Tử vong do sởi cao gấp 4 lần trước đó: Bộ y tế có giấu dịch?

Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: PV
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: PV
TP - Ngày 15/4, Bộ Y tế cho biết, đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng sau sởi, số liệu này cao gấp 4 lần so với công bố tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch sởi, ngày 8/4, với 25 trường hợp tử vong.

Gia tăng bệnh nhân mắc sởi

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, cho đến thời điểm này đã có 108 trường hợp tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi; các ca mắc sởi kèm theo bệnh lý khác, trong đó có 103 ca tại BV Nhi T.Ư, 4 ca tại BV Bạch Mai và 1 ca tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Trong khi đó, mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) vẫn tiếp nhận 20-30 bệnh nhân sởi. Số lượng này chưa hề giảm so với công bố dịch đã hạ nhiệt của Bộ Y tế.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, hiện có 1.750 bệnh nhi điều trị nội trú, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 trẻ, riêng bệnh sởi là 250 trường hợp.

Tính từ tháng 12/2013 tới thời điểm này, BV Nhi T.Ư đã điều trị cho khoảng 1.250 trường hợp mắc sởi. Nhiều trẻ bị lây sởi hoặc các bệnh khác trong quá trình điều trị vì bị nhiễm chéo do quá tải, nằm ghép.

Có trường hợp điều trị sởi lên tới 400 triệu đồng

Tại BV Nhi T.Ư, bác sĩ đã áp dụng các phác đồ điều trị tối ưu trong điều trị bệnh nhi sởi như sử dụng kết hợp 3 loại kháng sinh, sử dụng máy thở, hỗ trợ hô hấp, lọc máu… PGS.TS Nhật An cho biết thêm, có trường hợp sau khi tình hình bệnh ổn định và tiến triển tốt thì tổng chi phí điều trị lên tới 400 triệu đồng.

Theo bác sĩ An, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải về bệnh sởi là do vượt tuyến với tâm lý cho con được điều trị ở nơi tốt nhất. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi, bệnh về hô hấp không nhất thiết phải đưa ngay trẻ đến các BV tuyến trung ương mà hãy đến cơ sở y tế ở tuyến dưới để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc trẻ.

Điều quan trọng nhất là vệ sinh tốt và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, đặc biệt là bổ sung các vitamin… Chỉ nên đưa trẻ lên BV tuyến trung ương nếu tình trạng của trẻ diễn biến nặng, cần đến sự chăm sóc đặc biệt, sự điều trị thăm khám ở trình độ cao có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại thì cha mẹ mới nên đưa trẻ lên tuyến T.Ư.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế cũng đã họp và cũng đã đưa ra kết luận là chưa cần sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi.

Tuy nhiên trước tình hình bệnh sởi bất thường, hôm qua Hội đồng lại tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị cũng như tìm giải pháp điều trị tốt hơn.

Theo thông tin từ cuộc họp, các chuyên gia nhất trí hướng sửa phác đồ và sẽ đưa ra trong thời gian sớm nhất. Hôm nay (16/4), Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp bàn về phác đồ điều trị sởi.

Nhiều học sinh lớp 8 ở Hà Nội nghi mắc sởi

Ngày 15/4, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết hôm nay (16/4), Trung tâm Y tế quận Đống Đa sẽ lấy máu xét nghiệm virus sởi cho một số học sinh lớp 8, trường THCS Đống Đa (Hà Nội) nghi mắc sởi. Hiện có 9 học sinh có dấu hiệu sốt phát ban nghi sởi.

Tử vong do sởi cao gấp 4 lần trước đó: Bộ y tế có giấu dịch? ảnh 1

Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, nơi có 21 học sinh trong một lớp phải nghỉ học vì mắc sởi. Ảnh: Như ý

Cô giáo chủ nhiệm lớp 8A8 của trường này, nơi có nhiều học sinh nghỉ học vì sởi và nghi sởi cho biết: “Nửa tháng trước một nam học sinh xin nghỉ học vì bị sởi. Sau 1 tuần học sinh này đi học lại thì thêm nhiều học sinh trong lớp cũng xin nghỉ học vì sốt và phát ban nghi sởi”.

Được biết, ngày cao điểm có hơn 20 học sinh trong lớp 8A8 nghỉ học. Hôm qua vẫn còn 13 học sinh chưa đến lớp. Ông Cảm cho biết thêm, sau khi nhận được thông báo về tình hình trên, Trung Tâm Y tế dự phòng quận đã tiến hành khử trùng toàn bộ lớp học vào cuối mỗi ngày.

Cân nhắc công bố dịch

Chiều qua, 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Tại buổi làm việc với Bộ Y tế và BV Nhi T.Ư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán, cân nhắc, công bố dịch nếu thực sự cần thiết. Lãnh đạo ngành y tế cần đưa ra cơ chế linh động cho các y bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân sởi như cơ chế đang trong dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhi nhiễm sởi, mua ngay các loại thuốc còn thiếu, mua thêm thuốc để phòng tránh lây nhiễm chéo từ sởi sang các bệnh khác và ngược lại; xuất cấp toàn bộ máy thở còn lại trong nguồn dự trữ quốc gia, xem xét mua các máy thở mới, các thiết bị hỗ trợ hô hấp để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân. Đồng thời, ngành Y tế phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác tiêm chủng.

Trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chiều tối qua Bộ Y tế có quyết định xuất cấp không thu tiền máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm phục vụ công tác chống dịch và nhu cầu khám chữa bệnh cho 4 BV. Cụ thể, BV Bạch Mai được cấp 10 máy thở; BV Nhi T.Ư, BV Bệnh Nhiệt đới mỗi nơi 8 máy thở và BV Saint Paul 4 máy thở.

MỚI - NÓNG