Vì sao tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?

Vì sao tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?
TP - Dịch bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, viêm não, rubella, chân tay miệng… bắt đầu vào mùa. Nhiều trường hợp dù đã được tiêm vaccine phòng vẫn mắc bệnh, vì sao?

> Tiêm vắc xin, vẫn 'dính' bệnh

PGS - TS Nguyễn Trần Hiển Ảnh: Thái Hà
PGS - TS Nguyễn Trần Hiển. Ảnh: Thái Hà.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết: Tiêm vaccine là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, không có vaccine nào là hoàn hảo và bảo vệ 100% cho người được tiêm.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tiêm chủng đúng lịch thì hiệu lực của các loại vaccine và thời gian bảo vệ cơ thể phòng bệnh cũng khác nhau đối với từng loại vaccine và tùy từng nước.

Trẻ đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh quai bị, sởi, rubella, thủy đậu thường do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng.

Phụ nữ khi mang thai bị mắc các bệnh như thủy đậu, rubella có nguy cơ bị ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?

“Nếu dự kiến có thai thì cần phải theo dõi ít nhất 1 tháng sau khi tiêm vaccine rubella, và tốt nhất chỉ nên mang thai 3 tháng sau khi tiêm vaccine. Không có chỉ định phá thai sau khi tiêm vaccine rubella trong thời kỳ mang thai.

Tuy nhiên, cần phải đến các bác sĩ để được tư vấn. Ngoài ra cũng phải thực hiện đúng chống chỉ định khi tiêm vaccine”- PGS. TS Nguyễn Trần Hiển.

 

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu mang thai và bị nhiễm rubella có nguy cơ sảy thai, đẻ non và đặc biệt là nguy cơ cao gây hội chứng dị tật bẩm sinh cho trẻ sinh ra, đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Đối với nhiễm rubella, tỷ lệ này có thể lên tới 90%. Tuy nhiên, đối với nhiễm thủy đậu tỷ lệ này thấp hơn nhiều.

Dự phòng bệnh như thế nào, thưa ông?

Cách tốt nhất là dự phòng chủ động bằng tiêm vaccine. Cụ thể là tiêm vaccine dự phòng cho trẻ em gái vị thành niên hay phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Loại trừ bệnh rubella cũng như hội chứng dị tật bẩm sinh do rubella gây ra bằng cách tiêm vaccine rubella cho tất cả trẻ em, kết hợp với tăng cường giám sát bệnh và bảo đảm phụ nữ ở tuổi sinh đẻ được tiêm vaccine.

Không tiêm vaccine rubella và thủy đậu cho phụ nữ mang thai vì về mặt lý thuyết có thể có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh do vaccine sử dụng virus sống giảm độc lực. Tuy nhiên, trên thực tế không có trường hợp hội chứng dị tật bẩm sinh do rubella nào xảy ra trong 1.000 trường hợp sau tiêm vaccine rubella ở phụ nữ không biết mình đã mang thai. Cũng không cần thiết phải xét nghiệm sàng lọc tình trạng mang thai trước khi tiêm vaccine rubella.

Thái Hà thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.