nếu con rũ bỏ trách nhiệm với nhà chồng thì hạnh phúc gia đình con sẽ giảm bớt ”… Có phải thế hay không?

Theo Theo Phunuoline
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.