Trạm Y tế thiếu trách nhiệm khiến bé 3 tháng tử vong sau tiêm?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Sáng 16/1, bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm viếng, động viên gia đình cháu T.L.N., con chị L.T.N.L. ở Đa Phú, P.7 (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem.

Không khí đau thương tràn lên căn nhà nhỏ ở vùng ven thành phố. Người mẹ trẻ L.T.N.L. không còn đủ sức khóc con, chỉ nấc lên từng hồi.

Một người thân của gia đình kể: cháu N. là con đầu lòng của vợ chồng chị L. Trước hôm tiêm phòng, cháu vẫn khỏe mạnh bình thường. Khoảng 10h ngày 14/1, cháu được đưa đến Trạm Y tế P.7 (TP. Đà Lạt) để tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1) và uống vắc-xin Sabin (phòng bệnh bại liệt).

Chiều cùng ngày, cháu quấy khóc nên gia đình đưa trở lại Trạm Y tế P.7 để theo dõi. Tại đây, cháu N. được cho uống thuốc và theo dõi khoảng một giờ, thấy cháu tạm ổn nên các y - bác sĩ cho về nhà.

Khoảng hơn 6h sáng hôm sau (15/1), người nhà nghe cháu khóc ré lên, người tím tái, nên hoảng hốt đưa đến Trạm Y tế P.7, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Đến chiều cùng ngày thì cháu tử vong.

Bà ngoại của cháu N. rất bức xúc, cho rằng các y - bác sĩ ở Trạm Y tế P.7 chưa làm tròn trách nhiệm. Theo bà, sau khi tiêm vắc-xin, cháu quấy khóc, gia đình đưa trở lại trạm y tế để theo dõi, nhưng chỉ một giờ là các y - bác sĩ cho về, không khám bệnh kỹ để chuyển cháu lên tuyến trên điều trị.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, việc xử lý ca bệnh này là rất đáng tiếc vì xảy ra ở trạm y tế phường, không phải vùng sâu vùng xa; bệnh nhân đã có biểu hiện rất sớm.

Lẽ ra, nhân viên trạm nên tư vấn hoặc quyết định chuyển người bệnh lên tuyến trên. Hiện, các bệnh viện có thể cứu chữa hiệu quả cho những trường hợp trẻ bị tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin, kể cả sốc phản vệ.

Sáng 16/1, đoàn bác sĩ Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã đến Trạm Y tế P.7, TP Đà Lạt để tìm hiểu nguyên nhân. Dự kiến, hôm nay (17/1), hội đồng chuyên môn sẽ có kết luận về trường hợp này.

Theo BS Đồng Sỹ Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ y dược - Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, đoàn chuyên gia cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan để kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn tiêm chủng và việc tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị cho cháu N.; đồng thời lấy các mẫu vắc-xin liên quan để phân tích.

Sau khi có kết quả phân tích mẫu, Sở Y tế Lâm Đồng sẽ họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế, để đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong của cháu N.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn hai năm qua, tại Đà Lạt đã có ba trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem. Hai trường hợp tử vong trước đó là một trẻ ba tháng tuổi tại P.9 (tử vong tháng 11/2012) và một trẻ bốn tháng tuổi ở P.7 (tử vong tháng 3/2013). Ngành chức năng đã kết luận nguyên nhân là do sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin.

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) , dù phản ứng mức nhẹ sau tiêm Quinvaxem rất cao (như phản ứng sốt có thể gặp ở 50% các bé được tiêm), nhưng tỉ lệ tử vong sau tiêm văcxin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào (như Quinvaxem) hay ho gà vô bào là tương đương nhau.

Song gần 10 năm sử dụng văcxin ho gà vô bào (tiêm chủng dịch vụ) tại VN, đến nay chưa có ca tử vong sau tiêm nào được ghi nhận.

Còn văcxin Quinvaxem thì từ khi bắt đầu sử dụng, trung bình mỗi năm đều có 5-10 trường hợp tử vong sau tiêm, 40% trong đó không xác định được nguyên nhân.

Theo Phụ nữ TPHCM
MỚI - NÓNG