Tranh luận khoa học về thuốc từ 'thịt người'

Tranh luận khoa học về thuốc từ 'thịt người'
Sau khi Nigeria báo động có hàng trăm nghìn viên thuốc “thịt người” nguồn gốc từ Trung Quốc xuất hiện trên thị trường nước này, dư luận xôn xao nhiều ý kiến trái chiều.

Không phải vấn đề mới

Năm 2011, kênh truyền hình SBS, một trong ba kênh lớn của Hàn Quốc phát một phim tài liệu về việc một số công ty dược phẩm Trung Quốc sản xuất và kinh doanh thuốc từ thi thể trẻ sơ sinh chết vì bị sẩy thai và phá thai. Các viên thuốc này được quảng cáo với chức năng tăng cường miễn dịch, tăng sức dẻo dai, tăng lực. Phân tích kiểm tra ADN cho thấy các viên thuốc có thể chứa đến 99.7% là thịt người, thậm chí còn có thể biết được giới tính của trẻ bị chết. Sau sự việc này, dư luận thế giới phản đối dùng thuốc từ nhau thai . Tuy nhiên, gần đây có một số loại chế phẩm của Trung Quốc điều chế từ nhau thai vẫn ngấm ngầm tồn tại và được đồn đại là có tác dụng phòng chống ung thư, tăng cường sức khỏe…

Tại Việt Nam, từ năm 2015, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường. Bộ Y tế quy định rõ, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm và cần đưa đi tiêu hủy. Bởi lẽ, nhau thai nằm trong một cơ thể sống, mà bất cứ cơ thể sống nào là người cũng có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng...

Theo TTND Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, nhau thai hay còn gọi là tử hà sa tuy có công dụng chữa bệnh nhưng các thầy thuốc không khuyến khích dùng. Chưa kể, tử hà sa bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng có nguy cơ rất lớn là mang mầm bệnh. Ngoài bị các bệnh truyền nhiễm do mầm bệnh chứa trong nhau thai, người dùng tử hà sa còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác do vấn đề bảo quản (nhau thai là môi trường rất tốt phát triển các mầm bệnh lây qua đường tiêu hóa) như tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng... Hơn nữa, về vấn đề đạo đức, viên thuốc bổ từ thịt trẻ em là trái với luân thường đạo lý. Vì vậy đó là lý do tử hà sa bị phản đối khắp nơi trên thế giới.

Tranh luận khoa học

Mặc dù bị phản đối về mặt đạo đức, tuy nhiên sự việc vẫn gây nhiều tranh luận trên thế giới. Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trước đây, Tây y và Đông y đều sử dụng nhau thai người làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Trong tây y trước đây, nhau thai người được sử dụng để sản xuất ra Filatov (một dạng thuốc bổ máu) nhưng do nguồn cung không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng gan để sản xuất Filatov. Tuy nhiên, hiện nay, các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan súc vật đã được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh tác dụng một cách rõ ràng, trong khi nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn.

Theo Chủ tịch Hội đông y Việt Nam, vấn đề sử dụng các vị thuốc từ cơ thể con người là vấn đề mà nhiều quốc gia có quan điểm khác nhau. Bản thân ông cũng đã tranh luận hơn 10 năm trước tại Hàn Quốc. Xưa kia, các cụ sau khi đẻ thường cắt lại một đoạn dây rốn treo khô  cất đi cho trẻ khỏi giật mình và đề phòng nếu trẻ mắc bệnh hiểm nghèo thì dùng đoạn dây rốn đó làm bài thuốc chữa bệnh. Đây chính là tiền thân của phương pháp tế bào gốc được lấy từ cuống rốn và nhau thai.

GS Phan Toàn Thắng, chuyên gia nghiên cứu tế bào gốc quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, GS vừa có cuộc thăm quan và hội đàm khoa học với JBP (Japan Bio Products) tại Tokyo và Fukuoka Nhật Bản. JBP được thành lập từ 1954, là công ty dược đầu tiên tại Nhật Bản sản xuất và sở hữu các sản phẩm sinh dược chiết xuất từ nhau thai người (Human Placenta) dùng cho điều trị xơ gan và chống lão hóa. Công nghệ của họ gần như không thay đổi nhiều trong 65 năm qua: Thu thập nhau thai sau sinh tại các bệnh viện ở Nhật Bản - Xét nghiệm bệnh truyền nhiễm - Xử lý, sang chiết các sinh dưỡng chất từ nhau thai người - Đóng vào các ống tiêm - Khử/tiệt khuẩn - Đưa ra thị trường. Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh đẻ giảm tại Nhật, và các chi phí về vận chuyển, bảo quản, xét nghiệm ngày càng cao nên họ đang tìm tới công nghệ tế bào gốc nuôi cấy và nhân bản các tế bào gốc từ nhau thai để khắc phục các hạn chế của công nghệ cũ.

Tranh luận khoa học về thuốc từ 'thịt người' ảnh 1 GS Phan Toàn Thắng tham quan JBP Nhật Bản (công ty dược phẩm chiết xuất từ nhau thai).

Như vậy, việc nghiên cứu sử dụng nhau thai người với mục đích nghiên cứu khoa học và chữa bệnh có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn về môi trường và sức khỏe vẫn là cần thiết và được cho phép ở nhiều nước. Tuy nhiên, việc sử dụng nhau thai người làm thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ là vô cùng nguy hiểm, cần được ngăn chặn.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG