Vì sao măng độc nhưng vẫn có thể ăn?

Vì sao măng độc nhưng vẫn có thể ăn?
Độc tố trong măng có thể gây chết người trong chớp nhoáng. Phải chăng món ăn này chỉ có hại mà không chứa bất kỳ chất dinh dưỡng nào tốt cho cơ thể?

Chất độc nào tồn tại trong măng?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều vụ ngộ độc xảy ra sau khi ăn măng là do độc tố cyanide. Dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể.

Theo tài liệu của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, khoảng100 g măng tươi chưa luộc có 32-38 mg HCN. Ở măng đã luộc kỹ (đổ nước), lượng chất này còn 2,7 mg, ở măng tươi ngâm chua là 2,2 mg, ở nước luộc măng là 10 mg. Với liều 50-60 mg (tức vào khoảng 200 g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây chết người, bắt đầu với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở...

Tuy nhiên, PGS Thịnh cho rằng dù trong măng có chất độc nhưng rất dễ xử lý, do đó không quá lo ngại khi thưởng thức món ăn này. Bởi HCN có tính chất hoà tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng.

“Từ xưa nhân dân ta đã biết cách ngâm và luộc măng tươi (đổ nước luộc) trước khi nấu ăn. Đây là kinh nghiệm được đúc kết trong việc bảo vệ tính mạng trước độc tố của măng. Sau khi sơ chế, măng còn lại ăn vừa ngon vừa an toàn”, PGS Thịnh cho biết.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm nhiều vụ ngộ độc là do ăn măng tươi chế biến không đúng cách, chưa loại bỏ được độc tố. Nếu sử dụng măng ngâm nước, măng chua hoặc đã phơi khô sẽ không gây hại.

Bên cạnh đó, PGS Thịnh cũng khuyến cáo tuyệt đối không ăn măng sống, nộm măng, hoặc uống nước măng tươi để chữa bệnh hoặc hạ sốt theo một số biện pháp dân gian.

Trên thị trường hiện nay, nhiều cơ sở đã dùng các hóa chất để ngâm măng nhằm tạo màu và bảo quản lâu hơn. Theo ông Thịnh, cơ quan chức năng cần làm rõ những hóa chất này là gì. Nếu đó là chất cấm sẽ gây tác động lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, không loại trừ khả năng gây ung thư. Như vậy, nếu chúng ta chỉ kiểm soát độc tố trong măng tươi là chưa đủ.

Có thể ăn thường xuyên

Theo bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, măng có đủ các chất protid, glucid, muối khoáng, vitamin. Đặc biệt, loại thực phẩm này còn chứa hàm lượng chất xơ tương đối dồi dào, thậm chí nhiều hơn rau, rất tốt với người cholesterol trong máu cao. Ngoài ra, măng còn có thể giúp giảm cân.

PGS Thịnh cũng cho rằng, nhiều người đã sai khi nghĩ măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí ăn nhiều sẽ mất máu. Thực tế đây là một trong những loại thực phẩm rất giá trị, có thể ăn thường xuyên.

Về việc măng có gây ảnh hưởng đến máu hay không, vị chuyên gia khẳng định đó chỉ là quan niệm dân gian, chưa có bất kỳ một cơ sở khoa học về điều này. Người dân chỉ nên lưu ý trong việc làm sạch độc tố của măng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG