Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng phó đại dịch COVID-19 với nhóm G20

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Y tế G20
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Y tế G20
TPO - Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20 về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu kết thúc hồi 22 giờ 15 phút này 19/4, Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự.

Tham dự cuộc họp có Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng các Bộ trưởng Y tế của các nước G20, các tổ chức quốc tế và khu vực gồm WHO, WB, OECD, Quỹ toàn cầu, Quỹ LHQ, GAVI, Liên minh tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến để đưa ra các giải pháp y tế chống đại dịch và khuyến khích các giải pháp kỹ thuật số để phối hợp toàn cầu và đưa ra ưu tiên chuẩn bị ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đại diện của cả 5 châu lục đã thể hiện quyết tâm cần phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm "chống dịch như chống giặc".

Việt Nam đã áp dụng chiến lược “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 bao gồm cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội.

Việt Nam đã phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế. Ứng dụng theo dõi sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân, giúp ngành y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân.

MỚI - NÓNG