Vì sao nàng sống thọ nhưng yếu hơn chàng?

Vì sao nàng sống thọ nhưng yếu hơn chàng?
TPO - Các chuyên gia tâm lý học khẳng định sự khác biệt sức khỏe giữa hai giới là bởi chúng ta từ các hành tinh khác nhau – nam giới đến từ Sao Hỏa, còn phụ nữ - đến từ Sao Kim.

Các bác sĩ cũng chia sẻ quan điểm này, bởi phụ nữ không chỉ đau ốm nhiều hơn, mà cách thức đau ốm cũng khác xa đàn ông. Họ cũng phản ứng khác với tân dược. Vì thế đã xuất hiện ngành khoa học mới – y học giới.

Phụ nữ ở mọi nơi trên thế giới đều có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới từ 7 đến 10 tuổi. Thế nhưng điều phi lý: họ hoàn toàn không khỏe hơn. Về mặt thống kê phụ nữ chiếm 70% tổng số bệnh nhân, bởi xác suất đau ốm, vào bệnh viện và trải qua phẫu thuật ba lần cao hơn. Họ cũng vượt xa nam giới về phương diện số lượng thuốc sử dụng. Vậy nên sự phân chia dường như công bằng: mỗi giới có mặt mạnh và mặt yếu.

Vì sao nàng sống thọ nhưng yếu hơn chàng? ảnh 1

Chính mặt thứ hai đã trở thành thách thức đối với nền y học giới (gender medicine). Mục đích của bộ môn khoa học mới là chữa trị “kịp thời”, để phụ nữ ít đau ốm hơn, còn nam giới – sẽ đuối kịp phụ nữ về phương diện tuổi thọ. Vì thế, cho dù là bộ môn hoàn toàn mới, tại Mỹ và châu Âu đã ghi nhận số lượng khổng lồ bác sĩ quan tâm đến lĩnh vực này.

1- Phụ nữ đề kháng tốt hơn với các bệnh lây nhiễm, song dễ bị mắc bệnh dị ứng

- Tự nhiên đã trao cho phụ nữ nhiệm vụ đặc biệt – làm mẹ. Thai nghén và cho con bú trở thành gánh nặng đáng kể đối với cơ thể, buộc cơ thể liên tục buộc phải miễn dịch với mọi bệnh dịch. Vì thế tự nhiên hệ miễn dịch của phụ nữ hoạt động tích cực và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên chỉ đến thời điểm cơ thể còn được estrogen (hoóc-môn nữ giới đặc thù) bảo vệ. Trước tuổi mãn kinh, so với nam giới cùng lứa, phụ nữ ít sổ mũi nhức đầu và ít bị nhiễm các bệnh phổ biến, thí dụ như viêm họng hay viêm phế quản.

Nhờ khả năng đề kháng mạnh hơn, phụ nữ khó mắc các bệnh lây nhiễm, thay vào đó lại dễ trở thành nạn nhân của dị ứng và các bệnh tự miễn, trong đó có: cường và suy tuyến giáp, thoái hóa đốt sống, viêm khớp, tiểu đường…Đơn giản, bị kích động thái quá, hệ miễn dịch của cơ thể phụ nữ trở nên “hăng hái thái quá”, hậu quả: nó tiêu diệt không chỉ vi trùng, virus độc hại, mà cả …tế bào của chính cơ thể! Tiếp theo tình trạng viêm nhiễm phát triển trong cơ quan bị hệ miễn dịch tấn công.

Giải pháp:

- Hạn chế tối đa khả năng bị nhiễm bệnh. Lý do: một khi đã bị nhiễm, thậm chí chỉ cảm cúm thông thường – hệ miễn dịch cũng được huy động họat động với cường độ cao, yếu tố tăng cường khả năng bị mắc bệnh dị ứng và các bệnh tự miễn. Cũng tránh nhiễm lạnh và tình trạng mất vệ sinh “nơi thầm kín” – tình huống thích hợp cho khả năng viêm nhiễm đường tiết niệu và bàng quang (xác suất vốn bốn lần cao hơn nam giới).

2- Bắt đầu gặp rắc rối với trái tim trên 10 năm muộn hơn

- Vẫn thịnh hành quan điểm cho rằng: áp huyết cao, xơ vữa thành mạch và nhồi máu cơ tim là bệnh “đặc quyền” của nam giới. Trước tuổi 40 đấng mày râu đã có thể trở thành nạn nhân của các bệnh tim; trong khi với phụ nữ, nguy cơ mắc cả bệnh áp huyết cao và nhồi máu cơ tim thường chỉ xuất hiện sau khi đã mãn kinh, tức trên 10 năm muộn hơn.

Rắc rối bắt đầu từ thập kỷ thứ sáu của đời người, khi estrogen chấm dứt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Thời xuân sắc, hoóc-môn này làm thông thoáng mao mạch – yếu tố giảm thiểu áp huyết và đảm bảo tuần hoàn máu nghiêm túc. Estrogen cũng phát huy tác dụng duy trì cholesterol luôn ở chuẩn mực tiêu chuẩn. Đến khi nồng độ estrogen suy giảm, xơ vữa thành mạch sẽ xuất hiện và áp huyết cao có thể xuất hiện một khi tiết diện mao mạch bị thu hẹp. Thế nên không hiếm người đẹp thời trẻ trung còn bị áp huyết thấp, bỗng chốc trở thành bệnh nhân áp huyết cao – sau tuổi mãn kinh.

Vấn nạn tiếp theo là nhồi máu cơ tim. Nhờ estrogen, nguy cơ bị đẩy lùi trong nhiều năm. Thế nhưng đến khi estrogen suy giảm – người trong cuộc thường không nhận biết, bởi hiện tượng bị coi nhầm với ngộ độc thức ăn (trong lúc nhồi máu cơ tim phụ nữ thường bị nôn mửa, đau bụng, cảm thấy suy nhược…). Hậu quả, chần chừ không gọi cấp cứu, cho đến khi tình trạng trở nên nguy kịch. Đó là vấn nạn tiếp theo làm cho phụ nữ khác nam giới.

Giải pháp:

- Chủ yếu dựa vào chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Về dinh dưỡng: hàng ngày ăn nhiều rau xanh và hoa quả; duy trì thường xuyên chế độ mỗi tuần ăn ba lần cá biển (tốt nhất cá béo) bởi cá biển là thực phẩm giầu axít beo omega-3.

Về lối sống lành mạnh: Mỗi ngày nên dạo bộ (hoặc tập thể dục nhẹ) 30 phút.

3- Thời gian tiêu hóa chậm hơn 30 phút, vì thế hay bị đầy bụng, khó tiêu

- Phụ nữ thường hay có cảm giác đầy bụng, bởi đó là hậu quả tự nhiên của nhu động ruột chậm hơn và thời gian thức ăn chưa được tiêu hóa nằm trong ruột dài hơn so với nam giới. Tình trạng càng trở nên khó chịu, một khi người đẹp mắc bệnh đường tiêu hóa, thí dụ viêm niêm mạc hoặc hội chứng nhu động ruột thái quá (bệnh gần như “độc quyền” của phụ nữ).

Trong phần lớn các trường hợp, thủ phạm phổ biến thường là stress – hội chứng phụ nữ vốn xoay sở kém nam giới, nhất là khi cộng thêm tác động tiêu cực của bão tố hoóc-môn xảy ra hàng tháng. Vì dễ bị các rối loạn trao đổi chất, sỏi mật cũng là “sản phẩm” khá phổ biến của phụ nữ.

Giải pháp:

- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ (5-6 lần/ngày). Thực đơn nhiều rau quả, cá, thịt gia cầm, thịt lợn nạc…tránh các món ăn nhiầu giầu mỡ. Và lưu ý quan trọng: Cẩn thận khi dùng thuốc. Thậm chí cả thuốc bán tự do, không cần đơn bác sĩ cũng khó thể gây rắc rối cho hệ tiêu hóa (chủ yếu các loại thuốc giảm đau).

4- Vượt trội với các bệnh ung thư

- Nhờ bẩm sinh được trang bị hệ miễn dịch hoàn chỉnh hơn nam giới, cơ thể phụ nữ phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư nhanh hơn, trước khi chúng kịp phát triển thành khối u. Hệ quả: xác suất phụ nữ mắc các bệnh ung thư thấp hơn nam giới 2-3 lần, và cơ thể xoay sở hiệu quả hơn – trường hợp không may trở thành nạn nhân. Những số liệu thống kê này rút ra từ các loại ung thư: bang quang, thận, da, vòm họng, thực quản, phổi, đại tràng và hậu môn.

5- Bị stress tấn công nhiều hơn, nhưng tự xoay sở nhanh và hiệu quả hơn

- Nam giới cứng cáp và ổn định hơn về tình cảm, bởi hành vi ứng xử của họ chịu sự chỉ đạo của testosteron. Cũng vì tác động của hoóc-môn này, nam giới thường hung hãn hơn và dễ bị kích động, dễ nổi giận.

Tình hình trái hẳn với phụ nữ. Do tác động của những hoóc-môn nữ giới, tính khí phụ nữ dao động thất thường, cho dù trong đa số trường hợp người đẹp vẫn làm chủ được tình hình. Cũng vì hoóc-môn giới, phụ nữ thường rơi vào trạng thái trầm cảm, hoảng loạn, nóng nảy và mất ngủ. Phái đẹp bị tình trạng dao động hoóc-môn hành hạ tồi tệ nhất vào thời gian vài ngày trước thời điểm “bẩn người”, trong thời gian thai nghén, vài tuần sau ngày sinh con và trong những ngày tiền mãn kinh.

6- Dễ bị hội chứng mệt mỏi kinh niên đe dọa

- Hơn chục năm trước, sau khi hội chứng mệt mỏi kinh niên được Tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp vào danh mục các bệnh thường gặp, nó mới được giới y học nhìn nhận một cách nghiêm túc. Cho dù nam giới ít bị hơn, song quá trình diễn biến ở cả hai giới đều giống nhau. Quanh năm hụt hơi, cơ thể rã rời, tinh thần chán nản, khó ngủ…là những dấu hiệu đặc thù. Cũng thường xuyên bị đau cơ, đau họng và đau đầu.

Đến nay khoa học vẫn chưa biết rõ nguồn gốc hội chứng mệt mỏi kinh niên. Đa số bác sĩ cho rằng, nó là biến chứng sau bệnh lây nhiễm (thí dụ sau đậu mùa, cúm, vàng da) hoặc hậu quả viêm gan virus B và C kéo dài (có tới 90% số nạn nhân viêm gan vurus C là nạn nhân của hội chứng này).

Tiến Đôn
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG