'Trục lợi' Quỹ Bảo hiểm Y tế: Lạm dụng kỹ thuật, thuốc đắt tiền

TP - Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện (BV) cho thấy, hầu như ở đâu cũng có tình trạng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật tràn lan, thậm chí không theo bệnh. Cùng đó, nhiều bác sĩ kê thuốc đắt tiền, điều này cũng bộc lộ những bất cập trong đấu thầu thuốc thời gian qua.

Đau lưng nhưng trị ở chân

Tại BV Y học Cổ truyền Nghệ An, trong chi phí khám, chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017, BV này có tiền thuốc khá lớn. Trong đó, riêng tiền thanh toán cho “thuốc tự bạo chế” lên tới hơn 1,2 tỷ đồng (chiếm 45% chi phí thuốc của BV)… Tuy nhiên, theo Bảo hiểm Xã hội Nghệ An, cơ sở pháp lý của việc dùng thuốc tự bào chế tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Chi phí đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho BV Y học Cổ truyền Nghệ An tăng cao trong năm 2016, 2017 được cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ ra do BV này có nhiều vấn đề trong dùng thuốc, thủ thuật khám, chữa bệnh. Điển hình, BV dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng chức năng, như thuốc giảm đau, giãn cơ Diclophenac, Mydocalm dùng cùng Tam tý ẩm, Phong tê thấp, Thông kiên ẩm, kết hợp với điện châm, điện xung, thủy châm để giảm đau, giãn cơ… đều do BHYT chi trả. Trên 1 bệnh nhân chỉ định đồng thời nhiều kỹ thuật cùng cơ chế tác dụng để thanh toán BHYT; chỉ định kỹ thuật ô xi cao áp không đúng quy định của Bộ Y tế; bệnh nhân bị tăng huyết áp lại được chỉ định xét nghiệm mỡ máu không ghi lý do; đau lưng chỉ định cả các thủ thuật ở chân; không ghi triệu chứng bệnh nhưng vẫn chỉ định thủ thuật và kê thuốc. Thậm chí, có trường hợp bác sĩ chỉ định điều trị nội trú 7 ngày nhưng ghi hồ sơ bệnh án lên tới 10 ngày và kê thanh toán BHYT 10 ngày; thời gian chỉ định chữa trị cách thời gian điều trị hơn 1 tuần; một số loại thuốc BV thường sử dụng có giá đắt gấp đôi các thuốc khác cùng tác dụng. Thậm chí một số bác sĩ tại BV chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn tham gia thực hiện khám, chữa bệnh và kê khai thanh toán BHYT…

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc BV Y học Cổ truyền Nghệ An cho hay, việc kê khai hồ sơ bệnh án và đề nghị thanh toán BHYT có sai sót sẽ cho kiểm tra lại. “Có thể do bác sĩ nhầm lẫn ghi bệnh án”, bà Hải nói. Về sử dụng nhiều loại thuốc giá cao, lãnh đạo BV cho rằng, do liên quan tới đấu thầu thuốc của Sở Y tế chỉ có những loại thuốc đó, nên BV phải dùng - đây cũng là phản ánh của không ít BV thời gian qua.

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quý I/2017, BV Y học Cổ truyền Nghệ An đề nghị thanh toán 6 tỷ đồng, quý 2 tăng lên 12 tỷ đồng. Số ngày điều trị bình quân của 1 bệnh nhân tại BV là 19 ngày, chi phí thanh toán BHYT hết 8,2 triệu đồng. Trong khi BV tương tự của TPHCM có số ngày điều trị 18 ngày, nhưng chi phí chỉ hết 5,5 triệu đồng. Điều tương tự cũng xảy ra ở hầu khắp các BV y học cổ truyền và phục hồi chức năng trên cả nước.

Tận nghe “chuyện như đùa”

Còn tại BV Đa khoa TPV (Nghệ An), do đã tự chủ về tài chính, nên BV khá mạnh tay trong xã hội hóa, liên kết đặt máy hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Nhờ đó, BV thu hút rất đông bệnh nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến (đặc biệt từ năm 2016 khi chính sách thông tuyến huyện bằng BHYT được áp dụng). Tới đây, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người dân xếp hàng để khám, chữa bệnh tại các khoa không khác gì hình ảnh thường thấy tại Bệnh viện Bạch Mai, hay Việt Đức (Hà Nội). Do đó, chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT của BV này cũng tăng mạnh.

Theo BHXH Nghệ An, có ngày BV TPV tiếp nhận hơn 600 người tới khám. Qua rà soát, BHXH Nghệ An đề nghị không thanh toán hàng loạt chi phí liên quan tới khám chữa bệnh tại BV này do thực hiện sai quy định, như: Chỉ định nội soi tai-mũi-họng cho hầu hết (60%) bệnh nhi vào viện bất kể mắc bệnh gì; bác sĩ đi học vẫn kê khai khám chữa bệnh thường xuyên tại viện. Đặc biệt, việc kê đơn thuốc vượt số lượng so với chỉ định của nhà sản xuất diễn ra phổ biến, như thuốc Rezoclav - nhà sản xuất chỉ định liều dùng 3 viên 1 ngày và chỉ dùng không quá 5 ngày, nhưng bác sĩ kê 4 viên 1 ngày và dùng nhiều hơn 5 ngày. Một số thuốc kháng sinh nhà sản xuất lưu ý dùng 2 viên/ngày bác sĩ lại kê 3 viên/ngày. Riêng tiền giường BV đã chi vượt định mức 2,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017…

Kiểm tra hồ sơ lưu của BV trên, cơ quan quản lý Quỹ BHYT phát hiện, bác sĩ được thống kê làm các dịch vụ kỹ thuật với số lượng lớn. Như ở phòng siêu âm, có 5 bác sĩ đều thực hiện bình quân 100 ca/ngày, thậm chí có bác sĩ được kê thực hiện hơn 157 ca siêu âm/ngày; Điện não đồ cũng thực hiện tới 2.800 lượt/quý (trung bình 30 ca/ngày/máy)… Lãnh đạo BV thừa nhận, mỗi ngày, một bác sĩ siêu âm được tối đa khoảng 50 ca, thống kê nhiều như trên có thể do… ghi nhầm. Về dùng thuốc quá chỉ định, có thể do bác sĩ “quen tay” kê 4 viên chia 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 viên, nên vượt so với chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Không chỉ chỉ định cho bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm, bác sĩ BV Đa khoa huyện Gia Lộc (Hải Dương) còn dùng sai xét nghiệm so với chẩn đoán bệnh. Như có bệnh nhân tiểu đường vào nằm viện 8 ngày được chỉ định 18 lần xét nghiệm chẩn đoán mạch; bác sĩ còn chỉ định thuốc điều trị đột quỵ, phẫu thuật sọ não cho bệnh nhân viêm phổi, viêm phế quản, cột sống… Bác sĩ cũng kê nhiều loại thuốc đắt tiền, trong khi các loại thuốc rẻ hơn cùng tác dụng ít được dùng tới, như thường dùng thuốc viên dạng bào chế thay cho viên nén thông thường khiến chi phí thuốc tăng gấp đôi…

Khi cơ quan quản lý BHYT phát hiện các BV chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, như nội soi tai-mũi-họng, nên từ chối thanh toán, không ít BV vẫn thực hiện nhưng “miễn phí” cho bệnh nhân, và xem đó như phần “khuyến mại” khi tới BV.

(Còn nữa)

Để kéo giảm giá thuốc trong bệnh viện, mới đây BHXH Việt Nam đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung năm 2018 với 5 hoạt chất. Qua đấu thầu, tổng giá trị 20 mặt hàng thuốc trúng thầu là hơn 935 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương đương giảm hơn 251 tỷ đồng. Trong đó, biệt dược gốc giá giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3 - 42,8%, cá biệt có mặt hàng thuốc giá giảm tới 54,7%...

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.