Trông mặt, bắt khả năng yêu

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Quan niệm xưa cho rằng: chỉ cần nhìn số lượng lông nhiều, ít trên cơ thể của một người là có thể đoán được khả năng “yêu” của người đó. Khoa học giải thích vấn đề này như thế nào?

Bạn T.M (27 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) tâm sự: “Không hiểu sao mình là con gái nhưng cơ thể mọc nhiều lông hơn so với các bạn cùng giới khác, đặc biệt là lông mặt và ria mép. Chúng không chỉ gây bất tiện về mặt thẩm mỹ mà còn khiến mình rất e ngại bởi nhiều người, đặc biệt là người lớn thường hay nói rằng nhiều lông như mình thường có nhu cầu tình dục cao. Mỗi lần thấy mọi người thầm thì như vậy, mình rất khó chịu. Chẳng nhẽ chỉ nhìn lông trên cơ thể có thể phán đoán chuyện tế nhị đó”.

Trái ngược hoàn toàn với bạn M., anh N.D.D (Hà Đông, Hà Nội) lại khá nhẵn nhụi. Tay và chân anh trắng, hầu như không có lông, thậm chí lông nách cũng không có. Nhìn anh, nhiều người lại phán đoán anh bị yếu sinh lý, thậm chí tính cách như đàn bà. Điều này khiến anh D. rất bực tức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đàn ông nhiều lông giỏi “chuyện ấy”?

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: Ở đàn ông, lông xuất hiện rõ ở các vị trí như cẳng chân, cẳng tay, ngực, cằm và mép do gia tăng lượng nội tiết tố sinh dục androgen (thành phần chính của androgen là testosterone). Trong đó, hormone dihydrotestosterone - một sản phẩm chuyển hóa của testosterone chiếm vị trí rất quan trọng.

Thông thường, khi bước vào tuổi dậy thì, lượng testosterone tăng cao dẫn đến sản phẩm chuyển hóa là dihydrotestosterone cũng tăng. Dihydrotestosterone có tác dụng kích thích các nang lông nở to ra và biến lông tơ (vellus hair) đã sẵn có ở những vị trí trên trở nên đậm màu, dài, cứng và to hơn nên gọi là “lông rậm” (terminal hair). Ngoài ra, yếu tố về gen, di truyền, chủng tộc cũng chi phối rất nhiều đến vùng da nhạy cảm với androgen, màu sắc lông cũng như tính chất của nó.

Bác sĩ Hưng cho biết, khi cơ thể xuất hiện “lông rậm” có nghĩa là nồng độ testosterone nói chung hay dihydrotestosteron nói riêng đã đủ lớn để có thể kích hoạt lông phát triển. Nếu cơ thể không duy trì được đủ lượng hormone này lông rậm sẽ thưa dần, mềm mỏng dần, dễ rụng thậm chí sẽ trở nên “nhẵn nhụi”. Nồng độ testosterone cao trong máu ngoài việc có vai trò kích hoạt và duy trì lông rậm, còn có vai trò làm tăng khả năng, ham muốn tình dục của nam giới.

“Với những đàn ông ít lông, hay những người nhẵn nhụi như phụ nữ, có thể họ có thiếu hụt testosterone thực sự, song cũng có thể những nang lông ở vị trí trên không nhạy cảm với testosterone nên không phát triển. Do đó, không thể quy kết những người “mày râu nhẵn nhụi” là yếu sinh lý được. Việc mọc lông rậm ở đàn ông có liên quan trực tiếp đến testosterone. Testosterone lại giúp tăng khả năng tình dục của quý ông, song lông rậm chỉ là đặc tính sinh dục phụ, tô điểm cho vẻ nam tính bề ngoài chứ không phải là tiêu chí để ước định chuyện “yêu” của họ tốt hay không. Ham muốn tình dục nhiều hay ít, chuyện yêu của họ tốt hay không tốt, khó đánh giá qua màu sắc và độ dày lông mọc trên cơ thể”, bác sĩ Hưng khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, hiện tại chưa có thước đo cũng như chưa có bất cứ tiêu chí cụ thể để có thể đánh giá năng lực tình dục của một con người nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài. Khả năng đó của một cá nhân phụ thuộc rất nhiều ở yếu tố sức khỏe nói chung, các yếu tố văn hóa, giáo dục, hoàn cảnh, môi trường sống...

Nữ giới mọc nhiều lông có thể là bệnh

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, ở nữ giới, nồng độ androgen luôn thấp nên lông tơ ở các vị trí nhạy cảm với androgen như cẳng chân, cẳng tay, ngực, cằm, mép… không có cơ hội phát triển. Do đó, chúng luôn mịn, mảnh và sáng màu, nhìn ngoài rất khó phát hiện.

Trong một số trường hợp bệnh lý, cơ thể phụ nữ có thể bị gia tăng bất thường lượng androgen trong thời gian dài. Điều này sẽ làm cho các lông tơ ở vị trí trên phát triển tạo thành lông rậm. Biểu hiện bệnh lý thường gặp nhất của phụ nữ liên quan đến gia tăng androgen là hội chứng buồng trứng đa nang. Về ý kiến nói rằng rậm lông ở phụ nữ là biểu hiện của ham muốn cao, bác sĩ Hưng khăng định không có cơ sở để kết luận.

Trong khi đàn ông có nhiều lông rậm sẽ tăng vẻ nam tính, việc phụ nữ có nhiều lông rậm lại làm cho họ mất vẻ nữ tính và trở thành rào cản với đời sống tình dục vì họ thường mặc cảm, mất tự tin. Do đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo những chị em có lông rậm hơn mức bình thường (lông tay, chân đậm, có ria mép, mọc lông khắp người,…) nên đi kiểm tra sớm nội tiết để phát hiện kịp thời các rối loạn, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này. Với đàn ông, nếu vẫn “nhẵn nhụi” khi đã qua tuổi dậy thì cũng nên đi khám sớm.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG