Trẻ ngộ độc vì thuốc nhỏ mũi

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Đừng vì quá sốt ruột khi thấy bé con bị nghẹt mũi mà các bậc làm cha mẹ “liều mình” cho con dùng thuốc chữa ngạt mũi đang có sẵn trong nhà của người lớn.

Bạ đâu dùng đấy

Bé Triền An (Tp. HCM), mới 5 tháng tuổi bị nghẹt mũi không bú được và khó ngủ. Xót con, mẹ cháu lấy thuốc trị nghẹt mũi có sẵn trong nhà để nhỏ. Nhưng khoảng hơn 2 tiếng sau, chân tay cháu bỗng lạnh ngắt, môi tím tái, người lừ đừ phải đưa đi cấp cứu.

Tại Bệnh viện Nhi đồng I, bác sĩ cho biết, bé bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazoline. Đây là thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở Việt Nam hiện nay với tên biệt dược là Rhinex 0,05%, Nasoline 0,05% vốn có chống chỉ định với trẻ em dưới 7 tuổi. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít phụ huynh tự ý dùng thuốc nhỏ mũi loại này cho trẻ mà không biết chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây ngộ độc rồi.

Mũi không chỉ là đường lưu thông không khí mà còn có thể lọc sạch, làm ấm và làm ẩm không khí. Do đó, nếu hốc mũi bị tắc do viêm nhiễm, trẻ phải thở bằng miệng thì không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm và ẩm nên rất dễ gây viêm họng và viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi. Trẻ sẽ ấm ức, quấy khóc, không chịu ngủ khiến người lớn lo lắng, và nhiều người vì quá sốt ruột cộng với thiếu hiểu biết nên vô tình làm cho bệnh tình trẻ nặng hơn.

Cần tìm hiểu nguyên nhân

Trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch sau 30 phút đến 2 giờ sử dụng. Các biểu hiện cho thấy trẻ bị ngộ độc là vã mồ hôi, tay chân lạnh, nhanh chóng rơi vào trạng thái lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều. Những triệu chứng trên có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để tránh những tai biến đáng tiếc trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý: cần xác định được nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ (có thể là: viêm mũi cấp, viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi teo, lệch vách ngăn, khối u trong mũi, chấn thương…). Tùy từng nguyên nhân sẽ có phương pháp giải quyết khác nhau. Cha mẹ nên biết những loại thuốc mà trẻ có thể dùng như sau:

- Natriclorid (efticol): là dung dịch nhỏ mũi chứa 0,9% natriclorid. Cơ chế tác dụng rất đơn giản là nước muối gây co niêm mạc mũi, co mạch, làm thông thoáng mũi. Vì là dung dịch có nồng độ natriclorid bằng với nồng độ sinh lý (0,9%) nên không gây rát niêm mạc. Có thể dùng cho trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Mỗi ngày có thể dùng 3- 4 lần, mỗi lần 2-3 giọt cho mỗi bên mũi .

- Ephedrin: Trên thị trường có loại thuốc nhỏ mũi 3% dùng cho người lớn và loại nhỏ mũi 1% dùng cho trẻ em. Khi dùng cần phân biệt để tránh nhầm lẫn. Tuy nhiên khi dùng cho trẻ em loại ephedrin 1% cũng chỉ dùng khi thật cần thiết. Không dùng quá 8 ngày.

Lưu ý:

- Không nên cho trẻ em xoa vào mũi hay ngửi, xịt các loại có chứa menthol hay tinh dầu bạc hà vì menthol hay tinh dầu bạc hà gây ức chế tuần hoàn hô hấp dẫn đến ngừng tim, ngừng thở.

- Các chuyên gia y tế Mỹ vừa khuyến cáo tới các bậc cha mẹ và các bác sĩ rằng thuốc kháng histamine Phenergan (dạng viên nén, viên đạn, dạng nước, dạng thuốc ống chích) bị chống chỉ định đối với trẻ dưới 2 tuổi. Lý do vì thuốc này gây ra các tác dụng phụ như trẻ hay buồn ngủ, uể oải, huyết áp thay đổi và dị ứng da, và nghiêm trọng hơn là nó rất có hại cho hô hấp của trẻ và có thể dẫn đến tử vong.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG