Đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017

Chàng trai vàng Hóa học giành học bổng khủng MIT

Ngoài Hóa học, chơi đàn cũng là 2 niềm đam mê của Hiếu. Ảnh: Như Ý.
Ngoài Hóa học, chơi đàn cũng là 2 niềm đam mê của Hiếu. Ảnh: Như Ý.
TP - Hai lần giành HCV Olympic Hóa học Quốc tế (năm 2016, 2017), mới đây giành học bổng toàn phần trị giá 6,4 tỷ đồng tại trường đại học hàng đầu thế giới, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nhưng ít ai biết rằng, chàng trai vàng Hóa học Đinh Quang Hiếu, SN 1999, từng là một học sinh liên tục bị điểm 0. Điểm đặc biệt ở Hiếu là luôn nỗ lực vượt qua bản thân để chinh phục những đỉnh cao tri thức.

Gặp Hiếu vào một chiều đầu năm mới tại nhà riêng trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), chàng trai vàng Hóa học “đãi” chúng tôi bằng một bản ghi ta ngọt ngào. “Ngoài Hóa học, em có hai niềm đam mê là bóng đá và đàn ghi ta. Đàn ghi ta em mới học chơi được hơn nửa năm nhưng trình lên cũng kha khá rồi”, Hiếu chia sẻ.

 Liên tục bị điểm 0

Trong căn phòng của Hiếu, ngoài sách, chủ yếu là những cuốn sách Hóa học được xếp ở vị trí trung tâm trước bàn học còn có các cuốn sách dạy chơi đàn ghi ta và quả bóng đá. Sau giờ học căng thẳng, Hiếu thường chơi nhạc hoặc đá bóng. Hiếu thích trò tâng bóng và giữ thăng bằng bóng. Bị cận gần 7 đi-ốp nhưng Hiếu luôn có một vị trí trong đội bóng của lớp, trường, đá tiền vệ.

Mẹ Hiếu, chị Phạm Thị Khuyên luôn là người đồng hành và có sự tác động rất lớn đến con đường học hành của Hiếu. Là con út trong gia đình Hiếu có phần được chiều chuộng hơn trong các sinh hoạt. Suốt từ lớp 1 đến lớp 12, mẹ là người không quản ngại nắng mưa đưa đón Hiếu đi học.

“Hiếu rất tự lập và nghị lực. Không chỉ trong học tập mà bất kỳ vấn đề gì em ấy đã thích là quyết tâm làm bằng được. Em thích nấu ăn nên thường xem các chương trình dạy nấu ăn trên ti vi rồi nhờ mẹ mua nguyên liệu về nấu. Nhiều món cháu nấu ngon, trình bày đẹp mắt lắm”, chị Khuyên tự hào, nói.

Chàng trai vàng Hóa học giành học bổng khủng MIT ảnh 1 Hiếu cùng mẹ và tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế danh giá. Ảnh: Như Ý.

Nhớ lại những ngày đầu cho con đi học, chị Khuyên kể, vào học lớp 1, do không được bố mẹ cho học trước làm quen với chữ cái nên thời gian đầu Hiếu không theo kịp các bạn trong lớp. “Buổi học đầu tiên bị điểm 0, Hiếu buồn lắm, cả ngày không làm gì. Mẹ động viên, nhưng rồi vẫn bị điểm 0. Lúc đó, tôi không giận mà vẫn nhẹ nhàng động viên con. Hiếu là người cởi mở. Trên đường đi học về, Hiếu thường kể cho mẹ nghe đủ thứ chuyện từ học tập, đến bạn bè. Hiếu thường trầm trồ khen bạn này, bạn kia học giỏi rồi tự hỏi sao con lại không giỏi được như vậy. Sau đó tôi kèm cặp, dạy con học nhiều  hơn. Tôi đã rất ngạc nhiên khi cứ dạy con đến đâu là biết đến đó và tiến bộ rất nhanh. Hết cấp I, Hiếu thi đỗ vào trường chuyên Amsterdam Hà Nội”, chị Khanh nhớ lại.

Khát khao những đỉnh cao

Hết cấp II, Hiếu chọn thi vào THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Hiếu đăng ký thi vào lớp chuyên Toán và chuyên Hóa, đều đỗ. Trong lúc đang phân vân chọn lớp học, Hiếu tình cờ gặp thầy Vi Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Hóa của trường (hiện là phó hiệu trưởng nhà trường) và quyết định chọn lớp chuyên Hóa. “Hôm đó, gặp thầy và nghe thầy nói về bề dày thành tích học tập của lớp Hóa, đặc biệt là những tấm huy chương trên đấu trường quốc tế, em rất ngưỡng mộ. Bản thân thầy Tuấn cũng từng giành Huy chương Bạc quốc tế. Như được “truyền lửa”, ngay sau khi gặp thầy em quyết tâm đặt ra cho mình mục tiêu chinh phục những tấm huy chương danh giá đó”, Hiếu chia sẻ.

Lớp 11, Hiếu đạt giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa rồi lọt vào đội tuyển Olympic Hóa quốc tế năm 2016. “Lúc đó, thầy cô giáo và gia đình chỉ mong con có huy chương đồng hay bạc là thành công rồi. Hiếu bảo với tôi, sao phải chờ đến lớp 12 mới phấn đấu huy chương vàng? Con sẽ nỗ lực từ bây giờ”, mẹ Hiếu kể.

“Bước vào cuộc thi em khá căng thẳng. Ở vòng thi lý thuyết, mấy phút đầu run, chữ bị nguệch ngoạc. Phần thi thực hành em còn bị run đến độ làm đổ một phần hóa chất. Lúc đó, em hít thở thật sâu và tự nhủ: Bình tĩnh, bình tĩnh! Hỏng sẽ không có cơ hội làm lại. Phải làm thật tốt…”, Hiếu nhớ lại lần thi Olympic Hóa quốc tế lần thứ nhất. Và kết quả cuối cùng đã làm ngay cả Hiếu cũng rất bất ngờ, giành HCV Olympic Hóa quốc tế năm 2016 với điểm số 92,13/100, đứng thứ 7/280 thí sinh và là thí sinh đạt điểm cao nhất của đội tuyển Việt Nam.

“Em bước vào cuộc thi Olympic Hóa quốc tế lần thứ 2 trong đời khá thoải mái, làm bài suôn sẻ nhưng khi đợi nghe kết quả tự rưng hồi hộp kinh khủng, tim đập nhanh. Họ đọc kết quả nghe mãi không thấy tên mình cứ nghĩ trượt rồi. Hóa ra họ đọc từ thấp đến cao. Kết quả thi lần hai em đạt HCV đứng vị trí thứ 9/297 thí sinh. Khi nghe xướng tên mình, tim như muốn vỡ tung vì vui sướng”, Hiếu kể tiếp.

Với những thành tích xuất sắc, Hiếu được Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội ký quyết định tuyển thẳng vào ngành Y đa khoa của nhà trường năm 2017. Tuy nhiên, ước mơ của Hiếu là trở thành một nhà nghiên cứu về khoa học vật liệu mới nên đã chọn trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cùng với đó là săn học bổng du học. Và Hiếu vừa trúng tuyển vào Viện Công nghệ số 1 thế giới MIT (bang Massachusetts, Mỹ), với suất học bổng toàn phần cho 4 năm học trị giá 279.600 USD (tương đương 6,4 tỷ đồng). Đây là ngôi trường số 1 thế giới về công nghệ.

Bí quyết chinh phục học bổng 6,4 tỷ đồng

Chia sẻ bí quyết chinh phục ngôi trường số 1 thế giới về công nghệ, Đinh Quang Hiếu cho biết, đã tập trung ôn luyện các kỳ thi chuẩn hóa SAT, TOFEL, SAT 2, chuẩn bị các bài luận…Hiếu học ngày học đêm và đã được đền đáp xứng đáng với các số điểm: 1500/1600 điểm SAT1, 104/120 điểm TOEFL; đạt tuyệt đối 800/800 điểm Toán, 800/800 điểm Lý, 800/800 điểm Hóa ở kỳ thi SAT 2.

Về điểm số TOFEL đạt 104/120 điểm, hàng ngày Hiếu đọc hết một tờ báo tiếng Anh và ghi ra sổ tất cả các từ mới, cứ viết đi viết lại cho đến lúc thuộc. Hiếu còn học từ mới bằng thẻ Flashcard. Để tiết kiệm, Hiếu ra quán photocopy mua các thẻ làm bằng bìa carton. Số thẻ lên đến hàng nghìn được Hiếu đóng thành từng thùng. Để rèn khả năng nghe, cứ về đến nhà Hiếu mở nghe các bài hát, chương trình dạy tiếng Anh trên Youtube.

“Việc chinh phục học bổng, ngoài thành tích học tập, điểm chuẩn hóa, những quan điểm thể hiện trong bài luận đóng góp một phần rất lớn. MIT yêu cầu ứng viên làm 5 bài luận ngắn khoảng 250 từ mỗi bài về các chủ đề khác nhau. Bài luận của em xoay quanh sở thích bóng đá và mối quan tâm về môi trường. Có lẽ những trăn trở, mong muốn giải quyết vấn đề môi trường là một điểm cộng để em chinh phục hội đồng tuyển dụng”, Hiếu nói.

MỚI - NÓNG