Trần Minh Châu để dương cầm lên tiếng

Trần Minh Châu biểu diễn tiết mục Polonaise Chopin tại lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017, tối 25/3. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Trần Minh Châu biểu diễn tiết mục Polonaise Chopin tại lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017, tối 25/3. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngoài việc trẻ nhất trong số 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017, Trần Minh Châu (SN 2004) chắc danh hiệu “ít nói nhất”. Nhưng đã có cây piano nói hộ em bằng 12 giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó có nhiều giải danh giá như: Nhất cuộc thi Piano quốc tế Ricard Vines tại Tây Ban Nha, Nhất cuộc thi Concerto cho Piano quốc tế AFAF tại Mỹ, Nhất Piano Future Stars tại Ba Lan…

Học cho vui

Bài viết này sẽ ngắn hơn rất nhiều nếu không có sự trợ giúp của bố mẹ Châu. Vì phần lớn các câu hỏi đều làm Châu lộ vẻ bẽn lẽn và hướng ánh mắt cầu viện sang bố mẹ. Nếu có trả lời, thì em cũng rất thủ thỉ. “Châu không thích giao tiếp với người lạ. Ở nhà hoặc giữa bạn bè thì Châu nói cũng chẳng kém ai”, bố mẹ thông báo. “Không phải riêng mình mà các bà giáo và mọi người đều nói trong Châu có hai con người hoàn toàn khác nhau: Ngoài đời Châu là một cô bé nhút nhát nhưng trên sân khấu rất mạnh mẽ, sự rụt rè biến mất”.

Châu đến với cây piano từ chủ trương của bố mẹ muốn cho con tiếp xúc với đa dạng các bộ môn nghệ thuật. “Ban đầu cho con đi học với mục đích trang bị thêm những kiến thức về nghệ thuật để các con khi xem một bức tranh biết nó đẹp xấu thế nào, nghe một bản nhạc biết nó hay ở đâu”, anh Trần Đức Minh, bố Châu chia sẻ. Khi Châu lên 4, sẵn chị gái đang học piano nên bố mẹ để Châu học luôn… cho vui.

Châu học đến khoảng 7 tuổi, giáo viên khẳng định có năng khiếu và khuyên gia đình đầu tư thêm. Châu bắt đầu dự các giải trong nước. Thêm kết quả khả quan từ một số giải quốc tế khiến gia đình vững tin cho Châu thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Bố mẹ Châu đều làm trong ngành tư vấn quản lý khách sạn. Bố Châu cũng thích nghe nhạc nhưng từ khi chăm con đi học đàn, mới bắt đầu nghe cổ điển và dần bị ngấm. “Buổi tối tôi cũng phải hy sinh bớt những thú vui như bia bọt, tụ tập để thêm thời gian cho con”, anh Minh kể. Vào dịp hè, khi các bạn vui chơi, lại là lúc Châu và bố mẹ tất bật với các cuộc thi ở nước ngoài.

Anh Minh tiết lộ: “Hồi bé tôi thích chơi đàn nhưng thời của tôi không có điều kiện. Nay các con biết chơi đàn thì cũng là một cách thỏa niềm mơ ước của tôi khi xưa”. Khi bắt đầu học đàn, Châu chưa biết chữ, nên bố hỗ trợ bằng cách cũng học luôn để hướng dẫn con thêm. “Còn khi con lớn nên rồi thì tôi không thể hỗ trợ con về chuyên môn được nữa. Tôi chỉ có thể nhắc nhở, hò hét con đến giờ tập đàn thôi”, anh tâm sự. Mỗi ngày, Châu tập đàn tối thiểu 3 tiếng, thường là sau khi ăn tối. Tập muộn quá thì lại ảnh hưởng hàng xóm, vì nhà Châu ở chung cư.

Thần tượng Đặng Thái Sơn

Giải thưởng khiến Trần Minh Châu tự hào nhất từ trước đến nay là giải Nhất cuộc thi Piano Quốc tế Ricard Vines ở Lleida, Tây Ban Nha. Đây là cuộc thi có tính chuyên môn cao, gần đây mới mở cửa cho tuổi thiếu niên. Châu chỉ có vài tháng chuẩn bị cho mươi phút thể hiện trên sàn diễn để rồi vượt lên đại diện của hơn 30 nước. “Khi Châu thi giải này, cũng gọi là liều. Nhưng khi con đạt giải cao thì gia đình rất bất ngờ và vui mừng”, bố Châu nói.

Việc chọn các cuộc thi cho Châu do GS.TS.NGND Trần Thu Hà, bà giáo của Châu đảm trách. Học viện cử đi thi nhưng kinh phí gia đình tự túc. Đây là giải thưởng lớn nhất cả về tinh thần và vật chất mà Châu từng có được. Kèm theo tiền mặt là 1.000 euro (trừ thuế còn khoảng 800), cũng có thể nói “bù lỗ” ít nhiều cho gia đình.

Bố mẹ Châu cho các con tiếp xúc với tiếng Anh, bơi lội song song hoặc trước cả nghệ thuật. Thành ra bây giờ bên cạnh đọc sách, Châu có sở thích bơi lội. Cũng rất hợp lý vì pianist để giữ tay phải kiêng nhiều môn thể dục, nhưng bơi lại có tác dụng hỗ trợ cột sống rất tốt.

Châu có nghe nhạc pop nhưng chịu không nhắc được tên ca sĩ nào, hỏi thần tượng ai, trả lời ngay: Đặng Thái Sơn. Em thích chơi nhạc Mozart nhất. Còn nếu được chọn một nước để du học thì đó là Đức. “Sớm cũng phải cuối cấp ba hoặc vào đại học, gia đình mới cho cháu đi”, mẹ Châu nói thêm. “Hiện ở Việt Nam cũng có những giáo sư giỏi nên yên tâm cho con học ở trong nước”.

Chị gái Châu xin phép bố mẹ tạm dừng tập đàn năm lớp 9 sau khi thi đỗ vào trường Hà Nội- Amsterdam và có thêm những đam mê mới: trống và nhiếp ảnh. Về piano, chị Châu cũng từng dự một liên hoan âm nhạc quốc tế ở Hàn Quốc, giành huy chương bạc.

Trần Minh Châu đang học lớp 8 chuyên Anh trường Marie Curie. Tháng 12 năm ngoái em được đặc cách tham gia thi tuyển và đỗ với kết quả xuất sắc vào Hệ đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 2016-2025 tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trần Minh Châu để dương cầm lên tiếng ảnh 1  
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.