Tự cắt vào cơ thể, bệnh khởi đầu từ stress

Bệnh nhân tự cắt chân.
Bệnh nhân tự cắt chân.
TP - Trường hợp những bệnh nhân tự mình làm tổn thương cơ thể không phải là hiếm nhưng lại ít được chú ý để điều trị vì không nghĩ đó là bệnh. Tên khoa học của bệnh này là rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể.

Mới đây một kỹ thuật viên Đông y, 27 tuổi, công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng (TP Cần Thơ) đã tự cắt chân của mình gây xôn xao dư luận. Bệnh viện quân y 103 cũng đã từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 4 lần hủy hoại dương vật của mình. Đầu tiên, bệnh nhân tự cắt 1/3 phía ngoài dương vật, lần thứ hai bệnh nhân dội nước sôi vào của quý, tiếp đó bệnh nhân tự cắt tinh hoàn của mình và cuối cùng bệnh nhân cắt hết tận gốc dương vật.

Trước đó, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) đã tiếp nhận bệnh nhân nam 26 tuổi (tỉnh Thái Nguyên) vào cấp cứu vì tự tay cắt đứt 2 tinh hoàn. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng vùng mỏm cụt chảy máu nhiều, hai tinh hoàn và dương vật đứt rời hoàn toàn tách thành 3 khối riêng không có chung mạch máu nuôi dưỡng.

TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ cho biết, đây là một ca bệnh khó, phức tạp vì cả dương vật và tinh hoàn đứt rời. Bệnh nhân là người có rối loạn tâm lý và đến viện quá muộn, 10 tiếng kể từ khi tai nạn xảy ra. Sau 10 giờ đồng hồ với sự tham gia của hàng chục bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, gây mê hồi sức với đồng thời 3 kíp nối vi phẫu, dương vật và cả hai tinh hoàn đứt rời đều được phục hồi không chỉ mạch máu, thần kinh mà cả đường dẫn nước tiểu, ống dẫn tinh. Bác sĩ Hồng Hà cho biết, sau mổ dương vật sống tốt, trên siêu âm có các tín hiệu tái lập tuần hoàn cho tinh hoàn. Một tháng sau khi xuất viện, các vết mổ liền tốt, chức năng tiết niệu hoàn toàn bình thường, chức năng sinh dục đã có dấu hiệu cương. Mặc dù vậy bệnh nhân vẫn cần được theo dõi đánh giá lâu dài. Đến lúc này, TS Hà mới khẳng định ca phẫu thuật thành công.

Được biết đây là ca bệnh đứt rời cả dương vật và tinh hoàn đầu tiên tại Việt Nam. Theo y văn thế giới, những ca tổn thương đứt rời cả dương vật và tinh hoàn rất hi hữu, thường chỉ gặp đứt rời dương vật. Hiện mới ghi nhận 5 ca ghép tinh hoàn thành công. TS Hồng Hà khuyến cáo, những bộ phận cơ thể bị đứt rời, thời gian phẫu thuật nối lại tốt nhất, phải trước 6 giờ kể từ thời điểm bị đứt rời, tránh tình trạng bộ phận đó bị hoại tử do không được cung cấp máu. Nhưng trong một số trường hợp, dù bệnh nhân đến chậm, các bác sĩ vẫn ghép nối giúp bệnh nhân bớt mặc cảm. Việc phục hồi chức năng của bộ phận đứt lìa phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ tổn thương và chức năng của các bộ phận đó.

Liên quan chặt chẽ với các stress tâm lý

Thạc sĩ Vũ Trung Trực, khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Tạo hình- Thẩm mỹ cho biết, cần sự quan tâm hơn nữa của gia đình và cộng đồng đến các trường hợp nam giới bị rối loạn tâm lý hành vi như phát hiện sớm, theo dõi và điều trị thường xuyên. Khi có tai nạn xảy ra, cần đặt nhiều gạc vào mỏm cụt, ép chặt và băng vòng qua mông để cầm máu, tuyệt đối không nên kẹp hay thắt mạch. Bộ phận đứt rời cần được bảo quản đúng cách. Sơ cứu tại cơ sở y tế gần nhất và chuyển ngay đến đơn vị y tế chuyên sâu càng sớm càng tốt. Theo TS Nguyễn Hồng Hà, thành công của ca phẫu thuật hi hữu này cho thấy các bệnh viện của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện các phẫu thuật khó phức tạp tương đương như các phẫu thuật được thực hiện ở các nước có nền y học hiện đại tiên tiến. 

PGS.TS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa tâm thần, Bệnh viện quân y 103 cho biết, có tới 4% dân số mắc bệnh này, trong đó đối tượng thanh niên chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên chiếm 15-17%. Khi hủy hoại cơ thể mình, những bệnh nhân mắc bệnh thường không cảm thấy đau.

Bệnh thường bắt đầu ở những người trẻ tuổi và người trưởng thành. Các triệu chứng khởi đầu có liên quan chặt chẽ với các stress tâm lý trong đời sống xã hội và trong sinh hoạt hàng ngày. Rối loạn này là một hội chứng ổn định, đơn độc và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn. Tiên lượng và điều trị các rối loạn dạng cơ thể gặp rất nhiều khó khăn, thường hay nhầm lẫn với các rối loạn phân li và rối loạn nghi bệnh.

Dù có tinh thần bình thường nhưng những người mắc bệnh này luôn khao khát tự gây thương tích cho bản thân vì họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ, như tay hay chân bị thừa. Người bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể luôn cảm thấy lạ lẫm và ghê sợ với chính một phần cơ thể của mình, và họ thậm chí có thể khoanh đúng ranh giới của phần cơ thể muốn cắt chúng đi. Ngoài tự cắt vào cơ thể, bệnh nhân có thể có những hành động tự gây bỏng như đốt, dùng hóa chất hủy hoại mình... Tuy nhiên, tự cắt vào cơ thể chiếm tới 70% số trường hợp mắc bệnh.

Theo các chuyên gia về bệnh lý tâm thần, những người tự làm hại thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác và sợ hãi các mối quan hệ và trách nhiệm của người lớn. Tự gây thương tích là cách họ làm giảm cảm giác đau đớn hoặc tình huống khó khăn của mình một cách tạm thời. Với việc gây thương tích cho bản thân, những bệnh nhân này hy vọng có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác; giải quyết bất đồng với bạn bè hoặc người thân, tạo ra một trạng thái cảm xúc tích cực...

Đến nay Việt Nam chưa có thống kê chính xác bao nhiêu trường hợp đã mắc hội chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể vì khi tự gây thương tích xong, bệnh nhân lại đi điều trị ngoại khoa do không cho rằng mình bị tâm thần.

MỚI - NÓNG