Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
TPO - Bộ Y tế và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: "Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở", tại hai đầu cầu Hà Nội và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Tọa đàm y tế 24/10

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

24/10/2018 15:14

Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở ảnh 1 Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chủ trì buổi giao lưu

24/10/2018 15:17

Việc cử luân phiên bác sĩ tuyến huyện xuống trạm y tế xã khám chữa bệnh cho người dân, ngược lại bác sĩ trạm y tế xã lên tuyến huyện để nâng cao tay nghề được thực hiện như thế nào?

Trả lời của Bác sỹ Lê Nhật Thành – Giám đốc TTYT Dự phòng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh):

- Hàng năm TTYT Dự phòng huyện Hương Sơn phối hợp với Bệnh viện ĐK huyện Hương Sơn xây dựng kế hoạch cử bác sỹ tuyến huyện xuống trạm y tế xã/thị trấn để khám, chữa bệnh, “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ viên chức trạm y tế theo đề án 1816.

Đồng thời, cử các bác sỹ đang làm việc tại trạm y tế lên bệnh viện huyện để tham gia học tập chuyên môn nâng cao kỹ năng tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. - Đối với những trạm y tế xa bệnh viện thì cử xuống làm việc 1 tuần/tháng; đối với những trạm gần bệnh viện thì cử theo từng đợt và từng chuyên khoa khi người dân có nhu cầu.

- Đối với bác sỹ trạm y tế lên tuyến huyện để nâng cao tay nghề thì 2 đơn vị phối hợp triểu khai một số hoạt động như: Phân bác sỹ tại trạm y tế trực kèm với bác sỹ tại bệnh viện; cử bác sỹ tại trạm lên làm việc và học tập tại Bệnh viên đa khoa theo từng tháng.

24/10/2018 15:19

Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở ảnh 2
  1. Bác sĩ Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh)

24/10/2018 15:28

Hiện nay y tế cơ sở đang thiếu rất nhiều, thiếu cả về cơ chế chính sách và chính cơ chế chính sách đó làm cho người dân không muốn đến các trạm y tế xã. Lỡ may bị biến cố sức khỏe, không ai liều mạng đến đây chữa bệnh, sinh đẻ. Vậy có phải Bộ Y tế phát triển y tế cơ sở liệu chỉ là "hô khẩu hiệu"?

Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) trả lời:

Y tế cơ sở đã được ngành Y tế quan tâm từ những ngày đầu thành lập ngành. Mạng lưới các trạm y tế xã, phường đã được phát triển từ rất sớm. Bên cạnh đó, y tế thôn bản cũng được phát triển đóng vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Hiện nay, các chính sách liên quan đến y tế cơ sở đã có và tương đối đầy đủ. Ví dụ, Nghị quyết 20 của TW Đảng, Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2348 của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều chương trình, kế hoạch của Bộ Y tế đang tập trung ưu tiên cho y tế cơ sở…. Một số thành tựu trong nhiều năm qua của ngành y tế như: nâng cao tuổi thọ, loại trừ một số bệnh dịch nguy hiểm, giảm tử vong trẻ em… có sự đóng góp hết sức quan trọng của y tế cơ sở.

Theo đánh giá của y tế thế giới thì Việt Nam là một trong những điểm sáng về y tế cơ sở. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự tiến bộ của ngành y tế và nhu cầu ngày càng cao của người dân thì công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được.

Đây là lý do, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang tập trung ưu tiên cho nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Đây là một chủ trương với những hành động cụ thể, thiết thực chứ không phải là hô khẩu hiệu. Ví dụ: Bộ Y tế đang triển khai đề án 26 trạm y tế xã điểm đồng thời triển khai các dự án liên quan đến phát triển nhân lực y tế (Dự án HPET)…

24/10/2018 15:29

Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở ảnh 3  Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

24/10/2018 15:32

Lĩnh vực y học cổ truyền thực sự không thu hút nhiều nhân lực như nhiều lĩnh vực khác trong ngành y tế. Ở cấp địa phương sự chênh lệch này có lẽ càng thể hiện rõ. Theo ông làm thế nào để thu hút được nhân viên y tế mặn mà hơn với y học cổ truyền và ngày càng “lôi kéo” được nhiều hơn nữa bệnh nhân đến với y học cổ truyền? Cảm ơn ông.

PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương trả lời:

Hiện nay, người dân vẫn rất mong muốn, tin tưởng được sử dụng các phương pháp y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhưng do một số yếu tố chủ quan và khách quan nên nhân lực y học cổ truyền cấp cơ sở còn thiếu.

Để khắc phục vấn đề trên, Bộ Y tế đang có dự án thu hút nhân lực cho cả y học cổ truyền và y học hiện đại ở các cơ sở y tế địa phương. Đồng thời tăng cường chính sách bảo hiểm, thanh, quyết toán cho các cơ sở y tế địa phương.

24/10/2018 15:32

Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở ảnh 4 PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

24/10/2018 15:35

Tôi không muốn đến trạm y tế khám bởi có những lúc phải làm xét nghiệm thì nhân viên y tế lại phải chuyển lên tuyến khác, còn nhiều khi đi khám mà không được xét nghiệm, chụp chiếu lại thật không yên tâm? Tại sao ngành y tế không đầu tư máy móc cho y tế cơ sở là trạm y tế?

Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) trả lời:

Vấn đề độc giả nêu cũng là một vấn đề thực tiễn cần có giải pháp khả thi và hiệu quả. Việc mỗi trạm y tế có máy xét nghiệm là điều khó khả thi vì nó liên quan đến chất lượng xét nghiệm, đầu tư thiết bị và con người.

Giải pháp cơ bản cho vấn đề này là tận dụng các xét nghiệm nhanh, áp dụng mô hình lấy mẫu và chuyển về tuyến huyện để phục vụ nhân dân. Nếu đầu tư cho mỗi trạm y tế một máy xét nghiệm thì chi phí sẽ rất lớn và không hiệu quả.

Trong trường hợp cần thiết thì chuyển mẫu xét nghiệm lên tuyến trên và trả kết quả cho người bệnh, bảo đảm người bệnh vẫn được quản lý, điều trị theo đúng chuyên môn của ngành y tế. Mặc dù không có xét nghiệm ở y tế cơ sở những chức năng của trạm y tế cơ sở vẫn có thể quản lý, điều trị được nhiều bệnh với sự hỗ trợ của trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện hoặc tuyến trên.

24/10/2018 15:42

Y học hiện đại ngày càng phát triển mạnh mẽ, y học cổ truyền có ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào điều trị cho bệnh nhân không thưa ông? Ông có thể cho một số ví dụ cụ thể không, xin cảm ơn ông!

PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

Y học cổ truyền thường phải áp dụng các kĩ thuật hiện đại để chẩn đoán bệnh như xét nghiệm máu, sinh hóa, VT, cộng hưởng từ,…
Y học cổ truyền đang phải kết hợp y học hiện đại để điều trị bệnh. Đặc biệt, với các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu cần phải kết hợp các phác đồ điều trị. 

Hiện nay hầu hết các bệnh nhân đang điều trị tại BV thường là các bệnh mãn tính, mắc từ 2-3 bệnh trở lên như xương khớp, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, tim mạch...

Bệnh nhân sẽ được điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại như: sóng ngắn, từ trường, kéo giãn cột sống, cổ, lưng. Đặc biệt đối với những bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật, điều trị tia xạ, sẽ được dùng YHCT nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị, chăm sóc giàm nhẹ, nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ. 

24/10/2018 15:45

Nhân lực cho y tế cơ sở, đặc biệt vùng sâu vùng xa không dễ. Vậy Bộ Y tế đã có chiến lược gì để phát triển nhân lực vùng sâu?

Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) trả lời:

Đây là một vấn đề khó khăn và Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Ví dụ: -Tham mưu cho chính phủ ban hành Quyết định số 14 về luân phiên, luân chuyển cán bộ nhằm hỗ trợ nhân lực cho vùng sâu, vùng xa.

-Bộ Y tế phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai đề án đưa bác sĩ giỏi về 62 huyện nghèo với mục tiêu khoảng 300 bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi về tăng cường cho 62 huyện nghèo.

-Áp dụng chế độ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ để phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt về nhân lực cho những trạm y tế cơ sở vùng sâu vùng xa.

-Áp dụng chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế làm việc ở những nơi vùng sâu vùng xa.

Về lâu dài, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về chế độ, nghĩa vụ luân phiên sau khi tốt nghiệp về các địa bàn, khu vực thiếu nhân lực. Phát triển loại hình đào tạo về bác sĩ gia đình với chất lượng chuyên môn dưới dạng đa chuyên khoa để đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn đối với các thầy thuốc làm việc ở tuyến cơ sở. Hiện tại, Bộ Y tế đang chỉ đạo các Bệnh viện TW tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các trạm y tế ở các huyện thí điểm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tạo uy tín cho y tế cơ sở, tăng sức hấp dẫn với người dân.

24/10/2018 15:47

Tại các trạm y tế xã của huyện Hương Sơn, việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân được thực hiện như thế nào? Địa phương đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin- sổ theo dõi sức khỏe trọn đời hay chưa? Nếu có thì hiệu quả ra sao?

 Trả lời của bác sỹ Lê Nhật Thành – Giám đốc TTYT Dự phòng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh):

 - Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ đạo của Sở Y tế Hà Tĩnh và của UBND huyện Hương Sơn trong việc khám và tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử. TTYT dự phòng huyện đã tham mưu thành lập ban chỉ đạo tuyến huyện, tuyến xã và ban hành các kế hoạch triển khai tới các xã, thị trấn về thực hiện khám lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đồng thời chỉ đạo các trạm y tế thực hiện theo kế hoạch của trung tâm và triển khai đồng loạt khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho người trên 40 tuổi.

- Phối hợp với tập đoàn Vietel tập huấn cài đặt phần mềm, hướng dẫn sử dụng thành thạo cho các viên chức trạm y tế; tập huấn cho 100% nhân viên y tế thôn thực hiện điều tra theo mẫu hồ sơ sức khỏe (theo quyết định 831/QĐ-BYT)

- Truyền thông về “ý nghĩa lợi ích của việc lập hồ sơ sức khỏe” trên các hệ thống thông tin đại chúng từ huyện đến xã.

- Hàng tuần cử cán bộ trung tâm giám sát các cán bộ trạm y tế về khám tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; thành lập đoàn kiểm tra giám sát, hỗ trợ các xã về công tác khám tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Đến nay, trên địa bàn toàn huyện, tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 98%. - Hiệu quả: Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân hết sức có ý nghĩa, người dân được cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật, có thể biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua mã định danh và các thông tin bảo mật khác như: điện thoại, số chứng minh thư nhân dân, mã vạch… Người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở nào thì bác sỹ cũng biết được tiền sử bệnh tật…

24/10/2018 16:14

Lĩnh vực y học cổ truyền thực sự không thu hút nhiều nhân lực như nhiều lĩnh vực khác trong ngành y tế. Ở cấp địa phương sự chênh lệch này có lẽ càng thể hiện rõ. Theo ông làm thế nào để thu hút được nhân viên y tế mặn mà hơn với y học cổ truyền và ngày càng “lôi kéo” được nhiều hơn nữa bệnh nhân đến với y học cổ truyền? Cảm ơn ông.

PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

Hiện nay, người dân vẫn rất mong muốn, tin tưởng được sử dụng các phương pháp y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhưng do một số yếu tố chủ quan và khách quan về chính sách, cơ sở hạ tầng,… nên nhân lực y học cổ truyền cấp cơ sở còn thiếu.

Bởi đặc thù của y học cổ truyền không giống như y học hiện đại là phải đến cơ sơ y tế khám và chữa bệnh, còn y học cổ truyền có thể chữa tại nhà hoặc đến cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cán bộ y học cổ truyền ở các địa phương khá khác nhau nên việc thu hút nhân lực sẽ có sự chênh lệch.

Để khắc phục vấn đề trên, Bộ Y tế đang có dự án xây dựng 26 trạm y tế điểm trong cả nước để nhân rộng trong cả nước về cơ sở hạ tầng, chính sách,… Đồng thời tăng cường chính sách bảo hiểm, thanh, quyết toán cho các cơ sở y tế địa phương để thu hút nhân lực cho cả y học cổ truyền và y học hiện đại ở các cơ sở y tế địa phương.

24/10/2018 16:17

Trung tâm Y tế huyện hương Sơn đã triển khai những hoạt động gì để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như y đức của đội ngũ nhân viên y tế từ cấp xã phường?

Bác sỹ Lê Nhật Thành – Giám đốc TTYT Dự phòng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trả lời:

Để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như y đức của đội ngũ nhân viên y tế từ cấp xã, thị trấn, TTYT Dự phòng đã triển khai các hoạt động sau: Triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên trrong cơ sở y tế và đưa vào bình xét thi đua khen thưởng theo từng tháng, quý, năm.

- Triển khai các hội thi về chuyên môn cho đội ngũ y tế xã như: hội thi tiêm chủng giỏi, hội thi trưởng trạm y tế giỏi, quy tắc ứng xử...

Ngoài ra, tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT cho các cán bộ TT đến trạm y tế tạo mối đoàn kết về tinh thần. Qua đó, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện “Đổi mói phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân”.

- Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động thống nhất từ trung tâm đến trạm y tế. - Cung cấp điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh các bất cập trong khi đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

- Thường xuyên kiểm tra y tế cơ sở theo lịch cố định và đột xuất qua đó nắm bắt kịp thời các nội dung hoạt động, cũng như tâm tư nguyện vọng của cán bộ, viên chức y tế để kịp thời chỉ đạo.

24/10/2018 16:20

Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở ảnh 5 Bác sỹ Lê Nhật Thành – Giám đốc TTYT Dự phòng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)

24/10/2018 16:22

Được biết Viện Y học cổ truyền Trung ương được Bộ Y tế giao nhiệm vụ cử cán bộ đi luân phiên đến các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã phường. Xin ông cho biết trong lần ra quân này Viện sẽ cử bao nhiêu cán bộ đi làm nhiệm vụ và dự kiến sẽ triển khai những kỹ thuật gì hiện đại xuống tuyến dưới?

PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

Bệnh viện chúng tôi đã lập danh sách và cử 5 cán bộ để thay nhau chỉ đạo chương trình trên. Chuẩn bị các kiến thức cơ bản cho cán bộ y tế về chăm sóc sức khỏe về các bệnh thường gặp, các phương pháp chuẩn đoán, các phương pháp điều trị như không dùng thuốc và dùng thuốc. Trong không dùng thuốc như: Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu. Dùng thuốc thì sử dụng các phương thuốc thường dùng ở cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu, các bệnh nhẹ có thể chăm sóc sức khỏe tại chỗ.

Tuy nhiên, phải nói rằng, trước hết phải nâng cao trình độ y tế cho cán bộ y tế ở cơ sở. Nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tật và sức khỏe tại chỗ. Đồng thời,đề nghị nâng cao cơ sở hạ tầng, phòng khám trạm y tế phải khang trang, rộng, thoáng, sạch, dụng đáp ứng về cơ bản, thuốc men thiết yếu. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng định mức về phòng khám sản, phòng khám nhi,…Để phân luồng bênh nhân nhằm giảm tải sức ép cho các tuyến trên.

24/10/2018 16:23

Tôi là nhân viên y tế thuộc một trạm y tế. Tôi rất vui khi Bộ Y tế thấy được vai trò cần thiết của trạm y tế. Để các trạm y tế trở thành chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng nghĩa trong tương lai, Bộ Y tế sẽ có những giải pháp gì về nhân lực và trang thiết bị cho các trạm y tế trong thời gian tới?

Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) trả lời:

Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã nêu rõ mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đề án. Bộ Y tế đang triển khai hàng loạt các đề án và chương trình hành động để tập trung thực hiện đề án của Chính phủ bao gồm cả tăng cường nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách trong việc thực hiện đề án này.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện đề án của Chính phủ. Bộ Y tế cũng đang huy động nguồn từ vốn vay, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện đề án này.

24/10/2018 16:25

Trực tuyến: Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở ảnh 6 Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) 
Tôi công tác tại một trạm y tế nhưng tối thấy danh mục thuốc và kỹ thuật cho người bệnh vẫn rất hạn chế. Điều này cũng là lý do người bệnh không thích về xã, phường. Xin hỏi Bộ Y tế, khi nào trạm y tế được chi trả bảo hiểm y tế theo thực chi, tức là không áp dụng mức khoán 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú?

Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) trả lời:

Trước hết, theo các văn bản quy định của Bộ Y tế như: Thông tư số 40 về danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán, Thông tư số 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản, Thông tư số 43 về danh mục kĩ thuật và phân tuyến chuyên môn kĩ thuật trong khám chữa bệnh thì trạm y tế xã đã có trên 200 loại thuốc và trên 1.000 kĩ thuật được thực hiện tại trạm y tế.

Như vậy, nếu thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì không thiếu thuốc và các y, bác sĩ của trạm y tế xã có đủ điều kiện để thực hiện công tác khám, chữa bệnh thường gặp tại trạm y tế. Vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện, trong quá trình đi kiểm tra, giám sát, Bộ Y tế phát hiện trạm y tế xã chưa được cung ứng đủ số thuốc theo danh mục, thường chỉ đáp ứng khoảng 50%.

Đây là vấn đề mà sở y tế địa phương và trung tâm y tế huyện phải quan tâm, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Giải pháp thứ hai để giải quyết vấn đề này là tăng cường năng lực của đội ngũ y, bác sĩ thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Phạm vi hoạt động chuyên môn liên quan đến chứng chỉ hành nghề, thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Vấn đề thông tuyến trong khám chữa bệnh cũng ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh ở trạm y tế xã vì người dân có quyền lên thẳng tuyến huyện để khám chữa bệnh ban đầu.

Sau một thời gian hoạt động thông tuyến thì thấy rõ xu hướng giảm số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và tăng số lượt khám chữa bệnh ở trung tâm y tế, bệnh viện huyện. Vấn đề áp dụng mức khoán 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú đã được điều chỉnh và bỏ hẳn khoản này trong nghị định số 146 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

24/10/2018 16:28

Lĩnh vực y học cổ truyền thực sự không thu hút nhiều nhân lực như nhiều lĩnh vực khác trong ngành y tế. Ở cấp địa phương sự chênh lệch này có lẽ càng thể hiện rõ. Theo ông làm thế nào để thu hút được nhân viên y tế mặn mà hơn với y học cổ truyền và ngày càng “lôi kéo” được nhiều hơn nữa bệnh nhân đến với y học cổ truyền? Cảm ơn ông.

PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

Hiện nay, người dân vẫn rất mong muốn, tin tưởng được sử dụng các phương pháp y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhưng do một số yếu tố chủ quan và khách quan nên nhân lực y học cổ truyền cấp cơ sở còn thiếu.

Để khắc phục vấn đề trên, Bộ Y tế đang có dự án thu hút nhân lực cho cả y học cổ truyền và y học hiện đại ở các cơ sở y tế địa phương. Đồng thời tăng cường chính sách bảo hiểm, thanh, quyết toán cho các cơ sở y tế địa phương.

24/10/2018 16:39

Tôi thấy Bộ Y tế từng triển khai thí điểm đề án bác sĩ gia đình để góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Vậy đến nay, kết quả thực hiện ra sao? Khi nào thì nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trong cả nước?

 Th.s Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quảng lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế) trả lời:

Tháng 9/2018 đã tổ chức hội thảo nhằm sơ kết thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và hiện Bộ Y tế đang tổng kết và đánh giá mô hình này. Hiện tại, Bộ Y tế đang sửa đổi bổ sung Thông tư hướng dẫn về bác sĩ gia đình và tiếp tục triển khai thí điểm theo hướng nhân rộng toàn quốc mô hình này. Bộ Y tế tiếp tục có một số nghiên cứu nhằm có chính sách tháo gỡ những khó khăn về việc nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình.

24/10/2018 16:41

Y tế cơ sở ở huyện Hương Sơn đã điều trị những bệnh lý phức tạp nào? Theo ông, danh mục thuốc mới cho y tế cơ sở đã phù hợp chưa, có cần bổ sung thêm thuốc và kỹ thuật nào không?

Bác sỹ Lê Nhật Thành – Giám đốc TTYT Dự phòng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trả lời:

- Hiện nay tại trạm y tế cơ sở của huyện Hương Sơn, cơ bản đã thực hiện trên 80% các danh mục dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

- Theo tôi danh mục thuốc mới cho cơ sở thì một số đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Nhưng bên cạnh đó, một số thuốc chưa phù hợp với tình hình bệnh tật và thực tế tại địa phương. Đề nghị Bộ Y tế có giải pháp lấy ý kiến tại các cơ sở y tế để có các danh mục thuốc phù hợp phục vụ nhân dân.

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến trạm y tế xã, phường. Y tế cơ sở được đánh giá là bộ phận gác cổng của ngành y tế. Hiện nay mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Để y tế cơ sở thực sự chuyển mình từ chỗ chỉ là “tồn tại cho có” đến giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, ngành y tế đang tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng công tác dự phòng, khám chữa bệnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước, đồng thời có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tại địa phương, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Xung quanh nội dung này, Bộ Y tế và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: "Nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở" ngày 24/10/2018, tại hai đầu cầu Hà Nội và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Với sự tham gia của các khách mời:

  1. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

  2. PGS.TS Vũ Nam – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

  3. Bác sĩ Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh)

MỚI - NÓNG