Vì sao nên ngủ trong bóng tối?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thức khuya và để ánh đèn khi ngủ có thể làm tổn hại đến khả năng sinh sản của phụ nữ khiến họ khó thụ thai, các nhà khoa học cảnh báo.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng “bóng tối” đóng một vai trò quan trọng tạo cơ hội để trứng được thụ tinh trong buồng tử cung. Điều này là do hoóc-môn melatonin có tác dụng bảo vệ trứng của người phụ nữ.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí sinh sản và vô sinh bởi hoóc-môn melatonin giúp bảo vệ tế bào trứng khỏi các gốc tự do - là những phân tử có tính ăn mòn và gây hại cho cơ thể.

“Nếu bạn muốn mang thai, hãy dành 8 tiếng để ngủ trong bóng tối bởi vì ánh sáng nhân tạo sẽ làm gián đoạn quá trình cơ thể sản sinh hoóc-môn - chìa khóa để tăng khả năng sinh sản.

Theo đó, để việc sản xuất melatonin được tối đa, phải đảm bảo không có ánh sáng bên ngoài lọt vào phòng đồng thời tránh ánh sáng từ tivi và các thiết bị điện tử". Đây là lời tư vấn của giáo sư Reiter, thuộc trường Đại học Texas trên trang LiveScience.

Nếu bạn có thói quen để đèn ngủ mới ngủ được thì nên sử dụng màu đỏ hoặc màu vàng, tránh sử dụng loại đèn chiếu sáng có màu trắng hoặc màu xanh để không "làm phiền" đến đồng hồ sinh học của cơ thể, giáo sư Reiter nói thêm.

Bạn cũng nên biết thêm rằng trái đất có chu kì ngày và đêm, buổi sáng rồi đến buổi tối từ ngày này sang ngày khác, nếu bạn luôn ở trong một không gian ánh sáng sẽ khiến đồng hồ sinh học của cơ thể trở nên "bối rối".

Đối với phụ nữ đang mang thai cũng nên tuân theo lời khuyên trên, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kì. Vì cơ thể người mẹ tiếp xúc với ánh sáng của buổi đêm có thể dẫn đến não của em bé không nhận được đủ melatonin để điều hòa đồng hồ sinh học của bé, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe sau này.

Giáo sư Reiter cho hay: “Các nghiên cứu trên động vật cũng đã chỉ ra rằng rối loạn trong môi trường ánh sáng và bóng tối của cơ thể người mẹ có thể liên quan đến các vấn đề hành vi ở trẻ sơ sinh. Điều này có thể dẫn đến hội chứng tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn tự kỷ ở trẻ nhỏ”.

Theo Dantri
MỚI - NÓNG