Làm sao để vượt qua trầm cảm vì thất bại công việc?

Làm sao để vượt qua trầm cảm vì thất bại công việc?
Bạn gái tôi vừa trải qua một cú sốc, khi thi không đủ điểm để đi làm nghiên cứu sinh ở Hà Lan. Chính vì thế, thời gian gần đây cô ấy thường buồn bã, tỏ vẻ chán chường, hay mặc cảm, tự ti và thấy mình không đáng sống.

Một bác sĩ khám, khuyên bố mẹ bạn gái tôi phải chăm sóc cô ấy cẩn thận khi kết luận cô bị mắc bệnh trầm cảm. Có cách gì để chữa trị cho bạn gái tôi sớm khỏi bệnh trầm cảm, giúp cô ấy trở lại học tập và làm việc bình thường không, thưa bác sĩ?

(phuctruong...@gmail.com)

Trầm cảm là một rối loạn về cảm xúc, gây sự suy giảm chức năng xã hội và nghề nghiệp ở hầu hết các bệnh nhân. Theo ước tính, mức suy giảm chức năng do trầm cảm gây ra tương đương với mức suy giảm do các bệnh thực thể mạn tính khác (tăng huyết áp, tiểu đường...) cộng lại. Theo Tổ chức Y tế thế giới 5% dân số trên toàn thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Theo tác giả Trần Văn Cường (2001) ở nước ta tỷ lệ trầm cảm chiếm 2,8% dân số.

Biểu hiện điển hình của trầm cảm là tình trạng buồn rầu, ủ rũ suốt cả ngày và kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Người bệnh luôn luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải, không còn sức sống.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm:

- Nguyên nhân nội sinh: Xuất hiện do sự thay đổi hoạt lực của các chất dẫn truyền thần kinh tại não, mà ngày nay người ta nghĩ nhiều đến sự giảm serotonin ở thần kinh trung ương.

- Nguyên nhân do stress: Chẳng hạn như khi mất việc làm, những mâu thuẫn trong cơ quan hoặc gia đình, con cái hư hỏng, thất bại trong hôn nhân, thất bại trong công việc, bị sụp đổ lòng tin hoặc có người thân chết đột ngột hoặc khi phát hiện bị các bệnh nặng, nan y, bệnh nhiễm HIV-AIDS, ung thư...

- Nguyên nhân do các bệnh có tổn thương thực thể : Sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não hoặc xơ vữa động mạch não...

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm:

- Mất ngủ: Khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức).

- Chán ăn: Ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), sút cân.

- Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.

- Cảm thấy bốn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.

- Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim...). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.

- Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình.

- Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

- Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người.

- Có ý nghĩ tự sát bằng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe... hay đã có lần tự sát.

- Giảm khả năng tập trung, do dự và giảm hay rất thèm muốn quan hệ tình dục.

Điều trị

Việc điều trị bệnh trầm cảm phải được tiến hành càng sớm càng tốt và theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nếu được điều trị theo đúng phác đồ, người bệnh có thể làm việc, học tập được bình thường.

Nguyên tắc điều trị: Phải phát hiện sớm, chính xác các trạng thái, mức độ và nguyên nhân cũng như các triệu chứng hoặc bệnh lý khác nhau kèm theo bệnh trầm cảm để điều trị; Chỉ định sớm các thuốc chống trầm cảm; Phải biết chỉ định kết hợp thích hợp các thuốc với sốc điện cũng như tâm lý liệu pháp; Ngoài điều trị nguyên nhân, hiện nay có 3 phương pháp điều trị cơ bản là: dùng thuốc, điều trị tâm lí liệu pháp và sốc điện. Có thể điều trị riêng rẽ hoặc kết hợp các phương pháp này.

Dùng thuốc điều trị: phải chọn lựa đúng nhóm thuốc, loại thuốc, liều lượng thích hợp với từng trạng thái bệnh, từng người bệnh và phải dùng lâu dài, bao gồm những giai đoạn tấn công và điều trị duy trì. Thời gian điều trị tấn công thường kéo dài từ 6 - 12 tuần, sau đó cần phải tiếp tục điều trị duy trì khi những triệu chứng của trầm cảm đã hết hoàn toàn trong thời gian từ 16 - 20 tuần. Nhiều bệnh nhân sau khi đã khỏi hết các triệu chứng thường không muốn điều trị tiếp và bỏ thuốc. Trong khi đó mục đích của việc điều trị duy trì là nhằm ngăn chặn tái phát bệnh, đặc biệt là trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ cao như bệnh nhân có nhiều giai đoạn bị trầm cảm, những triệu chứng tổn hại nặng về mặt chức năng học tập, xã hội, có ý tưởng hành vi tự sát, những triệu chứng loạn thần. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy nếu không tiếp tục điều trị thì tỷ lệ tái phát sẽ là 25% trong vòng hai tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những bệnh nhân bỏ thuốc.

Sốc điện (ECT) có thể được áp dụng trong các trường hợp trầm cảm nặng có ý tưởng hành vi tự sát và những trường hợp kháng thuốc. Kết hợp sử dụng liệu pháp hành vi, liệu pháp nhận thức.

Lưu ý trong quá trình điều trị: Không nên cố gắng làm việc bằng bất cứ giá nào; Không nên lấy lý do bị trầm cảm để bào chữa cho các vấn đề khó khăn của bản thân trong công việc; Không nên đưa ra những quyết định có tính chất ảnh hưởng đến tương lai trong thời gian đang điều trị; Không nên ngưng việc; Không uống bia, rượu với bất kì lí do nào; Không ngưng thuốc đang dùng hoặc tự ý tiếp tục dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông
Dược & Mỹ Phẩm

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG