'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới

Himalaya hùng vĩ, ngôi nhà của “Vương quốc bị lãng quên”.
Himalaya hùng vĩ, ngôi nhà của “Vương quốc bị lãng quên”.
Nép mình dưới những đám mây đen trên đỉnh dãy Himalaya hiểm trở, “Vương quốc bị lãng quên” với nền văn hóa cổ xưa gần như nguyên vẹn vẫn là một trong những thành trì cuối cùng của một Tây Tạng truyền thống.

Phía Nam được bao quanh bởi dãy núi cao nhất thế giới, phía Bắc giáp với Tây Tạng, nép mình dưới những đám mây đen trên dãy Himalaya hiểm trở và được che chắn bởi những đỉnh núi cao trên 8.000m như Annapurna và Dhaulagiri, “Vương quốc bị lãng quên” hay “vùng đất cấm”, Mustang hay Vương quốc Lo cho đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nền văn hóa cổ xưa của mình, và vẫn là một trong những thành trì cuối cùng của vùng đất Tây Tạng truyền thống.

Trong quá khứ Mustang đã từng là một vương quốc độc lập, dù có quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ thứ 17, Mustang là vị trí chiến lược trong tuyến đường thương mại giữa Himalaya và Ấn Độ. Những hàng hoá như muối, yak, len, ngũ cốc, gia vị, thịt khô…đã lưu thông tấp nập trên con đường này. Tuyến đường này bị ngừng sử dụng khi Trung Quốc sát nhập Tây Tạng vào năm 1950.

'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới ảnh 1 Vương quốc Mustang nằm ở dãy Himalaya.
Thủ đô của vương quốc Lo cổ xưa  là Manthang, thường bị nhầm lẫn với thung  lũng huyền thoại Shangri-La được miêu tả trong các tiểu thuyết. Vào cuối thế kỷ 18, Mustang mất đi tư thế là Vương quốc Lo và trở thành một phần của Nepal. Vị vua cuối cùng của Vương quốc Mustang, Jigme Dorje Palbar Bista, dòng dõi của những chiến binh lập quốc Ame Pal từ năm 1380, hiện vẫn đang còn sống ở Kathmandu, thủ đô Nepal.
'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới ảnh 2 Người dân Mustang trong trang phục truyền thống.
'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới ảnh 3 Mustang vẫn còn giữ được những nét nguyên thuỷ của Phật giáo Tây Tạng.
Cư dân nguyên thủy của Mustang là dân tộc Loba, năm 2001 Mustang có dân số là 14.981 người, hầu hết sống gần sông Kali Gandaki, ở độ cao 2800-3900 m trên mực nước biển. Khí hậu Mustang bị chi phối bởi dãy núi Annapurna và Dhaulagiri, mát mẻ và tương đối khô hạn với lượng mưa trong khoảng 250-400 mm. Thủ đô của vương quốc Lo cổ xưa  là Manthang, một số học giả các nước cho rằng đây là pháo đài thời trung cổ được bảo tồn tốt nhất thế giới.
'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới ảnh 4 Một dòng sông trong Vương quốc Lo.
Trung tâm hành chính của Mustang là Jomsom, nơi có một sân bay được xây dựng từ năm 1962 và đã trở thành điểm du lịch chính của Vương quốc kể từ Mustang đã được mở cửa với du lịch năm 1992. Trước đó, với chủ trương không tiếp xúc, cấm người nước ngoài vào lãnh thổ đất của mình nên Mustang vẫn giữ được nền văn hóa cổ xưa của nó gần như còn nguyên vẹn. Mustang là nơi cuối cùng trên thế giới vẫn còn giữ được vẹn nguyên những nét văn hóa truyền thống của Tây Tạng.
'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới ảnh 5 Cuộc sống của người dân Mustang hiện nay xoay quanh du lịch, chăn nuôi và thương mại.
Những người phương Tây đầu tiên đến với Mustang là Toni Hagen, nhà thám hiểm, nhà địa chất học người Thụy Sĩ, ông đã đến Mustang vào năm 1952 trong một chuyến đi của mình trên dãy Himalaya. Sau đó do tọa lạc ở vị trí địa lý tương đối hiểm trở, vương quốc Mustang lại bị quên lãng cho tới khi được các nhà thám hiểm tái phát hiện vào năm 1981. Ngày nay dù đã mở của cho du lịch nhưng khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế và khó tiếp cận. Bạn cần có giấy phép đặc biệt và phải trả một số lệ phí khá cao để tiếp cận Vương quốc cổ xưa này.
'Vương quốc bị lãng quên' trên nóc nhà thế giới ảnh 6 Một góc Manthang – Vương quốc Lo.
Người Trung Quốc đã và đang mở lại những tuyến đường tiếp cận “Vương quốc bị lãng quên” này, và dù các cư dân của Mustang hiểu tầm quan trọng của con đường, nhưng họ sợ mất văn hóa và bản sắc của họ như Tây Tạng bây giờ.

Nếu bạn là người say mê nền văn hóa và Phật giáo Tây Tạng, muốn tìm hiểu về một Tây Tạng nguyên thuỷ, bạn hãy dành thời gian đến với Vương quốc Lo cổ xưa và huyền bí trước khi nó bị “hiện đại hoá” vì những lợi ích kinh tế khác.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG