Vụ ngộ độc ở quán cơm gà Đà Nẵng: Vì sao do món dưa chua?

Quán cơm gà bà Buội buộc phải đình chỉ hoạt động, tiến hành tiêu độc khử trùng.- Ảnh: Nguyễn Thành
Quán cơm gà bà Buội buộc phải đình chỉ hoạt động, tiến hành tiêu độc khử trùng.- Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Mới đây, tại Đà Nẵng xảy ra vụ ngộ độc thức ăn ở một quán cơm nổi tiếng, nhóm du khách đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, chóng mặt, nôn mửa, đau đầu....

Theo kết quả báo cáo trong ngày 17/5, những người này đã bị ngộ độc do ăn phải món dưa chua chứa vi khuẩn E.Coli vượt mức cho phép.

E.Coli là một loại vi khuẩn vừa gây hại, vừa cần thiết và rất có ích đối với con người. Chúng có mặt trong hệ vi khuẩn có lợi ở ruột (vi khuẩn chí đường ruột), cùng các vi khuẩn khác ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn lạ thâm nhập vào hệ tiêu hóa; kích thích hệ miễn dịch; sản xuất các chất có lợi cho cơ thể; giúp chuyển hóa các chất đường.

Tuy nhiên, có loại E.coli tiếp nhận các khả năng gây bệnh của những vi khuẩn khác và trở thành tác nhân gây bệnh đường ruột. Trong đó, cực kỳ nguy hiểm là nhóm E.Coli gây tiêu chảy ra máu (EHEC), dẫn đến vỡ hồng cầu và suy thận chết người, có thể gây thành dịch trong thời gian ngắn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã phân tích rõ hơn về vi khuẩn E.Coli trong thực phẩm, đặc biệt là dưa chua.

Ông cho biết, E.Coli là một loại vi khuẩn đường ruột và bất cứ sản phẩm nào cũng có khả năng nhiễm vi khuẩn này. E.Coli xuất hiện trong đất, phân và lan truyền chủ yếu qua đất, nước. "Đây là một loại vi khuẩn rất phổ biến và được cảnh báo gây ra bệnh đường ruột rất nhanh nên người ta thường yêu cầu quản lý, khử E.Coli rất chặt chẽ".

Nói về trường hợp ngộ độc dưa chua tại Đà Nẵng, ông Thịnh phân tích: "Cũng may đó là E.Coli từ dưa chua, chứ nếu là thức ăn khác (như rau sống) thì sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Dưa chua là món không nấu chín mà phải ăn sống nên E.Coli đã không được loại bỏ. Việc dưa chua bị nhiễm E.Coli có thể từ hai nguyên nhân, từ nguồn nước của vùng trồng rau hoặc từ quá trình chế biến không đảm bảo (tay chân không sạch sẽ). Nhưng E.Coli là loại vi khuẩn luôn phát triển chứ không dừng lại nên nếu nhiễm thì sẽ từ 1 thành 10, 10 thành 100. Vì vậy, nếu dưa không được rửa sạch, muối không đảm bảo thì người ăn vào sẽ bị nhiễm E.Coli. Còn trường hợp nếu dưa được rửa sạch, dụng cụ đựng sạch sẽ thì sẽ không bị nhiễm nữa, mà nếu dưa có bị nhiễm thì chính men chua lại có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn này".

Theo ông Thịnh, trong môi trường của dưa chua thì E.Coli sẽ không phát triển nhanh như các môi trường trung tính ở nhiều thức ăn khác. Dù vậy, khi từ dưa chua vào đến cơ thể (ruột) người thì E.Coli sẽ phát triển rất nhanh vì độ axit ở môi trường trong ruột đã ít hơn.

Về biện pháp chung để hạn chế vi khuẩn E.Coli trong thực phẩm, ông Thịnh đưa ra lời khuyên như sau: Việc đầu tiên là môi trường trồng, chăm sóc, chăn nuôi phải sạch sẽ.

Thứ hai, có thể tiêu diệt E.Coli bằng khí Clo hoặc thuốc sát trùng. Đối với thực phẩm, người tiêu dùng nên ăn chín, uống sôi và đảm bảo các khâu chế biến phải sạch sẽ.

E.Coli có thể gây nguy hiểm như thế nào?

Gia súc là ổ chứa vi khuẩn, đặc biệt là loài ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, dê, cừu. Vi khuẩn cư ngụ trong đường ruột của những loài vật này và được đào thải ra môi trường qua phân. Người cũng có thể coi là ổ chứa vi khuẩn do đóng vai trò trong việc lây truyền người - người.

E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: Ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh.

Hoặc lây truyền qua đường nước: Do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày.

Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).

(Tổng hợp từ giadinh.net.vn)
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".