Vệ sinh đồ chơi cho trẻ thế nào cho đúng?

Các chuyên gia cho biết, chỉ lau đồ chơi thôi thì chưa đủ, thậm chí là rửa bằng nước sạch cũng không thể diệt trừ được "ổ vi khuẩn" bám trên đồ chơi.

Lau chùi chỉ làm sạch bụi bám

Chị Nguyễn Lan Anh (số 6 Đội Nhân, Hà Nội) luôn lo lắng đồ chơi của con bị bám bẩn thì khi con chơi sẽ dễ có nguy cơ vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập cơ thể do tay trẻ tiếp xúc đồ chơi, hoặc thậm chí còn cho cả đồ chơi lên miệng ngậm, mút. Đối với đồ chơi nhựa, gỗ, chị đều dùng khăn giặt sạch, vắt ẩm để lau sạch cho con chơi hằng ngày. Còn các loại đồ chơi mềm như thú bông, quần áo vải của búp bê... chị đều bỏ ra giặt sạch và phơi khô hằng tuần.

Theo một khảo sát nhỏ của phóng viên với 20 hộ dân có trẻ nhỏ tại khu vực Dịch Vọng, Cầu Diễn (Hà Nội) thì những gia đình chăm vệ sinh đồ chơi cho con như nhà chị Lan Anh chỉ có 30%. Còn lại, hầu hết các gia đình chỉ lau, giặt đồ chơi cho con khi nhìn thấy có vết bẩn, bám dính đất cát, hoặc khi bé ăn bị nôn trớ, làm bẩn đồ chơi.

Vệ sinh đồ chơi cho trẻ thế nào cho đúng? ảnh 1

Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế, thực tế rất ít cha mẹ nhận thức được rằng đồ chơi chính là một ổ vi khuẩn vô hình mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy được. Thông thường trẻ chơi đồ chơi hay được vứt lăn lóc dưới sàn nhà, nơi có nhiều bụi bẩn và các vi khuẩn vi trùng dễ bám vào. Mồ hôi ở tay chân trẻ cũng mang theo vi trùng, vi khuẩn bám đầy vào đồ chơi khiến cho đồ chơi trở thành "ổ vi khuẩn". Rồi những vi trùng, vi khuẩn, bụi bẩn ấy lại theo tay trẻ quệt lên mắt mũi, mồm miệng. Thậm chí có trẻ còn đưa cả đồ chơi vào mồm ngậm, mút, "dẫn đường" cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể.

Tuy nhiên, theo BS Hoàng Xuân Đại, việc lau chùi đồ chơi chỉ với khăn sạch, dù khô hay ẩm, dù được thực hiện thường xuyên hằng ngày, cũng chỉ có tác dụng làm sạch bụi bám trên đồ chơi chứ không thể diệt được ổ vi khuẩn. Ngay cả việc rửa bằng nước sạch cũng không thể loại trừ được vi khuẩn. Muốn đồ chơi sạch sẽ thì phải thực hiện tẩy rửa bằng các loại nước tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước rửa bát, hoặc các loại dung dịch chuyên dùng cho việc tẩy rửa đồ chơi trẻ em.

Rửa sạch hóa chất

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Hùng Mạnh, Công ty Cổ phần Đồ chơi và Thiết bị giáo dục Tiến Đức cho rằng, đồ chơi nên ngâm trong nước có pha dung dịch tẩy rửa khoảng 5 phút, sau đó rửa lại thật sạch với nước, nhất là ở các khe kẽ, tránh việc xà phòng, chất tẩy rửa còn đọng lại ở các khe nhỏ, sau đó mang đồ chơi đã được rửa sạch phơi hoặc sấy cho thật khô mới cho trẻ sử dụng.

Đối với các đồ chơi có chất liệu bằng vải hay bông mềm, là những chất liệu dễ bắt bụi, thậm chí chỉ cần một vài giọt nước, sữa, hay mồ hôi ở tay trẻ bám vào là có thể sinh nấm mốc, thì cần vệ sinh cẩn thận hơn. Cha mẹ nên đem các món đồ chơi này giặt sạch với xà phòng và phơi khô hằng tuần, dù có nhìn thấy vết bẩn hay không. Bởi ngay cả khi không có các vết bẩn rõ ràng cũng không thể chắc là thú bông của trẻ không chứa đầy vi khuẩn.

Cẩn thận hơn thì lâu lâu có thể ngâm giặt với thuốc tẩy sẽ giúp tiệt trùng tốt hơn. Điều quan trọng là dù đồ chơi nhựa, gỗ, hay bông vải thì bất kể khi nào vệ sinh bằng xà phòng, hóa chất, hay dung dịch tẩy rửa... cha mẹ cần hết sức chú ý việc giặt, rửa lại thật sạch bằng nước, tránh để tồn dư hóa chất còn bám lại trên đồ chơi, sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho trẻ, thậm chí là nguy cơ ngộ độc vì hóa chất tẩy rửa.

Ngoài việc thường xuyên vệ sinh đồ chơi sạch sẽ, cha mẹ cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay cho trẻ với xà phòng hoặc nước rửa tay diệt khuẩn, rồi rửa lại thật sạch bằng nước, nhất là trước và sau khi cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi. 

BS Hoàng Xuân Đại

Đức Anh
Theo Kiến thức
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.