WHO và CDC đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid -19

WHO và CDC đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid -19
TPO - Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 28/2, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) nhận định Việt Nam ứng phó nhanh, kiên quyết với dịch Covid -19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là dịch bệnh mới, nhiều diễn biến khó lường nên Việt Nam vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đã dự tính một số biện pháp mới nên muốn nghe, tham khảo ý kiến của WHO, CDC trước khi quyết định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam tập trung vào việc giám sát phát hiện sớm ca bệnh, Bộ Y tế cũng ban hành quy định về giám sát ca bệnh, quy trình về giám sát xét nghiệm, huy động tất cả các đơn vị xét nghiệm vào cuộc và có sự giám sát chặt chẽ của các viện dịch tễ đầu ngành. Từ kinh nghiệm điều trị SARS hiệu quả, bài học điều trị của Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam đã có cách làm phù hợp với thực tiễn là tiến hành điều trị trên toàn tuyến, tránh tập trung quá đông bệnh nhân ở tuyến trung ương để hạn chế lây nhiễm chéo. Thực tế hiện nay tuyến huyện, phòng khám đa khoa tuyến huyện đã điều trị thành công bệnh nhân COVID-19 theo phương châm 4 tại chỗ, giúp giảm vận chuyển, giảm tập trung người bệnh, đảm bảo nhân lực, đảm bảo cách ly.

Ngoài ra, phác đồ điều trị COVID-19 liên tục được cập nhật, bổ sung kinh nghiệm điều trị từ ca bệnh Việt Nam và các kinh nghiệm của thế giới. Bộ Y tế cũng theo dõi liên tục và cập nhật các khuyến cáo mới nhất của WHO để áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển các sinh phẩm để phục vụ cho việc chẩn đoán…

Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đầu tiên là ngăn chặn triệt để người có khả năng mang mầm bệnh từ bên ngoài vào. Huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân với sự điều hành, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, và coi đây là nhiệm vụ của tất cả ban, ngành và triển khai đồng bộ chứ không riêng gì của ngành y tế.

Cùng với đó chính quyền các cấp, cấp ủy cơ sở coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, Việt Nam đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, các nguồn lực được phát huy hiệu quả rõ rệt và không bị động.

Về vấn đề chuyên môn, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, vấn đề khoanh vùng dập dịch, Việt Nam xác định quy mô dịch bệnh ở mức độ nào thì tổ chức cách ly, khoanh vùng ở mức độ đó. Ví dụ tại xã Sơn Lôi đã hình thành 4 vòng cách ly. Cách làm này đảm bảo rất chặt chẽ từ vòng trong đến vòng ngoài và đã phát huy tác dụng. Đến nay, sau 14 ngày tại Sơn Lôi không phát hiện trường hợp mắc mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện WHO và CDC đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam.

Đại diện WHO và CDC cho rằng việc kiểm soát COVID-19 lây lan trên toàn cầu là vô cùng khó khăn, đồng thời bày tỏ, cộng đồng quốc tế cũng mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn và bày tỏ mong muốn WHO, US CDC tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh COVID-19.

MỚI - NÓNG