U dị thường xuất hiện ngày càng nhiều

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Những tuần gần đây, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nữ mang trong người những u bướu rất lớn và dị thường, có trường hợp nặng vài chục ký

Một trong những bệnh nhân mới nhất vừa được các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP HCM phẫu thuật thành công là chị L.T.N (48 tuổi, ngụ TP HCM), người đã phải “mang cái bụng bầu” nặng 19 kg suốt 2 năm qua.

Đau khổ suốt 10 năm

Cách đây 2 năm, sờ bụng thấy nổi lên cái cục to bằng quả cam, chị N. đi khám tại một BV lớn ở TP HCM. Tại đây, chị được chẩn đoán bị bướu sau phúc mạc trái và BS yêu cầu phẫu thuật. Tuy nhiên, chị không muốn mổ mà chỉ uống dược liệu “truyền miệng” để tự điều trị đến nỗi khối bướu ngày càng to, đi đâu người ta cũng tưởng chị đang... mang bầu. Đến khi khối bướu phát triển quá cỡ, di chuyển khó khăn, chị mới đi phẫu thuật và các BS không còn chọn lựa nào khác là cắt bỏ tử cung.

Bệnh nhân P.T.T.M với khối u bướu 40 kg trước khi mổ

Bệnh nhân P.T.T.M với khối u bướu 40 kg trước khi mổ

TS-BS Bùi Chí Viết, Trưởng Khoa Ngoại II BV Ung Bướu, cho biết ở khoa này thường tiếp nhận và phẫu thuật cho các bệnh nhân bị u sau phúc mạc khá nhiều nhưng thường là khối u nặng vài ký chứ u to như của bệnh nhân N. này thì hiếm. Khối u nhỏ thì phẫu thuật cũng an toàn hơn so với khối u lớn. Cái khó của ca này là khối bướu to lại để lâu nên nó chèn ép các cơ quan nội tạng.

Một trường hợp khác cũng vừa được các BS BV Ung Bướu phẫu thuật thành công là bệnh nhân P.T.T.M (49 tuổi, ngụ Long An)  với khối u buồng trứng nặng đến 40 kg. Chị M. mang khối u này gần 10 năm qua nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không nghĩ đến việc chữa trị. Trước phẫu thuật, người chị yếu đuối, xanh xao; tổng trọng lượng cơ thể nặng 90 kg thì khối bướu đã chiếm gần phân nửa. Các BS đã mở ổ bụng, hút từ trong bướu ra khoảng hơn 41 lít dịch. BSCK II Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu, cho biết ca mổ không chỉ thành công về mặt y khoa (khối u lớn nhất từ trước đến nay mà BV tiếp nhận) mà chính là đã giúp chị M. thoát khỏi sự đau đớn về thể chất và tinh thần suốt gần 10 năm.

Ca bệnh lạ lần đầu gặp

Nếu ở 2 trường hợp trên bị khối u lớn hiếm gặp thì ca bệnh của chị N.T.P.D càng lạ hơn và cũng là lần đầu các chuyên gia y khoa gặp phải. Chị D. năm nay 20 tuổi, là sinh viên, ngụ tỉnh Đắk Lắk. Chị mắc căn bệnh phì đại môi lớn âm hộ. Chị D. còn độc thân, chưa ghi nhận bệnh lý nội ngoại khoa. Chị đã vất vả chịu đựng nỗi đau vì căn bệnh lạ với bộ phận sinh dục dị thường trong nhiều năm qua.

BSCK II Nguyễn Văn Tiến, quyền Trưởng Khoa Ngoại I BV Ung Bướu, giải thích: “Phì đại môi lớn âm hộ ở đây là bệnh lành tính, không phải là ung thư nhưng cái khó ở ca này là để quá lớn, quá lâu nên trở thành “khổng lồ”. Trong y khoa cũng chưa có báo cáo khoa học nào ghi nhận trường hợp như của chị D. Ở ca bệnh này, BV đã hội chẩn nhiều lần để duy trì chức năng và tạo hình tốt nhất cho bệnh nhân”.

Càng để lâu càng khó trị

Theo BS Lê Hoàng Minh, mấy tháng qua, hầu như tuần nào BV cũng tiếp nhận những ca bướu nặng mấy chục ký khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy hô hấp, không đi lại được. Số trường hợp u bướu thì BV thường tiếp nhận nhưng chưa lúc nào nhiều và hiếm gặp như ở thời điểm này. Những bệnh nhân bị ung thư, u bướu nặng, giai đoạn trễ do bệnh nhân đến muộn hoặc do các BV tuyến dưới chuyển lên khiến việc điều trị càng khó hơn, thời gian điều trị lâu hơn và chi phí tốn kém hơn, tình trạng di căn và tái phát cũng cao. BS Minh tự hỏi không hiểu vì sao mắc những bệnh hiểm nghèo như vậy mà người bệnh không đi BV sớm để được can thiệp.

Các chuyên gia khuyến cáo những phụ nữ sau giai đoạn dậy thì hoặc đã có quan hệ tình dục thì nên đi khám phụ khoa 6 tháng/lần để phát hiện sớm những vấn đề bất thường và được can thiệp kịp thời tại cơ sở y tế chuyên khoa. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể và người dân cần chung tay phát hiện, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân mắc bệnh lạ được đi khám và điều trị, để họ “ôm” cục bướu mấy chục ký nằm ở nhà như vậy thì thật tội nghiệp. “Về phía BS, cần tiếp nhận điều trị cho tất cả các bệnh nhân, không phân biệt giàu hay nghèo, bệnh nặng hay nhẹ. Thầy thuốc chúng tôi không thể giúp mọi người dân có sức khỏe tốt nếu không có sự chung tay của cộng đồng” - BS Minh nhấn mạnh.

Theo Theo NLĐ
MỚI - NÓNG