Trị mụn bằng thuốc gia truyền: Mụn nổi nhiều hơn

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Lo lắng tác dụng phụ của thuốc Tây y trị mụn, nhiều người tìm đến dạng thuốc được quảng cáo là gia truyền. Nhưng chưa chắc sự an toàn đã đến với họ

Được tin vì có mác gia truyền

Chị Thanh Hòa (nhân viên PR của một công ty truyền thông tại Hà Nội) cũng đã mất 2 tháng không dám đi gặp khách hàng sau khi sử dụng “rượu dân tộc trị mụn”. Theo giới thiệu, đây là rượu ngâm cây mật gấu. Người bán quảng cáo: Rễ cây mật gấu khi ngâm cùng 1/4 lít rượu gạo nguyên chất tạo thành một chất bôi lên da mặt có tác dụng “siêu tổng hợp”: vừa trị mụn bọc vừa trị nám da, lang ben, làm se khít lỗ chân lông… Và bất cứ ai cũng đều có thể sử dụng loại rượu làm đẹp da này, không phân biệt triệu chứng.

Tuy nhiên, sau một tuần bôi loại rượu này lên da mặt, chị Thanh Hòa phát hoảng khi da bắt đầu sưng tấy lên, đỏ bỏng rồi nám đen lại. “Da mặt mình không chỉ sưng lên mà còn tróc vảy, xót và đau đớn. Liên hệ với người bán thì họ bình thản bảo đó là biểu hiện bình thường khi dùng thuốc. Nhưng mình sợ không dám dùng tiếp”, chị Hòa cho biết.

Tương tự, với công việc văn phòng của mình, chị Mai Hoa ở Q7. Tp.HCM thường xuyên vào các trang mạng xã hội, mua hàng online. Một lần tình cờ chị biết có người bán “thuốc gia truyền” trị mụn nên chị đã mua. Theo lời người bán thì đây là thuốc gia truyền, nguồn gốc Đông y 100%, không hóa chất, không hại. Cũng theo những lời giới thiệu này thì những người ít mụn sẽ khỏi trong một tuần, người nhiều mụn thì sau 3 tuần là khỏi.

Những loại thuốc được giới thiệu là gia truyền này đang được bán rất nhiều trên các trang raovat, facbook… Nhiều người bán không chỉ cung cấp rượu rễ cây thành phẩm mà còn bán cả rễ cây để khách về ngâm rượu với giá 50.000-80.000 đồng/bịch rễ cây và 90.000-150.000 đồng/chai rượu rễ cây 250ml.

Tuyệt đối không bôi rượu lên da

Trao đổi với Sức khỏe Gia đình, BS. Huỳnh Huy Hoàng, Hội da liễu Tp.HCM, khuyến cáo: Chị em không nên sử dụng những loại kem hay thuốc có tên gọi là đặc trị mụn, các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần thuốc.

Bác sĩ Hoàng đưa quan điểm: “Trong Y học cổ truyền cũng có rất nhiều bài thuốc trị mụn, trị nám, làm đẹp da nhưng chủ yếu là giải quyết tận gốc bằng cách thanh lọc độc tố từ bên trong cơ thể chứ không phải điều trị triệu chứng bên ngoài. Dùng thuốc bôi để lột lớp da bên ngoài là rất phản khoa học”.

Trên thực tế, có rất nhiều người bán thuốc Đông y treo biển “thuốc gia truyền”. Nhưng nếu các bài thuốc này chưa được các cơ sở y tế kiểm chứng, chứng nhận thì chúng vẫn chỉ là gia truyền “miệng” chưa đáng để tin cậy, chưa được phép lưu truyền. Nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn lầm lẫn rằng thuốc gia truyền nào cũng là tốt.

Tương tự, TS.BS Ngô Hồng Phong - Chuyên ngành Da Liễu - Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) khẳng định: “Đến nay, y học chưa thấy có nghiên cứu nào về công dụng làm đẹp da của rễ cây mật gấu như đồn thổi. Vì vậy, chị em không nên sử dụng bất kể loại rượu thuốc nào lên trên da và nhất là các vùng da mỏng, nhạy cảm của cơ thể như da mặt”.

Theo TS.BS Ngô Hồng Phong, rượu hay cồn đều một hợp chất hữu cơ, nằm trong dãy đồng đẳng của rượu metylic, dễ cháy, không màu. Trong y học, người ta sử dụng cồn để sát khuẩn trước khi tiêm, trước thủ thuật, phẫu thuật chứ không bao giờ sử dụng cồn để thoa bôi lên mặt. Rượu có độ cồn nếu nhẹ cũng làm da bong tróc vì làm mất độ ẩm của da, nếu độ cồn cao thì gây bỏng rát, khó chịu cho da mặt. Một số người dùng rượu thuốc thoa bôi lên mặt mà chưa có hiện tượng gì chưa phải đã tốt, vì có thể vài tuần sau đó rất có thể sẽ bị bỏng rát, kích ứng, thậm chí mụn nhiều hơn cả lúc trước khi dùng rượu thuốc.

Nhiều người thường xuyên bôi thuốc này thuốc kia để tẩy da chết để giảm mụn nhưng theo bác sĩ Phong đây cũng là cách không tốt. Về sinh lý thông thường thì 24-28 ngày, lớp sừng trên cùng của da sẽ bong đi và được thay thế bằng một lớp sừng mới. Như vậy, nếu tẩy tế bào chết quá thường xuyên sẽ khiến da trở nên mỏng hơn vì liên tục mất đi lớp sừng mới hình thành. Khi da bị mỏng thì rất dễ tổn thương, bắt nắng, dễ bị ung thư da.

Lành dữ khó lường khi dùng thuốc trị mụn da truyền

Nhiều người nghĩ rằng thuốc từ cây cỏ rất lành, bôi lên không khỏi cũng không sao. Nhưng thực tế không phải vậy.

Trong Đông y, ranh giới giữa cây độc và cây thuốc khá mong manh, bởi vì nhiều cây có chất độc được dùng làm thuốc, nhiều cây có dược tính tốt lại gây hại... Độc tính của chúng phụ thuộc vào cách chế biến, cách sử dụng.

Nếu chế biến đúng, sử dụng đúng bệnh và đúng liều lượng thì đó là thuốc; ngược lại, nếu chế biến không đúng cách, dùng không đúng bệnh, hoặc quá liều thì sẽ gây tác dụng phụ, nếu uống có thể gây ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.

Hơn nữa, có thể loại thuốc này hợp với người này song lại không hợp với cơ địa của người khác. Bởi vậy việc điều trị mụn bằng các loại thảo dược trong Đông y cũng phải cẩn thận và có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Những người bán hàng này cũng thường khẳng định rằng thuốc trị mụn cấp tốc. Nhưng việc trị mụn cần trị từ gốc và kéo dài nên người tiêu dùng chớ lạm dụng những loại được cho tác dụng siêu tốc.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG