Tuột bao cao su khi 'yêu' có lây HIV

Ảnh minh họa: News.
Ảnh minh họa: News.
Khi quan hệ, em vô tình bị tuột bao cao su. Ngay lúc phát hiện, em liền dùng bao khác nhưng không xuất tinh. Liệu có lây HIV? (Yasaki Sac Nguyen)

Trả lời:

Chào anh,

Trước hết, tôi xin làm rõ về khái niệm “cho - nhận” trong quan hệ tình dục và khái niệm “người bị phơi nhiễm - nguồn gây phơi nhiễm”.

- Trong quan hệ tình dục xâm nhập, người cho là người đưa cơ quan sinh dục vào cơ thể của người kia. Trong quan hệ nam – nữ qua ngả âm đạo, tất nhiên nam giới đóng vai trò là người cho và phụ nữ là người nhận. Về cơ bản, tỷ lệ lây nhiễm từ người cho sang người nhận là cao hơn chiều ngược lại.

- Người bị phơi nhiễm và nguồn gây phơi nhiễm là thuật ngữ thường dùng trong các bệnh lây, nhất là khi các bệnh đó có tính chất âm thầm, kín đáo và khó nhận biết. Với HIV, không thể nhận biết một người là nhiễm hay không nhiễm nên người ta dùng từ phơi nhiễm khi có tiếp xúc và dùng từ “nguồn” nhằm ám chỉ mối quan hệ “tôi và bạn tình”. Với mỗi người, khi quan hệ tình dục, bạn tình sẽ là nguồn và có khả năng lây nhiễm cho bản thân ta. Ngược lại, ta là nguồn gây phơi nhiễm cho người bạn tình mà mình quan hệ.

Việc anh có xuất tinh hay không, hoàn toàn không có ý nghĩa trong khả năng lây nhiễm cho bản thân anh, vì lúc này nguồn gây phơi nhiễm là cô gái mà anh quan hệ. Việc có xuất tinh hay không chỉ có ý nghĩa và được nhắc đến khi đề cập khả năng lây nhiễm mà ta là người nhận. Ví dụ, khi chị em phụ nữ quan hệ với bạn tình nam, dựa vào việc bạn trai cô ấy có xuất tinh hay không và nhất là có xuất tinh bên trong âm đạo của cô ấy hay không, để biết khả năng bị nhiễm bệnh cao hay thấp.

Về việc tuột bao cao su và thay bao cao su khác, anh đã thực hiện rất tốt biện pháp tình dục an toàn bằng bao cao su. Điều này giúp phát huy cao nhất hiệu quả bảo vệ của bao cao su.

Tuy nhiên, trong lúc bao cao su bị tuột, và nhất là bị tuột ngay khi dương vật của nam giới vẫn còn nằm bên trong âm đạo của bạn tình nữ, khả năng cậu bé tiếp xúc với dịch tiết âm đạo là khả dĩ. Do vậy khả năng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục là có thể. Tuy nhiên, tỷ lệ này có phần giảm đi so với trường hợp quan hệ không bao cao su, ít nhất là về phương diện “thời gian tiếp xúc”. Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong một lần quan hệ tình dục không bao cao su dao động 0,3 - 0,5%. Như vậy tình huống của anh, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.

Anh không cần quá lo lắng. Anh có thể lựa chọn, hoặc làm xét nghiệm kiểm tra (ngay thời điểm phơi nhiễm, 3 tháng và 6 tháng), hoặc tham gia điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho tình huống tuột bao cao su (nếu không quá 72 giờ sau phơi nhiễm và cần tiến hành càng sớm càng tốt sau phơi nhiễm).

Thân ái.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG