Trắng đêm cùng bệnh nhi sởi

Phải hỗ trợ ôxy cho trẻ bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. ẢNH: NHƯ Ý
Phải hỗ trợ ôxy cho trẻ bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. ẢNH: NHƯ Ý
TP - Những bóng áo trắng di chuyển thoăn thoắt quanh buồng bệnh, tiếng trẻ thơ gào khóc, tiếng máy móc hỗ trợ sự sống cho bệnh nhi chạy rì rì là hình ảnh và âm thanh quen thuộc từ 2 tháng nay tại Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi T.Ư) khi dịch sởi hoành hành.

Vất vả và căng thẳng là vậy mà Bộ Y tế vẫn nhận định: dịch sởi không có gì bất thường, trong tầm kiểm soát…

Thoi thóp sự sống

Cùng có mặt với các nhân viên y tế trong ca trực đêm mới thấy những nỗ lực để giành sự sống cho các bé là công việc quá vất vả và căng thẳng. Khoa Truyền nhiễm với 100 giường bệnh từ 2 tháng nay trở thành khu vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhân viên y tế, Ban giám đốc BV Nhi T.Ư cũng như các phóng viên bởi nó là nơi đang từng ngày giành giật sự sống cho những bệnh nhi sởi biến chứng nặng.

Có mặt đúng giờ hẹn với bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, cánh cửa phòng với tấm bảng phía trên ghi “Phòng Phó trưởng khoa” khép hờ, tôi đẩy cửa ngó vào. Bất ngờ vì chỉ thấy trong phòng kê toàn giường bệnh với những đứa trẻ nằm mê man hoặc được mẹ bế trên tay.

Những đôi mắt nhắm nghiền, ban sởi nổi đầy người, ống truyền dịch, máy thở oxy đang hỗ trợ hô hấp cho các bé. Bệnh nhi Vũ Lâm, 9 tháng tuổi ở tỉnh Hải Dương bị viêm phổi điều trị tại bệnh viện tỉnh thì mắc sởi nặng được chuyển lên BV Nhi T.Ư trong tình trạng nguy kịch. Nằm cùng phòng với Vũ Lâm có cậu bé Huy Nhật 17 tháng tuổi (tỉnh Thanh Hóa) cũng đang phải thở oxy vì viêm phổi, trên cơ thể và mặt bé nổi chi chít các nốt ban.

Bác sĩ nói sởi bất thường, Bộ nói không

Trong khi các bác sĩ điều trị nhận định dịch sởi năm 2014 đang có những diễn biến bất thường thì PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, dịch sởi hiện nay không bất thường mà theo đúng chu kỳ 4-5 năm của dịch và quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh.

Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) 20% bệnh nhân điều trị, cấp cứu là bệnh nhân nhập viện do sởi. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, chưa khi nào khoa lại quá tải như lúc này. Rạng sáng 11/4, một bệnh nhi 12 tháng tuổi, ở Hà Nội đã tử vong do biến chứng của sởi sau hơn 1 tuần điều trị.

Bác sĩ Hải dẫn chúng tôi xuống tầng 1, nơi đang điều trị cho những bệnh nhân nặng hơn, một phòng 7 bệnh nhân thở máy nằm mê man, cơ thể được gắn kết với đủ loại máy móc để duy trì sự sống, chống chọi với bệnh tật.

Mới 7 tháng tuổi, bệnh nhân N.V.M nằm lọt thỏm nhỏ thó giữa 7 loại thiết bị hiện đại nhất để chiến đấu với tử thần. Đã 1 tuần, bé chung sống với máy thở, máy truyền dịch, máy tiêm kháng sinh và những chiếc máy vận mạch khác. Nhiều lúc đang chăm chú ghi thông tin về bệnh nhân, tôi không khỏi giật mình bởi tiếng khóc ngằn ngặt của một bé khác cùng phòng. Nhưng lúc này, còn khóc là còn may mắn bởi những thân hình nhỏ bé ấy vẫn cảm nhận được đau đớn.

Trên hai chiếc giường hồi sức đặc biệt là 3 trẻ nặng nhất nằm mê man, li bì không một chút cử động, phó mặc số mệnh mình cho những chiếc máy thở. Ngày thường lắm khi 2 giường này bỏ không, nhưng trong dịch sởi này nó luôn hoạt động quá công suất. Chiếc chạc để cắm ống thở giờ phải chia làm 2 mối để cùng lúc hỗ trợ thở cho 2 bệnh nhi.

Toàn bộ khoa Truyền nhiễm, Đông y, Cấp cứu, Tâm bệnh đã được dành riêng để phục vụ bệnh nhi sởi. Đã hơn 1 tháng nay lúc nào cũng có từ 200-250 bệnh nhi sởi nặng được điều trị. Hai bé một giường, có giường tới 3-4 cháu.

Bác sĩ Hải bảo chưa bao giờ khoa lại cần tới nhiều máy thở như hiện nay. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của Khoa Truyền nhiễm phải mượn đến máy chụp X-quang di động, máy siêu âm để thường trực chụp tim phổi và siêu âm cho trẻ cấp cứu. Trong số 230 bệnh nhi có tới hơn 50% phải thở oxy và thở máy. Máy móc không đủ, những đứa trẻ bệnh tật lại chia nhau máy thở oxy.

Chỉ trong ngày 10/4, đã có tới 40 bệnh nhi sởi nhập khoa Truyền nhiễm, trong 5 ca vào cấp cứu đêm có 3 ca cần hỗ trợ thở, 2 ca ngừng tuần hoàn do biến chứng sởi quá nặng. Con số tử vong do sởi được Bộ Y tế công bố cho thấy có 25 bệnh nhân tử vong vẫn còn là dấu hỏi về sự chính xác, khi mà chỉ tại BV Nhi đã có 25 bé tử vong và BV Bạch Mai có 2 ca tử vong cho đến thời điểm Bộ công bố. Một lãnh đạo BV Nhi T.Ư cho biết không được phép công bố chính xác con số tử vong vì Bộ mới được quyền phát ngôn.

Những giọt nước mắt rơi

Lặng lẽ để ý công việc của một điều dưỡng với vóc dáng mảnh mai, cô nhanh nhẹn di chuyển liên tục giữa các giường bệnh để chăm sóc trẻ. Thấy tôi quan sát chăm chú, bác sĩ Hải khẽ bảo: “Cô ấy đang mang thai 4 tháng đấy, nhưng vẫn trực chiến như chúng tôi”. Vừa cẩn thận lấy thuốc để chuẩn bị tiêm cho trẻ, điều dưỡng Hồ Thị Bình cho biết, ca trực của chị từ 8h sáng hôm nay đến 8 giờ sáng hôm sau. Công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh nhân.

Bình chia sẻ: “Ba năm làm việc tại khoa nhưng chưa bao giờ em thấy dịch sởi nặng như năm nay, các cháu nặng vào liên tục nên bọn em làm liên tục không nghỉ”. Đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng Bình chưa bỏ một buổi làm nào. May mắn của cô là có chồng cùng nghề điều dưỡng nên chia sẻ và thông cảm với sự vất vả của vợ.

Nước mắt nhòe khi Bình nhắc về hơn 10 bệnh nhi đã tử vong vì sởi mà cô được chứng kiến. Ám ảnh những hơi thở thoi thóp cuối cùng rồi ngừng bặt khiến nữ điều dưỡng không cho phép mình xao nhãng công việc và cô lại lặng lẽ vỗ về những đứa trẻ tội nghiệp…

Bác sĩ Hải nói giường bệnh tăng gấp đôi nhưng công việc và áp lực lên nhân viên y tế và bác sĩ tăng gấp 3. Có nhân viên y tế đã bật khóc vì áp lực công việc, nhưng rồi lại trấn tĩnh để tiếp tục chăm sóc bệnh nhi. Hàng tháng nay, các y bác sĩ nơi này ăn uống không theo giờ giấc, mọi sinh hoạt đảo lộn và như trở thành thói quen mới.

Thống kê của BV Nhi T,Ư mỗi năm chỉ tiếp nhận khoảng 30-40 ca sởi. Vụ dịch năm 2009 - 2010 trong 1,5 năm có khoảng 100 trường hợp nên khoảng 1.000 bệnh nhân nhập viện điều trị chỉ trong 4 tháng qua là hiện tượng bất thường. Ngoài ra còn trường hợp nhẹ, sau khi xét nghiệm máu xác định dương tính với sởi, nhưng chụp X - quang không có tổn thương phổi đều được cho về điều trị tại nhà.

Bác sĩ Hải cho hay: “Trước đây bệnh nhân sởi kể cả có viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên nhẹ chỉ mất khoảng 5-7 ngày nằm viện là khỏi bệnh. Nhưng với các bệnh nhân biến chứng này, các cháu thường phải nằm viện 2 -3 tuần”.

Tôi bắt gặp những ánh mắt thất thần, gương mặt mệt mỏi của cha mẹ bệnh nhi bên ngoài khu vực cách ly điều trị của bệnh nhân nặng. Con trẻ nằm đó bên những chiếc máy lạnh lẽo, cách cha mẹ chỉ chục bước chân mà như ngàn dặm khi họ không thể làm gì hơn là chờ đợi và hy vọng để thấy con thoát khỏi vụ dịch bất thường để trở về bình yên…

MỚI - NÓNG