Đằng sau những ca triệt sản. Bài 2:

Triệt… thay cho vợ

Bác sĩ tư vấn các biện pháp tránh thai cho người dân tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần
Bác sĩ tư vấn các biện pháp tránh thai cho người dân tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần
TP - Triệt sản nam vốn không nhiều bằng nữ, bởi nhiệm vụ nối dõi nặng nề, điều ra tiếng vào và cả sự hiểu biết hạn hẹp khiến họ không dám thực hiện. Nhưng cũng có những ông chồng chẳng cần ai phải vận động, chẳng vì bất cứ áp lực gì, họ tự nguyện đi triệt sản để chia sẻ với người phụ nữ của đời mình. Anh N.T.L (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một trong những trường hợp hiếm như thế. 

“Ðể anh!”

Trước lúc bấm số để gọi cho anh, tôi đoán chắc sẽ bị từ chối vì mình chạm tới chuyện thầm kín của người ta, vậy mà đầu dây bên kia “ừ, em cứ xuống đây, sau giờ làm việc” với một thái độ quá chừng cởi mở. Anh L trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 37 của mình. Dáng người thấp nhỏ, da ngăm ngăm lộ ra vẻ lanh lợi, hiểu đời. Tôi nói rất mừng vì anh đồng ý cuộc gặp này, anh liền xua tay: “Theo chị thì vì sao phải tránh? Đây là can thiệp của y học trên tinh thần tự nguyện của mình mà!”.

Triệt sản nam là hình thức can thiệp bằng cách thắt ống dẫn tinh chặn đường đi của tinh trùng từ túi tinh đi vào bộ phận sinh dục nữ. Cũng như ở nữ, triệt sản nam không có tác động về mặt thần kinh, nội tiết, cũng không ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Sau triệt sản nam nên kiêng cữ giao hợp trong 72 tiếng đồng hồ và dùng bao cao su dự phòng cho 20 lần xuất tinh đầu tiên do tinh trùng tồn đọng ở đoạn còn lại. 

Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của chị L.T.T (33 tuổi), vợ anh. Sinh cháu thứ nhất vào năm 2012, hai vợ chồng dự định đợi con thật lớn mới sinh. Bốn năm sau, bị “lỡ”, chị mang bầu sinh thêm một cháu nữa. Chị T thở dài kêu hai đứa con nhỏ dại, trong khi công việc ngập đầu, cũng chẳng thể nhờ nội ngoại khiến cuộc sống rối nhùi lên. Chị tiếp lời: “Cháu được 10 tháng tôi kế hoạch bằng việc tiêm thuốc tránh thai, đến 21 tháng thì đứt thuốc, phải chuyển sang uống. Khổ cái bữa nhớ bữa quên, uống vô mệt người. Tôi tính tới chuyện đi đặt vòng, ngặt nỗi “món này” cũng rắc rối chẳng kém, sức khỏe tôi lại không đảm bảo nữa…”.

Triệt… thay cho vợ ảnh 1 Chị chị L.T.T (33 tuổi) hạnh phúc khi được chồng sẻ chia bằng việc tình nguyện đi triệt sản. Trong ảnh: Chị T với giấy chứng nhận đình sản của chồng
Ảnh: Thanh Trần 

Hai vợ chồng đưa nhau lên Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản để nghe lời khuyên từ bác sĩ. Hầu như biện pháp nào cũng ảnh hưởng tới vợ, chỉ còn cách triệt sản. “Trưa ấy về nhà, ảnh nói với tui rằng nếu triệt sản thì để anh, anh muốn chia sẻ với vợ”, chị T vừa kể vừa hướng đôi mắt đầy thương yêu sang chồng. “Tôi cũng đâu có ngờ ảnh quyết cái đùng vậy, tưởng đâu triệt là “cắt phăng” cả, không thì cũng… cắt ít nhiều gì đó, nhưng ảnh bảo mẹ hiểu sai rồi. Ảnh giải thích rõ ràng, còn trấn an tôi chẳng ảnh hưởng gì về sau cả. Thiệt nể chồng mình luôn!”, chị T chẳng tiếc lời khen chồng.

Nghe vợ nhắc chuyện cũ, anh L không nhịn được cười, bảo không chỉ bà xã mà còn rất nhiều người lầm tưởng về triệt sản. “Nếu mình chịu khó tìm hiểu thì triệt sản chẳng hề đáng lo, đáng xấu hổ. Người ta dùng bao cao su, uống thuốc, tiêm thuốc, thì vợ chồng tui chọn cách triệt thôi, cái nào cũng là biện pháp hết mà. Tôi tình nguyện triệt vì đơn giản muốn chia sẻ với vợ mình. Đàn ông cũng phải có trách nhiệm trong chuyện… gối chăn này nữa chứ!”, anh nói cứng.

Một ngày đầu tháng 8 vừa rồi, hai vợ chồng đưa nhau đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố tiến hành triệt sản cho anh.

Chỉ xấu hổ khi không hiểu biết

Căn nhà khá khang trang nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Hải Phòng của đôi vợ chồng lúc nào cũng có tiếng dạ thưa, hỏi bài của mấy cô cậu học trò tới ôn luyện. Đều tốt nghiệp hai trường đại học lớn, anh chị không theo nghề giáo nhưng vẫn dạy thêm cho học trò xung quanh. Mân mê tờ giấy chứng nhận triệt sản của chồng trên tay, chị T giải bày nếu đẻ thêm một, hai đứa nữa anh chị vẫn đủ khả năng kinh tế để nuôi. Tuy nhiên hai vợ chồng muốn dành những điều tốt hơn nữa cho con chứ không chỉ dừng lại ở mức đủ cơm ăn, áo mặc, và được đến trường. Chỉ hai con sẽ có nhiều thời gian chăm sóc hơn, sau này còn tính đến chuyện cho đi du học nữa.

“Trước lúc quyết định phẫu thuật, nhân viên tư vấn, bác sĩ hỏi đi hỏi lại đã cân nhắc kỹ càng chưa làm tôi bỗng lo. Bởi mình có hai đứa con, chẳng biết ngày mai thế nào, không sinh được nữa thì ân hận cả đời… Đang rối bời vậy đó, mà nhìn qua ảnh, thấy ảnh rất bình thản, dứt dạc kêu hai đứa được rồi nên tui cũng an lòng”, chị T thủ thỉ. Vẫn với khuôn mặt đầy lạc quan, anh L chia sẻ thêm đây là quyết định của hai vợ chồng, không hề hỏi ý kiến của người thân, bạn bè. Vì “mình độc lập suy nghĩ, độc lập tài chính, thì phải quyết định hành vi một cách độc lập” chứ không để ai khác quyết thay mình được.

Vậy cuộc sống sau khi triệt sản của anh thế nào? “Bình thường!”, anh đáp gọn tưng. Mấy bữa đầu, anh làm theo đúng lời dặn của bác sĩ, phải “kiêng” chuyện gối chăn, dùng bao cao su trong 20 lần quan hệ đầu tiên. Sau đó thì…thả cửa. “Không hề đau đớn, tâm sinh lý chả đổi khác gì. Sinh hoạt vợ chồng tui vẫn đều như hột bắp. Bà xã còn mừng vì sau này lỡ tui “đi bậy” cũng chằng thèm lo con rơi nữa kìa”, anh tếu táo.

Chị T ngồi bên góp thêm vào, mấy ông hàng xóm biết chuyện anh L đi triệt sản cuộc nhậu nào cũng lôi anh ra, có người đụng mặt còn chọc thằng L “ái ái”, thằng L “thái giám”, thằng L mà “không phải thằng”... Anh hài hước: “Tui biết sẽ đối mặt với mấy chuyện này, có gì mà phải lăn tăn. Họ không hiểu biết mới đáng xấu hổ. Còn tui vẫn là đàn ông, vợ tui biết nè!”.

(Còn nữa)

Theo thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng, năm 2016 có 175 ca triệt sản, năm 2017 có 149 ca, 9 tháng đầu năm 2018 91 ca. Số lượng ca triệt sản nam có chiều hướng tăng cao. Năm ngoái, toàn thành phố có 3 ca, trong 9 tháng đầu năm nay đã có tới 9 ca.

MỚI - NÓNG