Tranh tài sản, anh em ruột coi nhau như kẻ thù

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Tôi gọi cho bố, ngỡ rằng bố sẽ hoảng hốt thu xếp công việc chạy về, thì thay vào đó là câu nói dửng dưng rằng nếu chú có làm sao thì bố càng được chia tài sản nhiều hơn.

Tôi sống cùng ba mẹ và ông bà nội ở vùng ngoại ô thành phố. Ở với nhà tôi còn có người chú là em trai của bố chưa vợ con gì cả. Gia đình tôi tuy đông người nhưng ít khi có tiếng cười trong nhà.

Mẹ tôi làm giáo viên cho một trường trung học trong thành phố, bố là viên chức nhà nước, công việc của hai người đều bận rộn nên buổi trưa không về, còn chú tôi năm nay đã gần 30 mà vẫn chưa lập gia đình, chú bảo chưa muốn cưới vì công ăn việc làm của chú vẫn chưa ổn định, chú còn tính rằng phải có tiền mới lấy được vợ để sau nay hai vợ chồng chú sẽ ra ở riêng.

Chú xin được làm vệ sĩ trong một nhà hàng gần nhà nhưng trưa cũng chẳng về ăn cơm, tôi thì phải đi học đến chiều mới về nên buổi trưa chỉ có ông bà nội ở nhà. Nhưng cuộc sống gia đình tôi đã không còn như trước khi thành phố có dự án mở đường qua khu vực nhà tôi đang ở.

Những khu đất, ruộng vườn trước đây của ông bà nội được người ta trả giá mua rất cao. Ông bà nội tôi cũng đã già, nay lại bán đất được một số tiền lớn, nên ông bà có ý định để hết lại cho các con.

Ông bà tính rằng bố tôi đã lập gia đình, nhà tôi có ba người nên ông bà cho phần hơn nhưng nhất định chú tôi không chịu. Chú khăng khăng rằng chú chưa cưới vợ, lại không có tiền trong tay, trong khi bố mẹ tôi đều đã công ăn việc làm đàng hoàng, có thể sống ổn mà không cần số tiền đó.

Chú nhất định đòi ông bà nội tôi phải để lại hết số tiền bán đất của ông bà cho chú. Nghe chuyện đó mẹ tôi không nói gì bởi mẹ tôi vốn là người ít nói, mẹ lại luôn cho rằng mình làm dâu nên phải giữ kẽ, không dám đưa ra ý kiến của bản thân.

Nhưng bố tôi thì khác, bố là người nóng tính, lại cho rằng bố làm con trưởng nên phải có phần hơn.

Trong khi bố tôi muốn ông bà nội chia tài sản cho cả bố và chú, miễn sao bố là phần hơn thì chú lại nhất định đòi ông bà phải để lại hết tiền cho chú, chú còn cho rằng ông bà nội coi thường chú, thiên vị bố tôi. Nói qua nói lại một hồi, bố tôi và chú tôi không ai chịu ai, ai cũng đòi phần hơn về mình thành ra cả hai người to tiếng, rồi cãi nhau ngay trước mặt ông bà nội.

Thấy ông thở dài và giọt nước mắt chảy trên gò mà bà nội tôi thì tôi chạy ra can bố lại, nhận ra điều đó nên chú tôi cũng ngừng lại, không biết cậu bỏ đi đâu suốt 2 ngày liền mới về. Được một thời gian gia đình lại yên ổn, nói là yên ổn nhưng bố tôi và cậu cũng tránh mặt nhau, nếu không muốn nói là chẳng thèm gặp.

Cách đây một tuần thì chú tôi bị tai nạn xe máy, biết tin thì bà nội ngất xỉu, mẹ tôi bảo tôi gọi điện báo cho bố biết rồi ở nhà với bà để mẹ và ông nội chạy vào viện xem chú thế nào.

Tôi gọi cho bố, ngỡ rằng bố sẽ hoảng hốt thu xếp công việc chạy về, thì thay vào đó là câu nói dửng dưng rằng nếu chú có làm sao thì bố càng được chia tài sản nhiều hơn.

Tôi thật sự sốc khi nghe câu nói đó từ chính miệng bố đẻ tôi, chẳng lẽ chỉ vì đồng tiền, vì tài sản ông bà nội để lại, vì muốn được phần hơn mà bố tôi đối xử với em ruột của mình như người dưng vậy sao? Tôi thật buồn và thất vọng vì bố, tôi biết phải làm gì đây? 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.