Người lính trẻ yêu vùng biên ải Dào San

Thượng úy Phạm Tuân trao tặng tivi cho Trường THCS bán trú Tung Qua Lìn; kể cho các em nhỏ những câu chuyện lịch sử dân tộc (ảnh nhỏ). Ảnh: N.M.
Thượng úy Phạm Tuân trao tặng tivi cho Trường THCS bán trú Tung Qua Lìn; kể cho các em nhỏ những câu chuyện lịch sử dân tộc (ảnh nhỏ). Ảnh: N.M.
TP - Dành tình cảm sâu nặng với vùng đất Lai Châu, chàng sĩ quan biên phòng trẻ tuổi Phạm Tuân (sinh năm 1989) luôn đau đáu phải làm sao đem lại ấm no cho người dân trên mảnh đất biên ải xa xôi miền Tây Bắc.

Day dứt với cái nghèo

Đèo dốc nối dài như vô tận lên cổng giời. Vực vách thăm thẳm. 60 ki lô mét từ thành phố Lai Châu lên biên giới Dào San ở huyện Phong Thổ trên độ cao gần 1.800m là điểm đến mà dân phượt còn phải nản lòng. Nếu vào mùa mưa, có lẽ chỉ những người lính biên phòng đủ ý chí chinh phục tuyến thạch lộ sơn cước đến cái nơi mà quần áo phơi cả tuần mới tạm khô. Nhưng xã Dào San có tới 8.000 người dân sinh sống, chủ yếu là người Mông. Họ yêu miền đất được mệnh danh “Đà Lạt của Tây Bắc” khi tiết mùa khô cứ lạnh mát kỳ lạ bên cánh rừng đổ lá vàng tuyệt đẹp khắp biên ải.

Thượng úy Phạm Tuân vừa phóng xe máy về đến cổng đồn, cõng theo chiếc tivi 40 inch đời mới và một thùng kẹo to - quà tặng các em học sinh cấp hai trường Dân tộc bán trú Tung Qua Lìn. Đón chúng tôi bằng một nụ cười tươi duyên, nhưng người lính trẻ quân hàm xanh vẫn không quên quay ra vẫy tay các học sinh, những người dân khi họ đi qua chào “chú Tuân” và đáp lại từng người bằng tiếng Mông.

Đồn Dào San nằm bên sườn đồi cao. Mấy dãy nhà xây cấp bốn đã cũ nhưng sạch đẹp, gọn gàng bên những cây đào mốc trổ hoa xuân. Một vùng đất từng thấm máu người lính áo xanh. 52 người lính đã ngã xuống khi bảo vệ tấc đất thiêng liêng nơi biên ải trong cuộc chiến gần 40 năm trước chống quân xâm lược, trong đó có toàn bộ 28 chiến sỹ biên phòng Dào San. Giờ cuộc chiến đã lùi xa, cột mốc biên giới toàn tuyến đã ấm êm, nhưng Dào San vẫn còn nghèo lắm.

“Trường học có phần khang trang, trạm y tế có bác sỹ, điện giăng sáng, cây ngô lai, lúa cao sản mới, chuối mọc bạt ngàn, và đặc biệt là thảo quả, đã đổi thay Dào San. Nhưng người nghèo vẫn là phần đông. Trẻ em vùng cao thiệt thòi lắm. Cái ăn, cái mặc, đến đồ dùng học tập luôn thiếu thốn. Khi đông về, chứng kiến các em từ các bản làng xa xôi vượt rừng lội suối tới các điểm trường học con chữ trong cái lạnh thấu xương, tôi cứ day dứt mãi…”, thượng úy Tuân tâm sự.

Biên giới là quê hương

Dẫn chúng tôi cuốc bộ đến thăm trường cấp hai Tung Qua Lìn, đi qua các nóc nhà, thượng úy Phạm Tuân kể vanh vách từng chuyện của mỗi gia đình: Đây nhà lão Thò. Lão ốm mấy ngày nay nên anh em đơn vị cử cả cán bộ quân y tới thăm thường xuyên. Đây nhà cậu Vừng, vừa cưới vợ, đã có bầu. Nhà mới xây kia là của anh Dì A Sinh, đã hiến cả quả đồi để đồn xây nhà bia tưởng niệm liệt sỹ. Khu trung tâm xã Dào San đất cũng đắt lắm vì mặt bằng hiếm hoi...

Đến cổng trường đã thấy các thầy cô giáo và học sinh háo hức chờ đón thượng úy Tuân. Chiếc tivi mới được lắp luôn ở nhà ăn, hình ảnh căng mịn hiện lên, tiếng vỗ tay của trẻ nhỏ và niềm vui mừng khó tả của các thầy cô khiến chúng tôi cảm động. Mấy hôm trước, khi thượng úy Tuân đến thăm trường, cô hiệu trưởng tâm sự rằng ước gì có cái tivi cho các em xem chương trình thiếu nhi. Tuân về đồn suy ngẫm mãi. Vét ví có hơn một triệu đồng nhuận bút hai tờ báo trả khi anh viết về đồng bào vùng cao, anh gọi điện cho một số nhà hảo tâm, rồi lên facebook kêu gọi bè bạn, thế là có hơn 7 triệu đồng mua ti vi và đầu thu mới cho các em.

Ở ngôi trường Tiểu học bán trú bên cạnh cũng vừa dựng lên hai công trình do thượng úy Tuân kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay. Đó là nhà ở và nhà ăn bán trú trông khá tươm tất. Thông qua facebook, anh đã kêu gọi được bạn bè ở Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Vĩnh Phúc, TP HCM… hướng về Dào San.

Biên giới là quê hương. Chiếc xe máy cùng anh rong ruổi khắp các bản làng, vượt từng con đèo, triền núi đến với từng ngôi nhà nhỏ. Chiếc điện thoại cầm tay đã lèn chặt hàng trăm con số của đồng bào Mông. Tin báo về nhà nọ có cãi nhau, bản kia có kẻ lạ mặt, hay những khúc mắc của đồng bào cần tư vấn, hòa giải…, tất cả được “cán bộ Tuân” xử lý hòa khí, thấu tình, chóng vánh. Tin và nghe theo “cán bộ Tuân”, người dân dần bỏ hủ tục, không vi phạm pháp luật, nhiệt tình tham gia bảo vệ biên giới.

Kết nối tình người

Dấu chân người lính trẻ Phạm Tuân đã in lên khắp các bản làng, trường học, ở các xã biên giới Lai Châu. Mới đây, cuối năm 2017, một lần xuống bản thấy các em nhỏ co ro trong giá rét khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc, anh lập tức vận động các nhà hảo tâm tặng 622 áo ấm cho học sinh trường mầm non Dào San và 30 chăn ấm cho học sinh trường THCS Dân tộc bán trú Dào San... Những hành động ấm áp kết nối tình người, làm vơi đi nhọc nhằn của người dân chốn biên ải được thượng úy Phạm Tuân và đồng đội tiếp tục nhân lên mỗi ngày.

Thực hiện ước nguyện của người cha từng là bộ đội đặc công tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Quảng Ngãi, Phạm Tuân trở thành học viên Sỹ quan Lục quân 1. Căn duyên anh đến với vùng đất biên cương là từ một chương trình truyền hình nói về bộ đội giúp dân của một người lính biên phòng Cao Bằng. Năm 2011, tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1, anh được biên chế về biên phòng Lai Châu. Anh từng là Trung đội trưởng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động; Trợ lý Thanh niên, Phòng Chính trị. Và giờ anh là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Phó Bí thư Chi đoàn Đồn biên phòng Dào San. 

Phạm Tuân từng có cơ hội về Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Học viện Biên phòng công tác, song anh luôn dành tình yêu với mảnh đất biên giới xa xôi này. Vợ anh đang có bầu, con đầu còn nhỏ, gia đình ở tận tỉnh lỵ Lai Châu, khó khăn vật chất chưa bao giờ làm hai vợ chồng trẻ nao núng. Anh chỉ thương vợ một mình chăm con…

Những ngày này, cả đồn gấp rút hoàn thành công trình Nhà bia ghi tên Liệt sĩ khu vực Dào San, công trình tri ân những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược năm 1979. Nhà bia sẽ có bức phù điêu bằng đá lược sử quá trình chiến đấu, lao động, công tác của bộ đội và nhân dân địa phương. 1,6 tỷ đồng xây dựng công trình là số tiền mà thượng úy Tuân cùng đồng đội trong đồn đã huy động từ xã hội hóa.

Là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017, giai đoạn 2013-2016, thượng úy Phạm Tuân đã vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng 17 phòng ở bán trú, phòng học, nhà ăn bán trú cho các em học sinh trị giá 2,7 tỷ đồng; tặng trên 4.200 suất quà và 25 nghìn thùng sữa cho học sinh biên giới trị giá gần 7 tỷ đồng; xây dựng hệ thống dẫn nước và bể nước phục vụ các nhà trường và người dân tại các xã Dào San, Mù Sang của huyện Phong Thổ trị giá trên 250 triệu đồng. Năm 2017, từ sự kết nối của anh, hơn 1 tỷ đồng do các tổ chức đoàn thể, cá nhân ủng hộ đã được chuyển thành các công trình phục vụ nhân dân cùng các suất học bổng, phần quà thiết thực tiếp sức cho học sinh tới trường. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.