Tử vong do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi

Tỷ lệ tử vong có thể tăng gấp đôi do ô nhiễm không khí. Ảnh: Nguyễn Hoài
Tỷ lệ tử vong có thể tăng gấp đôi do ô nhiễm không khí. Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Theo báo cáo mới của hai tổ chức quốc tế, số người tử vong do ô nhiễm không khí ở Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

Trong báo cáo “Giám sát tính dễ bị tổn thương biến đổi khí hậu 2012 - Trường hợp nghiên cứu Việt Nam” mới được công bố, nhóm nghiên cứu của DARA International (tổ chức độc lập có trụ sở ở Tây Ban Nha) và Diễn đàn Các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu cho rằng, ô nhiễm không khí có thể gây ra 10.000 ca tử vong trong năm 2010, tăng lên hơn 20.000 vào năm 2030, do mức độ ô nhiễm tăng.

Theo báo cáo này, đô thị hóa, công nghiệp, sản xuất điện, và các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam đã dẫn đến nồng độ các hạt bụi trong không khí cao. Ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm trong nhà và nông nghiệp được coi là những mối lo ngại lớn. 

Trong đó, khói trong nhà là vấn đề nghiêm trọng, chiếm hơn 40.000 ca tử vong vào năm 2010 và tỷ lệ tử vong tương tự vào năm 2030 bởi các bệnh do tiếp xúc với khói khi đốt lửa nấu ăn trong nhà và sưởi ấm.

Theo báo cáo, lưu vực phía bắc sông Hồng xung quanh Hà Nội có nồng độ bụi hạt trong không khí quá cao, do phát thải từ giao thông và công nghiệp.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay, công nghiệp than, nhà máy nhiệt điện, sản xuất thép và xi măng là những nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu hiện nay. 

Vì thế, Quảng Ninh là một trong những khu vực ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Ngoài ra, có các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tại một số nơi có nhà máy thép, kết quả quan trắc môi trường cho thấy nồng độ chì trong không khí rất cao.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mấy năm qua, mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam không gia tăng đột biến. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải bởi Việt Nam đã có những giải pháp bảo vệ môi trường mà do sản xuất đình đốn, nhất là ngành xây dựng.

Thực tế, nếu Việt Nam không có những biện pháp kiểm soát tình hình ô nhiễm không khí thì vài năm tới, Việt Nam có thể giống như Bắc Kinh, Trung Quốc với 10% dân số mắc ung thư phổi.

MỚI - NÓNG