Vì sao trẻ thiếu vitamin?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nếu bé nhà bạn hay ấm ách, khó chịu trong người mà không rõ nguyên nhân, hãy nghĩ đến sự thiếu hụt vitamin ở bé.

Vai trò của vitamin

Vitamin có vai trò quan trọng trong cơ thể: tham gia cấu tạo tế bào; điều hòa hoạt động của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt; tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng… Ngoại trừ vitamin D và K, cơ thể không tự tổng hợp được vitamin mà phải bổ sung từ bên ngoài.

Vitamin được chia làm hai nhóm: nhóm hòa tan trong chất béo gồm các vitamin A, D, E, và K ; nhóm hòa tan trong nước gồm vitamin C và các vitamin nhóm B.

Phát hiện kịp thời

Nhu cầu về vitamin của trẻ em cao hơn người lớn, do vậy mà trẻ dễ bị thiếu vitamin nếu trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ không cung cấp đủ. Việc bổ sung vitamin nên dựa vào việc xác định trẻ thiếu loại vitamin nào. Có thể căn cứ vào các dấu hiệu tiêu biểu dưới đây:

 - Thiếu vitamin A: Khô mắt là biểu hiện đặc trưng, trẻ sợ ánh sáng, ít nước mắt. Da của trẻ thô ráp, bong vảy, sần sùi. Vì thiếu vitamin A nên trẻ chậm lớn, mệt mỏi, không chịu chơi.

=> Cho trẻ bú sữa mẹ, ăn bổ sung, ăn dặm đúng thời gian, đủ số lượng theo lứa tuổi, đủ chất, với chế độ ăn giàu mỡ, ăn nhiều loại thực phẩm chứa vitamin A như gấc, đu đủ, rau ngót, trứng gà, gan… Nên cho trẻ đi uống vitamin A định kỳ 6 tháng/lần.

 - Thiếu vitamin B1: Trẻ hay quấy khóc, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, không tăng cân, nước tiểu ít…

=> Cho trẻ uống, tiêm vitamin B1 liều cao, sau giảm dần. Nguồn cung cấp vitamin B1 dồi dào là sữa mẹ, sữa bò, trứng, ngũ cốc. Không nên nấu rau, ngũ cốc quá chín vì vitamin B1 sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao

- Thiếu vitamin C, E: Biểu hiện khi trẻ thiếu vitamin C là: sún răng, răng vàng, lợi sưng đỏ, hay kêu đau, mỏi toàn thân. Nếu thiếu vitamin E: trẻ bị thiếu máu, xuất hiện creatin niệu…

- Cho trẻ uống vitamin C, E, nước cam ép, sinh tố bơ, cà chua, bưởi…

- Thiếu vitamin PP: Trẻ bị tiêu chảy, phân giống như nhầy mũi hoặc có máu; trẻ hay bị viêm miệng và lưỡi, không ngủ được, lờ đờ. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ tử vong do viêm phổi, viêm thận.

=> Ngoài việc cho trẻ uống vitamin PP, nên bổ sung thêm vitamin B1 và men bia.

- Thiếu vitamin K: Thiếu vitamin K thường xuất hiện trong thời kỳ trẻ mới sinh với biểu hiện đặc trưng là chảy máu (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc…); trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, co giật…

=> Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1mg, hoặc vitamin K3 2mg. Hoặc cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần, lần một sau khi sinh, lần hai lúc 7 ngày tuổi và lần ba lúc 1 tháng tuổi.

Trẻ nào cần phải bổ sung vitamin?

Tất nhiên, với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn hay trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm khuẩn, ho, tiêu chảy…) phải được bổ sung vitamin. Vấn đề đặt là liệu trẻ có sức khỏe bình thường có cần bổ sung vitamin?

Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và không có dấu hiệu suy dinh dưỡng thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, các vitamin vốn có trong thực phẩm thường không được đảm bảo bởi nhiều nhân tố khách quan như: bị héo, trái cây không tươi, hoặc bảo quản chế biến thực không tốt. Vì vậy nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên cho những trẻ này uống bổ sung vitamin.

Còn với trẻ béo phì, nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.

Uồng thuốc bổ sung vitamin thế nào?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc vitamin và chất khoáng hỗn hợp. Các bà mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho con uống loại nào đó, bởi nếu cung cấp quá nhiều vitamin cho trẻ cũng nguy hiểm không kém việc thiếu vitamin.

Những nguyên tắc cần nhớ:

- Thừa vitamin A có thể gây ngộ độc, làm tăng áp lực nội sọ, khiến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương, trẻ chậm lớn. Thừa vitamin D có thể làm trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương.

+ Nếu dùng loại Multivitamin ngày uống 1 viên thì không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D.

+ Nếu dùng loại dung dịch uống, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng bản hướng dẫn sử dụng thuốc.

- Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.

*Chú ý: Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.

Trẻ em châu Á thiếu vitamin D cao nhất

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, trẻ em châu Á thuộc nhóm đặc biệt có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D. Họ cho biết, tỷ lệ trẻ châu Á bị thiếu hụt là 1/117 so với mức trung bình trên toàn thế giới là 1/923.

Nguyên nhân là do người châu Á có làn da sẫm màu, tức là lượng sắc tố trên bề mặt da tăng cao sẽ làm giảm khả năng hấp thụ và tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Thêm vào đó là thói quen ăn uống của trẻ châu Á thường rất nghèo vitamin D.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG