Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu

Viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu do các tác nhân khác nhau gây ra, có thể dẫn đến những bệnh nặng, biến chứng cho bệnh nhân, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hằng năm, nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi-rút và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu do các tác nhân khác nhau gây ra, có thể dẫn đến những bệnh nặng, biến chứng cho bệnh nhân, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đáng lưu ý, nhiều người dân chủ quan không chú trọng phòng bệnh hoặc không cho con em mình tiêm chủng đầy đủ.

Trong bối cảnh đó, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế kết hợp với Báo điện tử Tiền Phong tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tuyên truyền phòng chống Bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh viêm màng não do não mô cầu" nhằm cập nhật về diễn biến dịch bệnh, đồng thời có các khuyến cáo, hướng dẫn cộng đồng phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức vào 14h hôm nay (8/12) với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, bệnh viện Nhi T.Ư, Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư gồm:

1.    Thạc sĩ Trần Thu Hương – Phó khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi T.Ư.

2.    Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng – Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Cục Y tế dự phòng.

3.    Tiến sĩ Vũ Hải Hà – Phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư.

Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu

Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu

DANH SÁCH KHÁCH MỜI

Hằng năm, nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi-rút và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu do các tác nhân khác nhau gây ra, có thể dẫn đến những bệnh nặng, biến chứng cho bệnh nhân, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đáng lưu ý, nhiều người dân chủ quan không chú trọng phòng bệnh hoặc không cho con em mình tiêm chủng đầy đủ.

Trong bối cảnh đó, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế kết hợp với Báo điện tử Tiền Phong tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tuyên truyền phòng chống Bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh viêm màng não do não mô cầu" nhằm cập nhật về diễn biến dịch bệnh, đồng thời có các khuyến cáo, hướng dẫn cộng đồng phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 4 Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn tặng hoa các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến.
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, bệnh viện Nhi T.Ư, Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư gồm:

1.    Thạc sĩ Trần Thu Hương – Phó khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi T.Ư.

2.    Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng – Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Cục Y tế dự phòng.

3.    Tiến sĩ Vũ Hải Hà – Phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư.

Đúng 14h hôm nay (8/12), buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu tại trụ sở báo Tiền Phong.

Mở đầu buổi giao lưu, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Nhà báo Lê Xuân Sơn đã gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, đồng thời bày tỏ hy vọng với sự phối hợp của các chuyên gia, cuộc giao lưu hôm nay sẽ giúp cho nhân dân có thêm những kiến thức để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả hơn. 

  • 1. Thời gian: Thứ năm, ngày 08/12/2016 - 06:00
  • 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong

Bạn Thanh Bình, binhbot97@yahoo.com hỏi:

Thưa tiến sĩ Vũ Hải Hà, vacxin viêm não mô cầu AC và BC là như thế nào? Hiện tại đang có dịch viêm não mô cầu nhưng vắc xin AC đã hết, vậy vắc xin BC có ngừa được viêm não mô cầu không?. Nếu em chích cho bé BC xong rồi lại có vắc xin AC em có cần chích tiếp cho bé nữa không?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Vi khuẩn não mô cầu dựa vào kháng nguyên chia thành 4 nhóm A, B, C và D. Vắc xin viêm não mô cầu A+C sẽ phòng được nhóm A và C. Vắc xin B+C sẽ phòng được nhóm B và C.

Nếu chích cho bé B+C thì mới phòng được nhóm B và C, mà ở Việt Nam lưu hành cả nhóm A và B, nên vẫn cần phải tiêm phòng vắc xin A+C.

Cuộc giao lưu kết thúc. Do thời gian của cuộc giao lưu có hạn nên chúng tôi sẽ gửi các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến chuyên gia và cập nhật những giải đáp.

Bạn Thu Trang, trangthu09@gmail.com hỏi:

Các nguồn truyền nhiễm bệnh do não mô cầu? Bệnh này thường xảy ra vào mùa nào? Miền Bắc hay miền Nam dễ mắc bệnh hơn, thưa bác sĩ Nguyễn Bá Đăng?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Bệnh do não mô cầu có thể tản phát, rải rác quanh năm, bất kỳ mùa nào. Nhưng số mắc nhiều hơn vào thời điểm cuối năm khoảng tháng 11, 12 và đầu năm khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa đông xuân ở miền Bắc thời tiết thường lạnh và ẩm thuận lợi hơn cho vi khuẩn tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Bạn Trần Hùng, tranvanhung@gmail.com hỏi:

Chào ông Đăng, ở Việt Nam bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện từ khi nào và lưu hành ở những vùng nào?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 8 Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6,7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.

Bạn Nguyễn Sơn, sontung98@gmail.com hỏi:

Xin hỏi thạc sĩ Trần Thu Hương, viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản thường hay bị nhầm với bệnh gì và cách phân biệt?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Bệnh viêm màng não do não mô cầu thường bị nhầm với viêm não hoặc viêm màng não do các căn nguyên khác. Tuy nhiên, mắc não mô cầu thường diễn biến cấp tính hơn và xuất hiện ban hoại tử lan nhanh toàn thân. Bệnh nhân điều trị muộn thường có sốc nhiễm khuẩn và suy đa phủ tạng.

Viêm não Nhật Bản có thể nhầm với viêm não hoặc viêm màng não do căn nguyên khác. Nếu bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời. 

Bạn Hải Hà, truonghaiha79@gmail.com hỏi:

Có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng do viêm não Nhật Bản không? Bằng cách nào?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Viêm não Nhật Bản là bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để làm giảm tỉ lệ tử vong và di chứng do viêm não Nhật Bản, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, theo dõi sát tình trạng bệnh và chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương nếu như cơ sở y tế tuyến dưới không đủ phương tiện cấp cứu.

Bạn Bá Tiến, batien2002@yahoo.com hỏi:

Tôi nghe nói, nếu mắc viêm não mô cầu nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau một ngày. Xin hỏi thạc sĩ Trần Thu Hương có đúng không? Thông thường, từ lúc mắc bệnh đến khi tử vong (nếu có) có lâu không?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Đúng vậy. Bệnh nhân mắc não mô cầu có thể tử vong trong vòng 6h đến 12h sau khi phát bệnh, ngay cả khi bệnh nhân được điều trị tích cực. 

Mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào thể bệnh mắc phải. Bệnh nặng và tử vong thường gặp ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp. Bệnh nhân mắc viêm màng não đơn thuần có tỉ lệ phục hồi cao

Bạn Trương Hường, huongtruongthuhvbc@gmail.com hỏi:

Bênh viêm màng não do não mô cầu được chia ra các thể bệnh nào thưa bà Thu Hương?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là: viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. 

Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị kết hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết do não mô cầu có ba thể là nhiễm trùng huyết cấp, tối cấp và mãn tính. 

Thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp, với 80% bệnh nhân nhiễm có thể tử vong. Bệnh diễn tiến rất nhanh, gây tử vong trong thời gian ngắn (từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh), ngay cả khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực.

Bạn Hải Ca, canguyen2004@yahoo.com hỏi:

Khi mắc viêm não, viêm màng não do mô cầu, người bệnh cần kiêng những gì, thưa thạc sĩ Trần Thu Hương?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Khi bị viêm màng não do não mô cầu, bệnh nhân cần được cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng và điều trị đặc hiệu tại cơ sở y tế. 

Đối với bệnh nhân mắc viêm não và viêm màng não do mô cầu, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi.

Bạn Hoàn Phạm, hoanpham0612@yahoo.com hỏi:

Phòng bệnh viêm màng não như thế nào thưa bác sĩ Nguyễn Bá Đăng?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 15 Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Để hạn chế sự xâm nhập và lây lan ra cộng đồng cũng như phòng bệnh có hiệu quả bệnh viêm màng não do não mô cầu, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:

+ Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

+ Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

+ Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

+ Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

+ Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo cho các cơ sở y tế ở địa phương để được điều tra giám sát và xử lý kịp thời.

+ Nơi đang có bệnh viêm màng não mủ, cần cách ly người bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang (kể cả người bệnh và người lành). Môi trường sống ở nơi có người bệnh viêm màng não mủ cần được phun thuốc diệt vi khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh cần vệ sinh, tẩy uế thật sạch như ngâm vào nước đang đun sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B...

Bạn Hữu Dũng, vomuu876@gmail.com hỏi:

Bệnh viêm màng não mô cầu có dễ lây lan không, thưa thạc sĩ Trần Thu Hương?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp và có thể thành dịch. 

Bạn Mai Hạnh, hanhfpt@gmail.com hỏi:

Chào bà Thu Hương, các biểu hiện của bệnh và nguyên nhân nào gây bệnh viêm não Nhật Bản?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 18
Khoảng từ 1/300 đến 1/1000 trường hợp nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản mới có biểu hiện của bệnh VNNB. 

Biểu hiện của bệnh VNNB có thể từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhẹ thì chỉ có biểu hiện thoáng qua là sốt, mệt mỏi, đau đầu, không có rối loạn tri giác. Nặng hơn thì có thể viêm màng não do vi rút, viêm não màng não tủy với các biểu hiện: sốt, nôn, đau đầu, rối loạn tri giác, co giật, liệt nửa người, tăng trương lực cơ...

Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản được gọi là véc tơ truyền bệnh.

Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

Bạn Minh Tuấn, tuanthoisutn@yahoo.com hỏi:

Có phải khi mắc viêm não Nhật Bản thì 100 % sẽ để lại biến chứng không, thưa thạc sĩ Trần Thu Hương?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

VNNB là một bệnh có tỉ lệ di chứng cao. Theo nghiên cứu mới nhất tại BV Nhi trung ương tỉ lệ di chứng là 57,7% và gần 40% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn khi ra viện.

Bạn Nguyễn Minh Trí, nmt809@gmail.com hỏi:

Xin bác sĩ cho biết, thời gian thích hợp nhất để tiêm vac xin viêm não Nhật Bản (VNNB) và viêm não mô cầu?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Vắc xin viêm não Nhật Bản đã được triển khai tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nên tuân thủ tiêm theo đúng lịch.

Vắc xin viêm não mô cầu được tiêm chủng dịch vụ, theo đúng độ tuổi chỉ định, bắt đầu từ 6 tháng tuổi với vắc xin B+C và từ 2 tuổi trở lên với vắc xin A+C. Nên tiêm sớm, đặc biệt là khi có nguy cơ dịch bệnh.

Bạn Nguyễn Hà, hanguyen35@yahoo.com hỏi:

Bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể điều trị được hay không? Bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ nhỏ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào? Phải làm gì khi nghi trẻ bị nhiễm viêm màng não do não mô cầu, thưa thạc sĩ Trần Thu Hương?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, có thể điều trị được. Tuy nhiên, đối với thể viêm màng não kết hợp với nhiễm khuẩn huyết tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24h. 

Viêm màng não do não mô cầu ở trẻ nhỏ có thể gây di chứng thần kinh vĩnh viễn nếu điều trị muộn. Khi bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bạn Duy Hưng, hoangduyhung@gmail.com hỏi:

Xin hỏi bà Hương, bệnh viêm não Nhật Bản có nguy hiểm không và mức độ như thế nào?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

VNNB là một bệnh nguy hiểm do tỉ lệ tử vong và di chứng cao. 

Theo nghiên cứu mới nhất tại BV Nhi Trung ương tỉ lệ tử vong là 2,6% và di chứng là 57,7% tại thời điểm ra viện.

Các di chứng thường gặp là rối loạn hành vi, động kinh, liệt nửa người, tăng trương lực cơ...

Bạn Quang Huy, huyquang87@yahoo.com hỏi:

Thưa bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, tôi thấy báo đài đưa về bệnh viêm não mô cầu rất nhiều. Xin cho biết hiện Hà Nội đã có bao nhiêu ca nhiễm bệnh, có ca nào tử vong chưa? Liệu bệnh có bùng phát thành dịch?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Từ đầu năm 2016 đến nay, Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh rải rác, không có trường hợp tử vong. Gần đây nhất, trong tháng 11 đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu tại địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngay sau khi nhận ổ dịch, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lập tức triển khai các biện pháp chống dịch, khống chế kịp thời ổ dịch, thực hiện khử khuẩn môi trường, điều tra dịch tễ, lập danh sách, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần với người bệnh, điều trị kháng sinh dự phòng, cách ly và tự theo dõi bệnh tại nhà, khuyến cáo nếu có biểu hiện gì bất thường thì đến ngay các cơ sở y tế. 

Bạn Trịnh Quân, trinhquan32@yahoo.com hỏi:

Người dân có thể tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu ở đâu, thưa ông Vũ Hải Hà?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Hiện tại, vắc xin viêm màng não mô cầu được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Ví dụ ở Hà Nội có thể đến địa chỉ tiêm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương 131 Lò Đúc, 70 Nguyễn Chí Thanh của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Bạn Thanh Mai, nguyenthanhmai92@gmail.com hỏi:

Chào bà Hương, nguồn truyền nhiễm của bệnh VNNB là gì?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 26 Thạc sĩ Trần Thu Hương
Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản cho người.

- Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim và một số loài bò sát.

- Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút.

Bạn Nguyễn Minh Hạnh, minhhanh@gmail.com hỏi:

Theo bác sĩ Hải Hà, tại sao tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) lại là biện pháp có hiệu quả nhất? Lịch tiêm chủng vắc xin VNNB như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Tiêm vắc xin là biện pháp gây miễn dịch đặc hiệu và bền vững cho mọi người. Các chế phẩm vắc xin VNNB hiện nay có hiệu quả bảo vệ trên 90%  số người được tiêm ngừa.

Tiêm 3 liều cơ bản theo đúng lịch tiêm của Chương trình tiêm chủng mở rộng: Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi. Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Khoảng cách mũi tiêm tương tự cho trẻ không tiêm đúng lịch.

Bạn Hạnh Đỗ, hanhdo658@gmail.com hỏi:

Thưa bà Hương, điều trị bệnh viêm màng não cầu như thế nào?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Nguyên tắc điều trị:

- Chẩn đoán sớm ca bệnh

- Sử dụng kháng sinh sớm: Chọn một trong các kháng sinh sau: Penicillin G, Ampicillin, Cefotaxim, Ceftriaxon. Nếu dị ứng với các kháng sinh nhóm Betalactamin: Chloramphenicol, Ciprofloxacin. Thời gian điều trị kháng sinh tối thiểu từ 7 - 14 ngày hoặc 4 - 5 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng huyết động ổn định, xét nghiệm dịch não tuỷ bình thường (đối với viêm màng não mủ do Não mô cầu).

- Hồi sức tích cực: Điều trị hỗ trợ và triệu chứng: Hạ sốt; An thần + Chống phù não; Hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp; Lọc máu liên tục (nếu có chỉ định); Điều chỉnh nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan; Vệ sinh thân thể và dinh dưỡng đầy đủ. Có thể xem xét sử dụng corticoids trong trường hợp sốc không đáp ứng với thuốc vận mạch.

- Cách ly bệnh nhân.

Bạn Yến Phan, phanyenkinnai@gmail.com hỏi:

Trước khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) cần thực hiện các quy định gì thưa tiến sĩ Hải Hà?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 30 Tiến sĩ Vũ Hải Hà
- Thông báo cho gia đình hoặc người được tiêm về các lợi ích khi sử dụng và nguy cơ khi không sử dụng vắc xin VNNB cũng như các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm.

- Kiểm tra việc chuẩn bị để đối phó với những phản ứng phụ nặng tức thời xảy ra.

- Đọc kỹ các thông tin về chế phẩm vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Kiểm tra lại hạn sử dụng, kiên quyết loại bỏ những lọ vắc xin hết hạn.

- Kiểm tra và đảm bảo vắc xin không từng bị đông băng hoặc ở nhiệt độ cao.

- Kiểm tra họ tên người được sử dụng vắc xin, đối chiếu với phiếu tiêm chủng.

- Khám sàng lọc, kiểm tra và hỏi về tình trạng sức khoẻ của đối tượng để phát hiện các chống chỉ định hoặc hoãn tiêm.

Bạn Kim Liên, nguyenhoangkimlien@gmail.com hỏi:

Thưa bà Hương, tại sao lại gọi là viêm não Nhật Bản? Có phải bệnh bắt nguồn từ Nhật Bản hay không?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ, nhiều người mắc, tử vong rất cao.

Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên bệnh là một loài vi rút từ đó đặt tên là vi rút VNNB.

Bạn Vũ Hải, haivupham@gmai.com hỏi:

Chào bác sĩ Hương, virut viêm não Nhật Bản có đặc điểm gì ?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Vi rút viêm não Nhật Bản là ARN vi rút có hướng tính cao với tế bào thần kinh, gây bệnh cho người. Vi rút có khả năng tồn tại lâu dài trong cơ thể của các động vật có xương sống, chủ yếu là lợn và chim hoang dã.

Virut bị diệt ở nhiệt độ cao (sau 30 phút ở nhiệt độ 56oC, sau 2 phút ở 100oC), và khi tiếp xúc với hầu hết các hoá chất khử trùng ở nồng độ thông thường, hoặc ánh sáng mặt trời.

Bạn Thanh Hương, huongtp15@gmail.com hỏi:

Có vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu không? Độ tuổi nào tiêm là thích hợp, thưa ông Hải Hà?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Hiện có 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu. Vắc xin phòng viêm não mô cầu A+C được dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Vắc xin phòng viêm não mô cầu B+C trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 45 tuổi.

Bạn Thành Thiện, vothanhthien@gmail.com hỏi:

Xin hỏi ông Hà, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản được thực hiện như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 35 Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiêm 3 liều cơ bản theo đúng lịch tiêm của Chương trình tiêm chủng mở rộng:

- Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Khoảng cách mũi tiêm tương tự cho trẻ không tiêm đúng lịch.

Bạn Hà Vi, Phanhavi88@gmail.com hỏi:

Thưa ông Hà, khi đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) có thể gặp những tác dụng phụ nào?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Cũng như các vắc xin khác khi tiêm vắc xin VNNB có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ, bao gồm:

- Các phản ứng thông thường xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày:
+ Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, sưng, đỏ, thường gặp ở 5-10% người được tiêm.

+ Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi.

- Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1/1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc phản vệ) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.

Bạn Nguyễn Tuệ Linh, linhtue2013@yahoo.com hỏi:

Triệu chứng bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ nhỏ và người lớn khác nhau như thế nào xin hỏi bà Thu Hương.

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương

Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc ở người lớn với triệu chứng điển hình của viêm màng não như trẻ nhỏ: sốt cao, nôn, đau đầu, lú lẫn và phát ban hoại tử, sốc nhiễm khuẩn.

Nhưng viêm màng não do não mô cầu ở người lớn gặp ở người già, người suy giảm miễn dịch và người mắc bệnh mãn tính thì triệu chứng thường không cấp tính bằng trẻ nhỏ và người khỏe mạnh: sốt nhẹ, đau đầu, nôn, phát ban hoại tử không điển hình.

Bạn Tuyết Mai, maitth@gmail.com hỏi:

Thưa bà Hương, tại sao loài lợn được coi là nguồn lây nhiễm lớn các bệnh viêm não?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 39 Thạc sĩ Trần Thu Hương
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì:

- Tỷ lệ lợn bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).

- Sự xuất hiện vi rút viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm vi rút. Thời gian nhiễm vi rút huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng vi rút viêm não Nhật Bản trong máu rất cao, đủ để gây nhiễm cho muỗi để từ đó truyền bệnh cho người.

Bạn Đăng Sơn, lennui97@gmail.com hỏi:

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo như thế nào trong công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, thưa bác sĩ Nguyễn Bá Đăng?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh VNNB, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh sau đây:

          - Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

          Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

          + Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi

          + Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

          + Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

          - Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi.

          - Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

          - Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

          - Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bạn Quốc Hùng Vũ, vuquochong67@yahoo.com hỏi:

Việc giám sát công tác theo dõi bệnh viêm não Nhật Bản được tiến hành như thế nào thưa bác sĩ Bá Đăng?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Việc giám sát bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) được thực hiện tại các tuyến theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ trung ương đến địa phương nhằm phát hiện và thống kê thường xuyên (theo tuần, tháng, năm) số mắc và số chết do VNNB theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh), thực hiện điều tra giám sát, lấy mẫu xét nghiệm từng ca bệnh. Đồng thời triển khai giám sát trọng điểm bệnh VNNB tại một số địa phương để thu thập thêm về đặc điểm dân số học (tuổi, giới tính, nghề nghiệp...),  tình hình tiêm chủng, miễn dịch, đặc điểm vi khuẩn và một số đặc điểm khác của bệnh nhân VNNB.

Ngoài ra còn điều tra dịch tễ huyết thanh học ở người để phát hiện tình trạng miễn dịch quần thể trong cộng đồng, nhất là ở nhóm tuổi dưới 15 tại vùng lưu hành bệnh VNNB, vùng đã tiêm vắc xin VNNB. Điều tra dịch tễ huyết thanh học ở quần thể lợn để xác định mức độ nghiêm trọng của ổ chứa virut VNNB gần người. Phân lập virut VNNB trên muỗi (muỗi trưởng thành hoặc ấu trùng muỗi culex) bắt được tại nơi giám sát trong những tháng mùa dịch ….

Bạn Anh Chương, Anhchuonghoang@gmail.com hỏi:

Thưa ông Đăng, biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Để hạn chế sự xâm nhập và lây lan ra cộng đồng cũng như phòng bệnh có hiệu quả bệnh viêm màng não do não mô cầu, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo cho các cơ sở y tế ở địa phương để được điều tra giám sát và xử lý kịp thời.

Nơi đang có bệnh viêm màng não mủ, cần cách ly người bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang (kể cả người bệnh và người lành). Môi trường sống ở nơi có người bệnh viêm màng não mủ cần được phun thuốc diệt vi khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh cần vệ sinh, tẩy uế thật sạch như ngâm vào nước đang đun sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B...

Bạn Nga Vũ, thanhngavuVP@gmail.com hỏi:

Việt Nam có khuyến cáo như thế nào tới người dân về bệnh viêm màng não do não mô cầu thưa ông Bá Đăng?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

+ Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

+ Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

+ Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

+ Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bạn Kim Đỉnh, maikimdinh@gmail.com hỏi:

Thưa ông Đăng, cộng đồng và người dân cần làm gì để phòng các bệnh mùa hè và bệnh viêm não Nhật Bản?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 45 Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
- Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin VNNB theo khuyến cáo của ngành y tế, bởi vì vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có VNNB.

- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.

- Vệ sinh ăn uống, sử dụng thực phẩm an toàn, ăn thực phẩm chín, uống nước chín, không ăn thức ăn sống hoặc tái gỏi.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.

- Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cộng đồng.

Bạn Thanh Hải, vothanhhai90@gmail.com hỏi:

Chào tiến sĩ Hai Hà, có mấy loại kháng thể kháng virut viêm não Nhật Bản? Vai trò của từng loại kháng thể trong vắc xin?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Kháng thể được cơ thể tiết ra để hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân lạ (kháng nguyên). Trong viêm não Nhật Bản có 2 loại kháng thể đáng quan tâm nhất:

- Kháng thể IgM xuất hiện sớm, ngay sau khi nhiễm vi rút và tồn tại khoảng 60 ngày, được phát hiện bằng phản ứng MAC-ELISA và có giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh VNNB.

- Kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn nhưng tồn tại trong một thời gian dài, có thể suốt đời, có vai trò chính trong việc bảo vệ cơ thể các lần sau kháng nguyên đó xâm nhập. Việc tiêm vắc xin là nhằm tạo ra kháng thể IgG lâu dài để phòng chống viêm não Nhật Bản.

Bạn Quang Đức, ducquangbn@yahoo.com hỏi:

Mức độ lây truyền của bệnh cao như thế nào và những ai có nguy cơ lây bệnh, xin hỏi ông Bá Đăng.

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Nguồn lây bệnh do não mô cầu chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người lành mang trùng (người lành mang vi khuẩn não mô cầu nhưng không có biểu hiện bệnh). Đây là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng.

Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Phương thức lây truyền của bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu nhưng tỷ lệ mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng thấp và tỷ lệ mắc bệnh giảm dần theo lứa tuổi tăng lên.

Sau khi bị nhiễm khuẩn, kể cả những thể không có biểu hiện lâm sàng vẫn để lại miễn dịch cho cơ thể.

Những người chưa có miễn dịch (chưa bị mắc bệnh, chưa được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch) đều có thể mắc bệnh.

Bạn Thiên Minh, Minhminh@yahoo.com hỏi:

Thưa bà Hương, tại sao muỗi có khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản? Loài muỗi nào là vector chính truyền vi rút VNNB ở Việt Nam?

Thạc sĩ Trần Thu Hương
Thạc sĩ Trần Thu Hương
Trực tuyến: Phòng bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu ảnh 49 Thạc sĩ Trần Thu Hương
Muỗi ưa đốt và hút máu động vật máu nóng. Chỉ có muỗi cái mới đốt hút máu do đó chỉ có muỗi cái mới có khả năng nhiễm vi rút và truyền bệnh VNNB.

Vi rút VNNB có khả năng sinh sản nhân lên trong cơ thể muỗi, tuy nhiên chúng không gây bệnh cho loài muỗi, do đó có thể tồn tại nhiều ngày, kéo dài thời gian truyền bệnh.

Muỗi có thể truyền vi rút VNNB qua trứng, vì vậy bản thân muỗi cũng được coi là một loại vật chủ của vi rút VNNB trong thiên nhiên.

Véc tơ chính truyền bệnh VNNB ở Việt Nam là loài muỗi Culex tritaeniorhynchus. Ngoài ra một số loài Culex khác cũng có thể có vai trò truyền bệnh như Culex vishnui, Culex gelidus. Vai trò truyền bệnh của một số loài muỗi khác như Aedes albopictus, Anophele minimus... chưa được chứng minh thực tế.

Bạn Thiên Hương, bonghoanho@gmail.com hỏi:

Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu có giới hạn độ tuổi không? Liệu có trường hợp nào không nên tiêm vắc xin không? Có phải người dân chỉ nên tiêm khi được chỉ định?

Tiến sĩ Vũ Hải Hà
Tiến sĩ Vũ Hải Hà

Có giới hạn độ tuổi. Vắc xin phòng viêm não mô cầu A+C được dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Vắc xin phòng viêm não mô cầu B+C trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 45 tuổi.

Chống chỉ định: Không được tiêm cho người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vắcxin. Cũng chống chỉ định trong các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển và các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh.Hiếm khi có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra khi tiêm mũi đầu tiên, nhưng nếu có thì chống chỉ định tiêm mũi thứ hai.

Thận trọng khi tiêm: Không tiêm vắcxin B+C cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết và nguy cơ dịch tễ học cao. Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị suy giảm miễn dịch có thể không có đáp ứng đầy đủ với vắcxin.

Người dân nên đến các trung tâm tiêm chủng để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.